Mắt rừng trong mưa

TRUNG VIỆT 14/09/2023 14:56

(QNO) - Chị Clâu Thị Tiền nài nỉ anh lái xe chở anh em đi: “Cầm đi mà, em nấu không ngon, nhưng mừng cho em”. Chị đưa tay quệt mắt. Mấy cái bánh chuốt (sừng trâu - đặc sản Cơ Tu) gói vội trong lá chuối và bỏ bao ni lông. Anh lái xe ngập ngừng, rồi nhận. Chị nở nụ cười. Trên má, giọt nước mắt cứ giùng giằng…

Gia đình bà Pơ Loong Thị Zính trong căn nhà mới.
Gia đình bà Pơ Loong Thị Zính trong căn nhà mới.

Tôi ngồi nhớ xóm tôi hồi đó, những năm giải phóng ra, củi lửa phập phù, nên mùa hè hay cháy nhà. Nhiều nhất là nhà chú Sáu. Chỉ hai mẹ con, ở quê chỉ con nít thò lò mũi là không bị phân công làm nọ tê, chứ “trộng trộng” xí là giữ bò trâu, lượm củi, cắt cỏ, giữ em. Nhà chú không có ai lúc đi làm, cháy không ai biết. Mấy lần đều nghe trong đám gặt lúa la lên “cháy nhà thằng Sáu tề”. Rứa là quăng liềm chạy vô làng dập.

Một bữa, khi mọi người chữa xong ra về, còn tôi đứng chơi, chú đi đâu đó về, văng tục rồi nói “cháy chi cháy lắm ri”. Mặt đơ ra, vô cảm. Sau này tôi nghĩ, không phải tê liệt cảm xúc, mà khi con người ta bị lặp lại những trạng huống một màu, mọi thứ như thường, nhưng thường mà không hề vô thường. Cháy, làm lại nhanh, bởi hầu hết tre tranh, nên bà con xúm lại dựng cái rẹt. Chủ nhà giỏi lắm tốn nồi xôi và muối đậu phụng để chấm mà cảm ơn bà con là xong.

Mắt đỏ hoe, quệt rồi nói rồi khóc, chị bàn tay run run ngước nhìn tôi: “Bố chồng em bị liệt, khi lửa cháy đến gần bếp thì ông ráng lếch lên la ré. Mẹ em ở phía xa kia cũng qua la. Vợ chồng em ngủ say quá có biết đâu. Chạy ra khỏi nhà thì cháy hết. Bố chồng em khóc “con ơi cháy hết rồi”.

Mấy ngày sau bố nói “có tre, dựng nhà mà ở”. Nhưng tre sao ở lâu dài được. Không có bà con anh em nhà nước giúp, tụi em chết mất thôi’. Chị lại nói: “Ở đồng bằng nấu ngon, em không biết nấu…”. Nét mặc cảm thiệt thà đến thương đứt ruột trên mắt. Tôi nói: “Nấu như ở đồng bằng mà, thiệt đó”. Chị lặp lại lần nữa. Tôi cũng nhắc lần hai. Đậm đà. Ngon. Mừng nhà mới, vợ chồng chị thay mặt cho 4 nhà còn lại, nấu bữa cơm mời khách.

Chi Clau Thị Tiền mừng lắm, đem quà tặng khách.
Chi Clâu Thị Tiền đem quà tặng khách.

Thênh thang rộng. Nền lát gạch men to, mát rượi, bê tông xen với gỗ. Chồng chị là anh Alăng Zăng cho hay chừng 600 triệu, đây là nhà chung của hai hộ, là có thêm chị ruột anh cũng bị cháy, nên nhận hỗ trợ được 400 triệu. Dựng được cái nhà đâu có dễ, như bà Pơ Loong Thị Zích đó, gầy như mũi tên, hai tay cứ chắp trước ngực, mừng quá vui quá.

“Ở đây sợ ma không ?” - tôi hỏi. “Sợ chớ”. Con gái bà xen vô ngay: “Không sợ, sợ chi chứ”. “Ừ không sợ, chỉ lo thôi, làm ăn khó khăn”. Nụ cười bẽn lẽn dù có cố đi nữa, thì đâu còn đọng trên môi người đàn bà Cơ Tu đã hơn 70 tuổi này. “Cảm ơn  nhà nước nhiều, không thì biết ở đâu” Nhìn bà run tay lăn điểm chỉ nhận nhà bàn giao, lần đầu trong đời, thủ tục chưa từng biết, người xung quanh đông nghịt, sao không mất bình tĩnh được, duy chỉ có đôi mắt mờ đục, mà tôi thấy trong đó, một cánh rừng đang còn xanh trong mưa.

Tôi lướt qua danh sách xã A Xan tiếp nhận tiền từ thiện của các cơ quan, cá nhân, có đến con số 25. Số tiền hơn 200 triệu. Chẳng là gì so với việc dựng lại 5 ngôi nhà đã cháy ở thôn  Arâng này hồi tháng 2. Nhưng suốt buổi chứng kiến bàn giao, từ bí thư xã đến con cháu bà Zích, cứ liên tục nhắc: nếu không có các mạnh thường quân, cá nhân, đơn vị trong ngoài xã, làm chi nổi có được ngôi nhà. Dựng nhà, không tốn tiền, vì bà con cộng đồng, bộ đội biên phòng xúm lại giúp, mặt trận huyện liên tục lên xuống, chạy khắp nơi vận động. Lo nhất là vật liệu sạn cát xi măng từ đồng bằng lên. Giá gấp đôi hết. Tức thở luôn. “Em phải mò ra suối lượm sạn, chứ không đủ tiền mua sạn xây” - chị Tiền nói.

Bà Zisng trước căn nhà mới
Bà Zích trước căn nhà mới

Rồi thì cũng đã xong, nhưng để xong, đâu có dễ như chặt cái cây, uống li rượu. Có lẽ như nhà bà Zích, nhà làm được 3 tháng thì cháy. Nhà cũ hồi ở bên kia, năm 2020 sạt lở, phải chạy về đây. Tôi hình dung cái chết sững trên nền tro tàn. Tất cả hóa đen, từ mái tôn cho đến đôi đũa. Cháy đen nỗi lo của bà và đám con cháu. Nó đã nhuộm đen cả thôn này, chứ riêng chi 5 nhà, bởi tất cả là anh em bà con, tất cả đều khó khăn, đều thương khó và đau xót. Ở đồng bằng, khi gặp nạn như thế, làm nhà lại không khó, nhưng vùng cao đâu có dễ. Chỉ có những tấm lòng bền sáng, mới cho họ cơ hội sớm gượng dậy đi tiếp.

Nhưng ở đời, con có khóc mẹ mới cho bú. Có những sự kiện như thế, mới thấy anh em làm công tác mặt trận địa phương khổ. Anh Briu Quân - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Tây Giang, là một trong những người có mặt đầu tiên, thường xuyên ở đó.

Câu chuyện để bà con chấp nhận làm nhà trên nền cũ là không dễ, bởi tập tục, cháy là do ma. Phải ngồi với họ, thuyết phục miết, nhưng nói không bằng làm. Họ gật. Mình phải thuê xe xúc hết đất đen đem đổ đi, vì… ma ở đó. Chở đất sạch về san nền. Cúng xin làm nhà. Tiền bạc phải minh bạch. Không đưa một lúc. Tiền ở đâu ra? Vận động, chạy xin từ tỉnh xuống xã. Qui định nhà nước mặt trận huyện không có xe ô tô. Muốn đi, phải thuê. Bữa đi cùng lên biên giới, anh ấm ức lắm, cả anh Clâu Hạnh - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện cũng vậy. Mình đi liên tục xuống bản, nóc, mà không xe, thuê thì tốn, lúc có lúc không, không được phải chạy xe máy. Bố trí phương tiện phải căn cứ vào công việc chứ. Mặt trận ở miền núi, không làm hết việc đâu, nếu thực sự làm. Bao nhiêu điều ở đó, có chuyện là mặt trận vào cuộc, chính quyền đi sau. Đừng tưởng dễ. nói hết hơi họ không nghe, không phải như đồng bằng là không nghe khi luật đúng, thì cưỡng chế. Trên này đố ai dám.

Những việc làm không tên, không công, lặng lẽ, như mưa dầm thấm lâu, nếu không có tấm  lòng, thì không làm được, không cần ai biết và mấy ai biết… Anh Alăng Tỏa trưởng thôn nói: Không có sự vận động truyên truyền của mặt trận, không có bà con đồng lòng giúp nhau qua gian khó, chắc họ không có nhà nổi đâu. Vùng cao đâu có dễ có ngôi nhà khang trang. Ừ, ở đâu cũng không dễ, nhà khang trang là câu chuyện đời người nghèo. Nó như món nợ, như ước mơ, như giấc chiêm bao ngỡ ngàng. Ai nghĩ lửa cháy thiêu trụi đồng cỏ giữa mùa nắng nung, mà sau vài đêm, nó cựa mình trở giấc, lên non tơ xanh mởn, như có phép thần, vậy không ngỡ ngàng, không ơn nghĩa nhớ đời, mới lạ…

Bữa ngồi ở trung tâm huyện, nghe một người nói, rằng mấy nhà cháy may mắn, được nhà khang trang, cũng may có nhiều người giúp. Đó là cái tình. Có vậy, mới thấy mắt rừng trong mưa còn xanh. Màu của ấm áp. Còn rừng, mọi thứ không phai đi giữa bao điều tốt đẹp biến mất một cách lặng lẽ, hoặc hợm hĩnh chối từ mắt rừng vốn u trầm thâm nghiêm mà trong như nước suối. Bên cạnh ba cái nhà mới toanh, còn thơm mùi vôi mùi gỗ, có một nhà không cháy, nhưng bị ảnh hưởng, cũng được chính quyền sản sẻ kinh phí.

Vậy đó. Hình như có điều này, mải miết thuộc về rừng, là những ánh nhìn ở đó, tạp niệm ít lắm. Họ theo đuổi điều tốt đẹp. Theo đuổi trong lặng lẽ, cô đơn, như kẻ dạ hành rừng sâu. Họ không thể khác. Bị la ó, họ thu mình lại, nhưng không từ bỏ, bởi họ biết, chi cần sơ sễnh họ sẽ không còn là họ. Tôi đã gặp ở A Tiêng một đôi mắt như thế. Dấu đằng sau cái nhìn mệt mỏi là con suối nhỏ âm ỉ chảy, có khô cạn thì cũng kiên gan chờ mưa, chờ mạch đất nhỉ ra từng giọt. Đôi mắt đó miệt mài lo cho học trò vùng cao lắm nhọc nhằn khố khó, mà dấu đằng sau những lời nói ngập ngừng. Nghe tôi nói ở dưới đó cá thính nhiều, tức thì nghe câu “cho học trò em xin với”. Nghẹn lòng. Bao bọc, choàng gánh như thân và rễ, xô ngã họ không dễ, khi con người họ đã thuộc về đám đông, ký thác đời mình cho những hít thở của rừng, thấy nếu mình đứng qua một bên, thì mình bốc hơi đi, vô vị, lạc lõng và sai trái. Đời sống càng xô bồ, thì cần lắm ánh mắt đó, những đôi mắt rừng trong mưa không chớp…

TRUNG VIỆT