Hỗ trợ xóa nhà tạm trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023 - 2025: Nhu cầu cấp thiết

DIỄM LỆ 20/09/2023 07:36

Xóa nhà tạm cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ người có công khó khăn về nhà ở là chính sách nhân văn được thực hiện thời gian qua trong toàn tỉnh. Dù đã có các nguồn lực, nhưng vẫn còn nhiều nhà ở xuống cấp cần được hỗ trợ trong giai đoạn mới. Dự kiến, kỳ họp HĐND tỉnh lần này sẽ xem xét đối với chính sách này.

Xóa nhà tạm cho hộ nghèo ở miền núi trong tỉnh cần được tiếp tục quan tâm hỗ trợ. Ảnh: D.L
Xóa nhà tạm cho hộ nghèo ở miền núi trong tỉnh cần được tiếp tục quan tâm hỗ trợ. Ảnh: D.L

Chính sách nhân văn

Những năm qua, đã có nhiều chương trình của trung ương, tỉnh về hỗ trợ nhà ở người có công (NCC) với cách mạng và xóa nhà tạm cho hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn tỉnh.

Các chương trình đã hỗ trợ 39.864 nhà ở của NCC được xây mới và sửa chữa với tổng kinh phí hơn 1.070 tỷ đồng; ngoài ra, các cá nhân, tổ chức, đơn vị đã hỗ trợ 1.076 nhà tình nghĩa cho NCC.

Tổng số nhà ở hộ nghèo, cận nghèo được ngân sách nhà nước hỗ trợ thực hiện xây mới, sửa chữa theo các chương trình, chính sách của Nhà nước ban hành thời gian qua là 24.328 nhà, kinh phí hơn 669 tỷ đồng.

Ngoài ra, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã thực hiện hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ gia đình có nhà ở bị hư hỏng nặng do thiên tai gây ra với tổng số 2.500 nhà, tổng kinh phí hơn 25 tỷ đồng.

Theo bà Trương Thị Lộc - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, sau gần 50 năm giải phóng đất nước, Quảng Nam đã thực hiện nhiều chương trình hỗ trợ nhà ở cho NCC, thân nhân liệt sĩ, hộ nghèo và hộ cận nghèo.

Đến nay, qua khảo sát thực tế tại các huyện, thị xã, thành phố thì toàn tỉnh có 15.735 hộ NCC với cách mạng, thân nhân liệt sĩ; hộ nghèo và hộ cận nghèo có nhà ở tạm, dột nát cần được hỗ trợ xây dựng mới hoặc sửa chữa nhà ở.

Trong đó, hộ gia đình chính sách, NCC cách mạng, thân nhân liệt sĩ có 6.774 nhà cần xây mới và sửa chữa; hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn 12 huyện, thị xã, thành phố (không có 6 huyện nghèo) là 782 nhà cần xây mới và sửa chữa; hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn 6 huyện nghèo là 8.179 nhà cần xây mới và sửa chữa.

“Ngoài nguồn lực Nhà nước đầu tư, toàn tỉnh đều đang huy động tối đa các nguồn lực trong xã hội để hỗ trợ, giúp đỡ, tạo điều kiện cho hộ gia đình chính sách, NCC với cách mạng, thân nhân liệt sĩ và hộ nghèo, hộ cận nghèo khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh làm được nhà ở kiên cố, ổn định, phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững” - bà Lộc nói.

Băn khoăn mức hỗ trợ thấp

Theo dự thảo Đề án về hỗ trợ về xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2023 - 2025 do Sở LĐ-TB&XH tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh trong kỳ họp sắp tới, có 15.735 nhà cần hỗ trợ với nguồn kinh phí hơn 407.6 tỷ đồng trong giai đoạn 2023 - 2025.

Mức hỗ trợ đối với nhà xây mới là 60 triệu đồng/nhà, nhà sửa chữa là 30 triệu đồng/nhà; riêng nhà ở của hộ nghèo, cận nghèo ở 6 huyện miền núi sẽ được hỗ trợ thêm từ các nguồn vận động xã hội hóa (ngoài các nguồn lực nhà nước đã đầu tư) là 14 triệu đồng/nhà xây mới, 7 triệu đồng/nhà sửa chữa.

Hộ gia đình chính sách, NCC cách mạng, thân nhân liệt sĩ, hộ nghèo, hộ cận nghèo có nhà ở không đảm bảo các tiêu chí “3 cứng” theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng sẽ được hỗ trợ.

Sau khi được hỗ trợ xây mới hoặc sửa chữa, nhà ở phải đảm bảo diện tích sử dụng tối thiểu 30m2 (đối với hộ đơn thân, diện tích tối thiểu một căn nhà 18m2), đảm bảo “3 cứng” (nền - móng cứng, khung - tường cứng, mái cứng) và tuổi thọ căn nhà từ 20 năm trở lên.

Với hộ nghèo, cận nghèo hoặc hộ gia đình NCC còn khó khăn, mức hỗ trợ này thực sự thấp so với giá cả thị trường hiện nay. Đặc biệt ở khu vực miền núi, mức hỗ trợ này không thể nào làm mới được một căn nhà nếu không có sự hỗ trợ thêm từ các nguồn lực vận động xã hội hóa khác.

Ông Lê Quang Trung - Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn cho biết: “Chính sách hỗ trợ một nhà xây mới và sửa chữa với một hộ nghèo hay cận nghèo ở miền núi như trên là quá thấp.

Đối với chuyện an cư của người dân của Phước Sơn, ngoài nguồn lực đầu tư từ các chính sách của Nhà nước về sắp xếp dân cư, hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, huyện đã vận động nhiều nguồn lực xã hội hóa để hỗ trợ thêm mỗi hộ từ 10 - 15 triệu đồng, giúp hộ nghèo đủ điều kiện xây dựng được một căn nhà đảm bảo “3 cứng”, an toàn. Đặc biệt tại thời điểm hiện nay, việc giá cả nguyên vật liệu tăng cao lại càng khó hơn đối với hộ nghèo”.

DIỄM LỆ