Quy định chức danh, chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn: Thống nhất đề xuất tăng chức danh và mức hỗ trợ
Chiều 22/9, Kỳ họp thứ 16 HĐND tỉnh dành thời gian thảo luận tại tổ. Trong số các báo cáo, đề án, cơ chế, chính sách được đưa ra phân tích, luận bàn, các đại biểu HĐND tỉnh quan tâm Quy định chức danh, chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn.
Thống nhất tăng thêm chức danh
Về cơ bản, các ý kiến thảo luận của đại biểu HĐND tỉnh thống nhất với đề xuất bổ sung chức danh, tăng mức phụ cấp, phụ cấp kiêm nhiệm tại tờ trình của UBND tỉnh.
Trước đó, được sự phân công của UBND tỉnh trình bày tờ trình về nội dung này, theo Giám đốc Sở Nội vụ Trần Thị Kim Hoa, một trong những điểm mới của Nghị định số 33 ngày 10/6/2023 của Chính phủ quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách (NHĐKCT) cấp xã là tăng mức phụ cấp cho NHĐKCT cấp xã, ở thôn/tổ dân phố. Điều này dẫn đến 5 nghị quyết của HĐND tỉnh quy định về các đối tượng này không còn phù hợp, đòi hỏi phải xây dựng nghị quyết thay thế.
Đồng thời thực hiện quy định tại khoản 3 Điều 34 Nghị định số 33, lần này, UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành nghị quyết quy định chức danh, mức phụ cấp, phụ cấp kiêm nhiệm đối với NHĐKCT cấp xã, ở thôn/tổ dân phố, Công an viên, Thôn/Khối đội trưởng; chức danh, mức hỗ trợ, hỗ trợ kiêm nhiệm đối với người trực tiếp tham gia hoạt động ở thôn/tổ dân phố trên địa bàn tỉnh.
Theo tính toán của UBND tỉnh, nếu được HĐND tỉnh thông qua, dự kiến mỗi tháng ngân sách tỉnh bố trí thực hiện hơn 30,8 tỷ đồng (tương đương 370 tỷ đồng/năm). So với các quy định tại các nghị quyết hiện hành, ngân sách nhà nước phải chi thêm hơn 6,6 tỷ đồng/tháng (tương đương 79,4 tỷ đồng/năm) để thực hiện chi trả phụ cấp cho các đối tượng nêu trên.
Báo cáo thẩm tra về nội dung này, ông Hà Đức Tiến - Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh cho rằng, trên cơ sở kế thừa danh mục 14 chức danh hiện hành và góp ý của các địa phương, UBND tỉnh đề nghị bổ sung chức danh “Văn phòng Đảng ủy”. Như vậy, khung chức danh NHĐKCT cấp xã gồm 15 chức danh, gồm 3 chức danh của khối đảng, 7 chức danh khối chính quyền và 5 chức danh khối Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội.
Cũng qua khảo sát thực tế, một số địa phương kiến nghị tiếp tục thực hiện mô hình Văn phòng dùng chung như hiện nay, không thống nhất bổ sung chức danh Văn phòng Đảng ủy như đề nghị của UBND tỉnh.
Theo đó, ông Tiến đề nghị UBND tỉnh giải trình làm rõ sự cần thiết bổ sung chức danh “Văn phòng Đảng ủy” vào khung chức danh NHĐKCT cấp xã để đại biểu HĐND tỉnh thảo luận và quyết định. Trường hợp, đại biểu HĐND tỉnh thống nhất như UBND tỉnh trình, Ban đề nghị điều chỉnh tên gọi “Văn phòng Đảng ủy” thành “Tham mưu công tác đảng ủy”.
Thảo luận tại tổ, đại biểu Phan Thanh Thiên - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy thống nhất với đề xuất tăng thêm một chức danh cho khối đảng của UBND tỉnh; và đề nghị nên đổi tên thành “Tham mưu công tác đảng ủy” như Ban Pháp chế HĐND tỉnh tại báo cáo thẩm tra.
Đã tiếp thu đề xuất từ cơ sở
Ngoài mức phụ cấp theo mức khoán quỹ phụ cấp từ ngân sách trung ương quy định tại Nghị định số 33/2023/NĐ-CP (1,5 mức lương cơ sở/người/tháng, bao gồm mức đóng bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế), UBND tỉnh trình đề xuất hỗ trợ thêm từ ngân sách tỉnh đối với chức danh Phó Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự xã là 1,07 mức lương cơ sở/người/tháng. Còn đối với NHĐKCT cấp xã có trình độ đại học trở lên được hỗ trợ 1,01 mức lương cơ sở/người/tháng và có trình độ dưới đại học được hỗ trợ 0,87 mức lương cơ sở/người/tháng.
Về mức phụ cấp này, qua rà soát của Ban Pháp chế HĐND tỉnh cho thấy, mức khoán quỹ phụ cấp từ ngân sách trung ương theo Nghị định số 33 có tăng so với trước đây. Tuy nhiên, sau khi trừ 17% BHXH và BHYT (phần cơ quan sử dụng lao động phải đóng) thì mức phụ cấp hằng tháng của NHĐKCT cấp xã chỉ còn 1,33 mức lương cơ sở.
Bên cạnh đó, điểm c khoản 3 Điều 34 Nghị định số 33 đã giao HĐND tỉnh quy định mức phụ cấp của từng chức danh NHĐKCT ở cấp xã tương quan, hợp lý với mức lương bậc 1 của công chức cấp xã có cùng trình độ đào tạo.
“Ngoài mức khoán quỹ phụ cấp từ ngân sách trung ương, UBND tỉnh đề xuất hỗ trợ thêm từ ngân sách tỉnh là cần thiết, đúng thẩm quyền và phù hợp, đồng bộ với chủ trương của Tỉnh ủy về nâng mức phụ cấp đối với NHĐKCT cấp xã. Do đó, Ban Pháp chế HĐND tỉnh thống nhất như đề nghị của UBND tỉnh” - ông Hà Đức Tiến, Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh nói.
Theo đại biểu Nguyễn Văn Hòa - Chủ tịch UBND huyện Nông Sơn, dự thảo nghị quyết lần này ưu việt hơn so với nghị quyết được HĐND tỉnh ban hành trước đây khi đã tiếp thu nguyện vọng, đề xuất từ cơ sở. Cụ thể, ngoài mức hỗ trợ tăng thêm hằng tháng từ ngân sách tỉnh đối với NHĐKCT có bằng đại học và dưới đại học; nay cũng quy định mức phụ cấp kiêm nhiệm, hỗ trợ kiêm nhiệm là 100% mức phụ cấp hoặc hỗ trợ của chức danh kiêm nhiệm.
“Trước đây, cán bộ, công chức, NHĐKCT cấp xã, ở thôn/tổ dân phố kiêm nhiệm chức danh NHĐKCT cấp xã, các chức danh ở ở thôn/tổ dân phố mà giảm được một người thì chỉ được hưởng 50% chức danh kiêm nhiệm” - ông Hòa nói.