Nỗi niềm... nghệ nhân

VĨNH LỘC 15/09/2023 08:00

Nghệ nhân là danh hiệu thể hiện sự tôn vinh của Nhà nước dành cho người có nhiều đóng góp với nghề, đặc biệt trong việc bảo tồn, phát huy và truyền dạy nghề. Dù vậy, xung quanh việc công nhận danh hiệu và cơ chế hỗ trợ nghệ nhân vẫn còn nhiều nỗi niềm...

Do vướng những quy định nên nhiều thợ giỏi làng nghề vẫn chưa được công nhận danh hiêu nghệ nhân. Ảnh: V.L
Do vướng những quy định nên nhiều thợ giỏi làng nghề vẫn chưa được công nhận danh hiêu nghệ nhân. Ảnh: V.L

Vướng quy định

Bà Lê Thị Kề (85 tuổi, thôn Bãi Làng, xã đảo Tân Hiệp, TP.Hội An) có trên 50 năm làm nghề đan võng từ vỏ cây ngô đồng trên đảo Cù Lao Chàm. Năm 1962 bà Kề ra đảo làm dâu, được mẹ chồng dạy nghề đan võng, nhưng mãi đến năm 1969 mới đan được chiếc võng đầu tiên.

Hơn nửa thế kỷ, bà vẫn miệt mài đan võng và truyền nghề cho những thế hệ kế tiếp. Từ khi Cù Lao Chàm phát triển du lịch, nghề đan võng ngô đồng trở nên nổi tiếng, được đông đảo du khách trong nước, quốc tế biết đến. Nét độc đáo của võng ngô đồng không chỉ vì đây là nghề duy nhất riêng có tại Cù Lao Chàm mà còn thể hiện ở tính phức tạp, đòi hỏi sự tỉ mẩn, đặc biệt tốn khá nhiều thời gian.

Để làm ra một chiếc võng vỏ cây ngô đồng, những người thợ phải kiên trì hơn hai tháng mới hoàn thành. Dù vậy, giá bán không cao, khoảng 12 - 15 triệu đồng nên số người theo nghề không nhiều. Thế hệ bà Kề chì còn vài người nhưng hầu hết bỏ nghề do lớn tuổi, bà Kề trở thành “thợ cả” hiếm hoi vẫn còn đan võng.

 Mặc dù tuổi cao, sức yếu, đau lưng nhức mỏi khi phải ngồi lâu, nhưng vì lòng đam mê và mong muốn lưu giữ nghề, bà Kề luôn sẵn sàng truyền nghề cho những ai yêu thích. Vài phụ nữ trung niên trên đảo tìm đến bà Kề học nghề, không ít người đã đan được võng nhờ sự truyền dạy của bà.

Mong muốn cuối đời của người “thợ cả” này chính là được Nhà nước ghi nhận những đóng góp của bà đối với nghề. “Khách du lịch họ gọi tôi là nghệ nhân, nghe cũng vui nhưng tiếng thì có mà chẳng thấy chi” - bà Kề tâm sự.

Tính đến năm 2022, Quảng Nam có 45 làng có nghề, bao gồm 34 nghề truyền thống, làng nghề và nghề truyền thống được UBND tỉnh công nhận. Tổng số cơ sở sản xuất tham gia hoạt động tại các làng nghề gần 2.100 cơ sở.

Rất nhiều thợ giỏi dù có đóng góp lớn với nghề nhưng vẫn chưa được phong tặng nghệ nhân cấp tỉnh bởi không đáp ứng được các tiêu chí theo quy định (bằng khen, giấy khen, chứng nhận, công trình, sản phẩm, đào tạo nghề học viên…), trong đó có bà Lê Thị Kề, mặc dù xét về công lao và những giá trị mang lại cho nghề đều rất xứng đáng.

Bà Nguyễn Thị Xuân Vui – Phó Trưởng phòng Kinh tế TP.Hội An cho biết, mặc dù đơn vị đã đốc thúc UBND xã Tân Hiệp làm hồ sơ đề nghị phong tặng danh hiệu nghệ nhân cấp tỉnh cho bà Kề gửi đơn vị trình tỉnh xem xét công nhận nhưng địa phương vẫn chưa làm.

“Thật ra, xét theo các tiêu chí quy định thì trường hợp bà Kề chưa đáp ứng nên địa phương họ ngại không làm, nhưng tôi nghĩ một số tiêu chí cũng cần linh hoạt, nhất là đối với những người làm nghề thủ công truyền thống đặc thù” - bà Vui nói.

Thiếu cơ chế hỗ trợ nghệ nhân

Thực tế, với những quy định hiện hành, để đạt danh hiệu nghệ nhân không hề đơn giản, riêng với những nghệ nhân ưu tú hay nghệ nhân nhân dân còn khó khăn hơn, đôi khi phấn đấu cả đời làm nghề. Nhưng khi phấn đấu đạt được danh hiệu, nghệ nhân vẫn không nhận được nhiều sự hỗ trợ.

Nghệ nhân ưu tú Huỳnh Sướng (làng mộc Kim Bồng) bộc bạch, nếu Nhà nước có cơ chế hỗ trợ cụ thể cho nghệ nhân, sẽ góp phần động viên, khuyến khích họ cống hiến nhiều hơn cho nghề.

“Danh hiệu nghệ nhân rất vinh dự với chúng tôi, nhưng nếu Nhà nước có cơ chế hỗ trợ, dù rất nhỏ cũng sẽ rất ý nghĩa. Hiện nay nghệ nhân chỉ có danh mà không có thực” - ông Huỳnh Sướng chia sẻ.

Có thể khẳng định, nghệ nhân chính là những người thợ giỏi. Bảo tồn phát huy giá trị làng nghề không thể thiếu vai trò của nghệ nhân, nhất là trong việc truyền nghề. Thời gian qua, nhiều nghệ nhân cũng đã đề xuất tỉnh có chính sách quan tâm cụ thể cho những người đạt danh hiệu này như hỗ trợ bảo hiểm y tế nhưng kết quả không như mong muốn.

Nghệ nhân nhân dân Nguyễn Văn Tiếp – Chủ tịch Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ Quảng Nam thừa nhận, nguyên nhân vướng bởi những quy định hiện hành.

“Hiệp hội cũng đã đề xuất tỉnh có cơ chế hỗ trợ cho nghệ nhân để họ có động lưc và trách nhiệm hơn với nghề, ban đầu tỉnh đồng ý hỗ trợ bảo hiểm y tế cho mỗi nghệ nhân thời hạn 3 năm, nhưng khi đối chiếu quy định của Nhà nước, Sở LĐ-TB&XH không đồng ý vì đối tượng được cấp bảo hiểm y tế phải có thu nhập dưới 1,8 triệu đồng tháng nên cuối cùng không ai được gì, vì vậy các nghệ nhân không làm hồ sơ” - ông Tiếp cho biết.

Theo Nghị định số 109 của Chính phủ về việc hỗ trợ đối với nghệ nhân nhân dân và nghệ nhân ưu tú, chỉ những nghệ nhân có thu nhập dưới 50% mức lương ở cơ sở mới được hỗ trợ 850 nghìn đồng/tháng. Nghệ nhân thuộc hộ gia đình có thu nhập từ 50% đến dưới mức lương cơ sở được hỗ trợ 700 nghìn đồng/tháng.

VĨNH LỘC