Hướng về phía núi

TẤN SỸ 21/09/2023 10:17

Cùng với sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước chính sự vào cuộc đầy tinh thần trách nhiệm của các bạn trẻ đến từ khắp mọi miền Tổ quốc, đã giúp thay đổi dần diện mạo các bản làng vùng cao biên giới Quảng Nam.

Công trình điện ở A riêu và niềm vui của bà con Cơ Tu. Ảnh: TẤN SỸ
Công trình điện ở A riêu và niềm vui của bà con Cơ Tu. Ảnh: TẤN SỸ

A Riêu là thôn xa và khó khăn nhất của xã Tr’Hy (Tây Giang), hiện vẫn chưa có đường ô tô và điện lưới quốc gia. Cách trung tâm xã chừng 15km, đi xe máy và đi bộ hơn 2 giờ chúng tôi mới đến được ngôi làng của đồng bào Cơ Tu này.

Trong khi chờ nguồn đầu tư của Nhà nước, 40 hộ đồng bào Cơ Tu nơi đây đã được một nhóm bạn trẻ đến từ TP.Hồ Chí Minh hỗ trợ một công trình điện năng lượng mặt trời.

Những ngày tháng 9 này, đón dòng điện sáng từ tấm lòng của các bạn ở miền xuôi, thật sự là một niềm vui lớn của bà con nơi đây. “Có điện cả làng đều vui mừng. Trẻ con có ánh sáng học bài, đời sống của bà con cũng thuận tiện hơn rất nhiều” - ông Zơ Râm Don (người dân địa phương) chia sẻ.

Tại xã Tr’Hy, từ đầu năm 2023 đến nay, nhóm của chị Nguyễn Thị Hoàng Yến ở TP.Hồ Chí Minh đã đến hai lần, bàn giao hai công trình điện năng lượng và hỗ trợ sinh kế cho bà con, với tổng kinh phí hơn 500 triệu đồng. Không chỉ mang dòng điện sáng đến với những bản làng vùng biên giới Quảng Nam, nhóm của chị Yến còn hỗ trợ heo, gà, vịt giống, rồi hướng dẫn chăn nuôi để người dân cải thiện đời sống.

Ông Lê Hoàng Linh - Bí thư Đảng ủy xã Tr’Hy cho biết: “Cùng với nguồn lực đầu tư của Nhà nước, chính công tác xã hội hóa, sự chung tay của các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh, đã trợ lực rất lớn trong hành trình giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới của địa phương. Lãnh đạo xã sẽ tuyên truyền vận động bà con giữ an toàn cho hai công trình điện năng lượng, phát triển chăn nuôi heo, gà, vịt mà các nhóm từ thiện đã trao tặng để tạo sinh kế bền vững”.

Rời Tây Giang, mới đây chị Nguyễn Thị Hoàng Yến cùng những người bạn của mình tiếp tục băng rừng, vượt núi về với huyện Nam Trà My. Tại đây, ngoài các phần quà hỗ trợ thầy cô giáo và học sinh ở xã Trà Tập, nhóm còn tổ chức tiệc trung thu sớm cho hàng trăm em thiếu nhi đồng bào Ca Dong của xã Trà Tập.

Cô Lê Thị Trâm - Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Phong Lan (xã Trà Tập), cho biết: “Tết Trung thu năm nay được xem là đầy đủ, vui vẻ nhất với các con. Không chỉ được phát bánh kẹo, quần áo mới, được xem múa lân, các con còn được chính các cô chú ở miền xuôi tận tay nấu bữa ăn ngon. Sự sẻ chia này là động lực để cô trò chúng tôi tiếp tục bám lớp, dạy và học tốt hơn”.

Chị Nguyễn Thị Hoàng Yến tâm sự: “Mình có duyên với miền núi Quảng Nam, khi đây đã là chuyến đi thứ 6 về các huyện, xã xa xôi ở Nam Trà My, Phước Sơn, Tây Giang. Nơi đâu chúng tôi đến cũng bằng tấm lòng sẻ chia với bà con dân bản, với học sinh và thầy cô giáo. Thời gian tới, tôi và các anh chị em đã lên kế hoạch cho những chuyến thiện nguyện đến vùng cao Quảng Nam, hy vọng góp phần nhỏ bé san sẻ khó khăn với người dân nơi đây”.

TẤN SỸ