Bảo hiểm y tế học sinh sinh viên: Chia sẻ rủi ro

LÊ DIỄM 27/09/2023 07:23

Tham gia BHYT là cách phòng thân khi gặp rủi ro về sức khỏe, trong đó BHYT học sinh, sinh viên góp phần chăm sóc sức khỏe ban đầu một cách hiệu quả.

Học sinh tham gia BHYT được chăm sóc sức khỏe ban đầu và được thanh toán chi phí khi khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế. Ảnh: D.L
Học sinh tham gia BHYT được chăm sóc sức khỏe ban đầu và được thanh toán chi phí khi khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế. Ảnh: D.L

Theo BHXH Việt Nam, những năm qua, quyền lợi khám chữa bệnh (KCB) BHYT của học sinh, sinh viên (HSSV) luôn được đảm bảo từ công tác KCB ban đầu ở cơ sở giáo dục cho đến các tuyến cơ sở y tế đúng quy định.

Theo thống kê, trong 2 năm 2021 và 2022, bình quân mỗi năm cả nước có khoảng gần 3 triệu HSSV sử dụng thẻ BHYT với khoảng 6,1 triệu lượt KCB BHYT, tổng chi phí KCB BHYT của nhóm HSSV bình quân/năm là hơn 2.500 tỷ đồng. Riêng tại Quảng Nam, trong năm học 2022 - 2023, có hơn 203 nghìn lượt HSSV KCB BHYT trong và ngoài tỉnh, với tổng chi phí hơn 64 tỷ đồng.

Theo ông Nguyễn Thanh Danh - Giám đốc BHXH tỉnh, HSSV được đảm bảo và thụ hưởng đầy đủ các quyền lợi BHYT theo quy định. Ông Danh cho biết: “Nếu không may ốm đau, tai nạn… các em sẽ được quỹ BHYT thanh toán với số tiền KCB không giới hạn trong phạm vi, mức hưởng.

Thực tế đã có rất nhiều trường hợp là HSSV mắc các bệnh nan y, mạn tính phải qua các đợt điều trị dài ngày như chạy thận nhân tạo, điều trị ung thư, phẫu thuật tim mạch… đã được quỹ BHYT chi trả từ vài chục triệu đến hàng tỷ đồng. Nhờ đó, giúp gia đình các em giảm bớt gánh nặng tài chính, yên tâm điều trị bệnh để sớm được quay trở lại học tập”.

Trong năm 2022 và 8 tháng đầu năm 2023, nhiều trường hợp HSSV đi KCB đã được quỹ BHYT chi trả chi phí điều trị lớn. Như trường hợp em T.T.T.D. (sinh năm 2008, xã Điện Thắng Bắc, thị xã Điện Bàn) bị bệnh viêm tụy cấp tính, phải điều trị bệnh dài ngày tại Bệnh viện Nhi đồng II.

Việc học gián đoạn, nhưng quan trọng hơn là D. đang dần hồi phục để vào năm học mới. Tổng chi phí quá trình điều trị bệnh của D. gần 200 triệu đồng đã được Quỹ KCB BHYT chi trả toàn bộ.

Hay trường hợp của học sinh T.P.K. (sinh năm 2005, phường Thanh Hà, TP.Hội An) bị viêm phổi bội nhiễm dẫn đến suy đa tạng, phải điều trị bệnh dài ngày tại Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng. Quỹ KCB BHYT đã thanh toán cho trường hợp của K. hơn 170 triệu đồng.

Được điều trị bệnh kịp thời đã giúp K. giữ được tính mạng, sức khỏe dần hồi phục sau thời gian dài nằm viện. Dù việc học có bị ảnh hưởng, nhưng sức khỏe vẫn là quan trọng hơn hết. Gia đình em nói rằng K. đã may mắn khi tham gia BHYT liên tục từ khi bước vào độ tuổi đi học đến nay, nên chi phí KCB được Quỹ KCB BHYT đỡ đần phần lớn.

Có thể khẳng định, BHYT là chính sách an sinh xã hội có ý nghĩa thiết thực, quan trọng, góp phần hiệu quả trong công tác KCB, chăm sóc sức khỏe HSSV nói riêng và người dân nói chung.

Tham gia BHYT HSSV không chỉ để chăm lo, bảo vệ sức khỏe cho thế hệ trẻ mà còn thể hiện trách nhiệm tuân thủ pháp luật và tinh thần tương thân tương ái của các em để chia sẻ rủi ro với những người không may gặp rủi ro về sức khỏe.

Dù biết là vậy, nhưng vẫn còn một bộ phận HSSV chưa tham gia BHYT, trong năm học 2023 - 2024, cơ quan BHXH sẽ phối hợp chặt chẽ với các ngành, đặc biệt là ngành giáo dục - đào tạo vận động HSSV tham gia BHYT nhằm đảm bảo 100% HSSV tham gia BHYT theo mục tiêu phấn đấu.

Điện Bàn tuyên truyền, đối thoại về chính sách bảo hiểm xã hội

BHXH thị xã Điện Bàn phối hợp với Liên đoàn lao động thị xã tổ chức đối thoại, tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) với người lao động tại Công ty TNHH MTV Phong Sơn.

Qua đó tuyên truyền, phổ biến các quy định của Luật BHXH 2014, Luật BHYT và Luật sửa đổi bổ sung một số điều Luật BHYT; để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện chính sách, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người lao động trong quá trình tham gia và giải quyết hưởng các chế độ BHXH, BHYT.

Báo cáo viên đã phổ biến đến người lao động của công ty những quy định về chính sách BHXH bắt buộc, BHYT, BHTN gồm quy định về thu BHXH, BHYT, BHTN, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, đối tượng tham gia, phương thức đóng, tiền lương làm căn cứ đóng, quy định về chậm đóng, truy thu, trách nhiệm của doanh nghiệp, xử lý vi phạm hành chính về BHYT, BHXH; việc xử lý trách nhiệm hình sự đối với vi phạm pháp luật BHXH, BHYT cũng như các quy định về giải quyết các chế độ chính sách BHXH, BHYT cho người tham gia.

Tại buổi tuyên truyền, đối thoại, phần lớn thời gian được dùng giải đáp các vướng mắc, hướng dẫn cách thức giải quyết trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN tại đơn vị.

Nhiều câu hỏi của người lao động về đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, mức tiền lương tháng và các khoản thu nhập thêm khi tính đóng BHXH; nhiều câu hỏi liên quan đến giải quyết các chế độ như ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hưu trí, tử tuất…. đã được giải đáp chính xác, kịp thời.(S.LINH)

Đến năm 2025, phấn đấu 45% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội

BHXH tỉnh đã ban hành Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 39 của Tỉnh ủy Quảng Nam về việc tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) trên địa bàn tỉnh đến năm 2025.

Kế hoạch này nhằm tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đồng bộ, toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm với lộ trình phù hợp, hiệu quả, đảm bảo hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể, tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức trong toàn dân về chính sách BHXH, BHYT, BHTN trên địa bàn tỉnh.

Huy động cả hệ thống chính trị và nhân dân trên đia bàn tỉnh tổ chức thực hiện tốt các chế độ, chính sách BHXH, BHYT, BHTN. Qua đó mở rộng độ bao phủ số người tham gia BHXH, BHYT, BHTN và tăng nhanh số người tham gia BHXH tự nguyện, hướng đến mục tiêu BHXH cho mọi người lao động, BHYT toàn dân.

Cụ thể từ nay đến năm 2025, toàn tỉnh phấn đấu đạt 45% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH; đạt 35% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHTN; đạt hơn 96% dân số tham gia BHYT; giao dịch hồ sơ điện tử về đóng, hưởng BHXH, BHYT, BHTN đạt 95%; bình quân thanh toán không dùng tiền mặt/tổng chi đạt 70%; chỉ số hài lòng của tổ chức, doanh nghiệp, người dân đối với BHXH tỉnh đạt 90%.(D.LỆ)

Thăng Bình triển khai đồng bộ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư

BHXH huyện Thăng Bình thông tin, đơn vị đã chủ động phối hợp với Công an huyện, UBND các xã, thị trấn kịp thời chỉ đạo và triển khai các nhiệm vụ của ngành BHXH Việt Nam liên quan đến công tác chuyển đổi số theo Đề án 06. Đồng thời vận động 100% viên chức, người lao động hoàn thành việc đăng ký và kích hoạt tài khoản định danh điện tử mức độ 2.

Tính đến ngày 31/8/2023, số lượng căn cước công dân/định danh cá nhân (CCCD/ĐDCN) được đồng bộ, xác thực trên toàn huyện là 147.559/157.564 người đang tham gia BHXH, BHYT (đạt 92%); còn 12.801 người chưa xác được số định danh cá nhân với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Nguyên nhân do thông tin người tham gia BHXH, BHYT chưa trùng khớp với dữ liệu dân cư quốc gia. Số lượng người tham gia chưa đồng bộ được tập trung chủ yếu ở nhóm người cao tuổi, người có công, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo, bảo trợ xã hội, trẻ em dưới 6 tuổi.

Để tiếp tục đẩy nhanh tiến độ xác thực, đồng bộ CCCD/ĐDCN, làm sạch thông tin người tham gia BHXH, BHYT, BHXH huyện Thăng Bình đã đề xuất nhiều giải pháp để rà soát, làm sạch thông tin người tham gia chưa được xác thực đúng; phối hợp chặt chẽ với các ngành của huyện xác minh, bổ sung số ĐDCN/CCCD của người tham gia, tích cực rà soát đối chiếu thông tin người tham gia BHXH, BHYT hiệu chỉnh, cập nhật dữ liệu BHXH quản lý, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu đồng bộ với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đạt 100%.(L.DIỄM)

LÊ DIỄM