Trồng "lúa trời"

QUỐC TUẤN - TẤN CHÂU 23/09/2023 07:44

Khi ở mọi vùng quê khác cây lúa đã ngả đầu trĩu hạt, nhiều khi thóc đã đầy bồ thì người ở xứ cát vùng Đông mới lọ mọ vào vụ “lúa trời”. Gọi là lúa trời vì bao mùa đã qua họ hoàn toàn đánh cược với thiên nhiên mùa dông gió.

Quy trình canh tác “lúa trời” hiện nay đã đỡ vất vả hơn trước rất nhiều. Ảnh: Q.T
Quy trình canh tác “lúa trời” hiện nay đã đỡ vất vả hơn trước rất nhiều. Ảnh: Q.T

“Di sản” thời gian khó

Giao mùa, trời âm u xen kẽ những trận mưa bất chợt. Nhiều khoảnh ruộng bên đường lớn ven biển đã gieo xong vụ “lúa trời”.

Thấy có người hỏi chuyện làm ruộng, bà Trần Thị Lan (xã Bình Dương, Thăng Bình) dừng lát cuốc xởi lởi: “Cái ni chỗ khác thấy lạ chứ ở đây năm nào cũng làm, chỉ vụ nào khô quá làm không nổi mới bỏ. Mà làm cho sạch đất thôi chứ không ăn thua, năng suất chỉ bằng 1/4 lúa mùa, có năm trúng chỉ được 200kg/sào là nhiều rồi”. Nói đoạn, bà Lan lại xoa tay hì hục cuốc úp đất lên giống. 

“Ngó làm cực quá mà không được bao nhiêu thì ráng làm vụ ni chi?” -  chúng tôi hỏi. “Làm qua loa rải giống tràn lan được chừng mô hay chừng đó ri là nhàn rồi. Hồi trước phải bắt giống, tưới giống lên gang tay mới nhổ, nhổ xong đôn đất lên mới cấy, chổng mông cấy trước tưới sau. Rứa mà năm nào gặp trời mưa bão tơi bời coi như mất trắng, lượm lặt đâu được vài chục ký lúa về cho heo, gà.

Còn hạt gạo cho mình ăn cũng trầy vi tróc vảy, gặt mùa mưa phải hong cho ráo rồi giã trong cối đá vì thóc ướt họ không máy, giã phồng tay rồi sàng đi sàng lại chưa có hạt lúa ăn. Chừ làm như hồi xưa là làm không nổi. Cực quá nên mấy năm trở lại đây hầu hết người làng Bàu Bính Thượng bỏ cũng gần hết rồi” - ký ức xưa cũ bỗng chốc hiện về qua mạch kể của bà Lan.

Đặc trưng của vụ lúa này là xuống giống khi trời hạn và thu hoạch trong mùa cao điểm mưa lũ nên công cán chăm sóc, thu hoạch rất vất vả. Ảnh: Q.T
Đặc trưng của vụ lúa này là xuống giống khi trời hạn và thu hoạch trong mùa cao điểm mưa lũ nên công cán chăm sóc, thu hoạch rất vất vả. Ảnh: Q.T

Trên đường trở ra xã Duy Nghĩa (Duy Xuyên), bên vệ đường lớn chúng tôi gặp một lão nông cũng đang đánh vật từng nhát cuốc với vụ lúa trời. Mấy sào ruộng dưới chân ông Nguyễn Văn Tuấn đã giải tỏa từ lâu nhưng mấy năm trời dự án chẳng động đậy thế là lão nông này vẫn tranh thủ trồng thêm được vụ nào hay vụ đó.

Ông lão đã tròn 70 tuổi này nhẩm tính: “Một ngày công bây giờ cũng chừng 300 nghìn đồng, làm 2 ngày đã có bao gạo, còn làm như tôi mấy tháng trời giỏi lắm 1 sào được 3 bao gạo, mất mùa thì chỉ được 2 bao. Hồi xưa chưa có điện, năng suất còn thấp hơn mà đi đào ao với gánh nước còng lưng.

Cách đây hai chục năm, nhà tôi làm tới 10 sào ruộng mà vẫn không đủ gạo ăn. Lúa gặt mùa mưa ẩm thấp đổ trong nền nhà phơi lên mộng hết rồi cũng phải ăn chứ lấy chi mà ăn. Bởi ngày trước ông bà nói ở đất Duy Nghĩa - Duy Hải này hạt gạo to như cái trống chầu là vì thế”. 

Theo chính quyền địa phương, khoảng 10 năm về trước diện tích trồng “lúa trời” ở vùng cát Duy Hải - Duy Nghĩa lên đến hơn 200ha. Hiện nay, “vựa lúa” lớn nhất ở vùng Đông còn sót lại ở xã Duy Nghĩa khoảng 34ha.

“Lúa trời” hay còn gọi là lúa cấy kỳ ở đây được canh tác khoảng vào tháng Bảy và thu hoạch trong tháng Mười (âm lịch), khoảng thời gian cao điểm mưa bão. Nhiều người cố níu vụ lúa này để giữ sạch đất cho vụ chính hoa màu, hoặc có người làm vì lần lữa thương nhớ ruộng đồng.

Đời sống gia đình họ bây giờ đã khá hơn, cảnh tượng “hạt thóc gánh củ khoai” đã lui vào dĩ vãng nhưng sâu trong tiềm thức những người lớn tuổi ở làng là chuyện “ăn không lo, của kho cũng hết”.

Bởi họ tâm niệm rằng cây lúa trời đã dắt díu dân xứ cát này qua thời nhọc nhằn, gian khó. Dù được dù mất cũng có thêm một ít lương thực dằn nơi góc nhà, gặt mùa lúa xong cũng còn được nhúm rơm bỏ chuồng, bó rơm cho đàn bò mình ăn.

Ông Diệp Tấn Lực - Chủ tịch UBND xã Duy Nghĩa cho hay, thực sự là không có mấy nơi ở tỉnh mình có vụ lúa cấy kỳ này. Những năm gần đây do dự án về, công việc - dịch vụ phát triển nên chỉ có lao động nhàn rỗi mới làm lúa trời. Nhưng đợt rồi công việc khó khăn cộng với giá lúa tăng lên thấy rõ nên nhiều hộ dân đã quay lại khai hoang, diện tích trồng lúa trời có tăng trở lại so với mấy năm trước. 

Chỉ dấu của tình làng

Trong tiết trời hanh hao tháng Bảy (âm lịch), chỉ có hai vợ chồng già lầm lũi cuốc xới. Đô thị hóa đã đem những người bạn làm ruộng thuở nào của ông Tuấn vào các nhà máy, cơ sở dịch vụ hoặc về nhà nghỉ ngơi an nhàn.

Cây “lúa trời” như một chỉ dấu về thời gian khó của cư dân vùng Đông. Ảnh: Q.T
Cây “lúa trời” như một chỉ dấu về thời gian khó của cư dân vùng Đông. Ảnh: Q.T

Khung cảnh cả làng rôm rả mùa gieo hạt chỉ còn ẩn hiện trong miên man ký ức của lão nông này. Thời đó, việc lúa cũng như việc làng, các hộ trong làng hợp sức lại làm, từ lúc làm đất đến ngày mùa, xúm xít lại cùng nhau như chính cây lúa khẳng khiu đi qua dãi dầm mưa nắng.

“Hồi trước, sáng mai cấy thì hôm nay phải hò nhau đào ao, có khi trời sáng trăng cả xóm xúm nhau đào, tưới nước từ lúc 2 - 3 giờ sáng. Qua hôm sau thì làm đất mới chạy hàng bởi đất khô không chạy hàng gieo được. Mà làm chi thì chỉ đổi công, trả lúa cho nhau chứ thời đó tiền bạc đâu ra” - ông Tuấn bộc bạch.

Tạt vội vào quán cóc bên vệ đường núp cơn mưa bóng mây, tình cờ chúng tôi gặp ông Năm, một lão nông kỳ cựu khác cả đời gắn với nghề trồng lúa trời. Cha ông Năm từng là người đan gàu tre cho cả làng tát nước từ thập niên 40, 50 của thế kỷ trước do ngày đó chưa có gàu tôn.

“Giống hồi đó là giống lúa đen, giống Cà Đung rất chất lượng, cộng thêm việc chỉ bón phân chuồng, tro, bánh dầu nên cho ra hạt gạo trắng trong mà giống mới chừ không thể bì được.

Nói là phó mặc cho trời nhưng đôi lúc cũng phải biết kinh nghiệm chứ không là bể. Không phải trồng xuống cứ thấy hạn nặng là cắm đầu tưới miết. Vì cây lúa đã lên có bụi rồi mà ngày nào cũng tưới là vô tình làm nó ngậm no nước đến khi mưa xuống là rục ngã luôn. Rứa mới có chuyện bỏ héo mới có ăn còn xót lúa tưới liên tục vô là hỏng” - ông Năm kể.

Một nông dân cào lấp hạt giống, làm bằng mặt ruộng để tưới nước. Ảnh: Q.T
Một nông dân cào lấp hạt giống, làm bằng mặt ruộng để tưới nước. Ảnh: Q.T

Trên đường lục lọi hồi ức của mình, chừng như ông Năm vẫn nghe phảng phất mùi thơm lừng quyện trong hạt gạo béo ngậy của chén cơm mùa lúa mới. Những năm thời bao cấp, theo lệ làng đến mùa thu hoạch xong thì nhà nào cũng làm lễ cúng cơm mới, thường là cúng luôn nhân dịp rằm tháng Mười.

Lâu nay nói về lệ cúng lúa mới, ắt hẳn nhiều người sẽ nghĩ ngay đến phong tục của đồng bào các dân tộc thiểu số phía đại ngàn nhưng ở vùng đất bên chân sóng này cũng đã từng một thời như thế.

Nói về tục cúng lúa mới, ông Diệp Tấn Lực kể vo bởi từng là “người trong cuộc”: “Khi phơi lúa khô xong thì nhất định là mẻ đầu tiên xay về được phải cúng trước để cầu nguyện mùa màng năm sau tốt tươi.

Có những nhà xay lúa về rồi nhưng con cái đi xa chưa kịp về, chưa dàn xếp cúng được thì cũng phải để mẻ gạo đó ra riêng chờ cúng rồi mới ăn chứ không lẫn lộn. Bây giờ chỉ còn một ít nhà có các cụ cao niên vẫn giữ lại lệ này”.

Chợt nghĩ, nếu cái tục làm lúa cấy kỳ này nằm đâu đó bên lề di sản, ví như Hội An vậy thì có khi nào nó cũng đã trở thành di sản phi vật thể không, hoặc chí ít là đến ngày mùa sẽ có những vị khách thích trải nghiệm lạ lẫm đội bão táp mưa sa ra đồng cùng nông dân thu hoạch đưa lúa về cúng cơm mới? 

Khi câu chuyện đó còn quá xa vời thì sẽ không lâu nữa, nghề trăm năm này dễ mà biến mất bởi thấm thoắt, lớp cư dân thuần nông như ông Tuấn, ông Năm đều đã bước qua tuổi xế chiều.

Mấy câu ca thán của bà Lan buông bên đồng ruộng vẫn còn văng vẳng: “Bọn trẻ bây giờ không rờ tới cái cuốc, không tham gia công đoạn nào của việc trồng lúa cả. Chúng nó đi làm thợ, người làm dịch vụ từ lâu rồi. Thực tình có muốn giúp nó cũng không biết làm, may ra tới mùa lúa chín nó giúp tuốt được một buổi, mà mượn không ra người nên bọn trẻ mới xắn tay vào làm”.

Những người chúng tôi bắt gặp trên cánh đồng đinh ninh rằng cái khổ trăm bề này rồi sẽ khép lại khi thế hệ của họ qua đi. Là vui đó, khi lớp người trẻ lớn lên trên xứ cát này sẽ vơi đi những cơ cực nhưng sao từ trong đáy mắt, hình như họ vẫn vương một nét buồn. Nỗi buồn về những mất mát mơ hồ, mông lung mờ ẩn tựa như sương khói quê nhà...

QUỐC TUẤN - TẤN CHÂU