Như một lời chia tay ...
(QNO) - Nhận tin chị Trịnh Thị Lời - Giám đốc sáng lập Trung tâm dưỡng lão Hiệp Đức qua đời sau thời gian mắc bệnh nan y, trong tôi dâng trào cảm xúc thương tiếc một người phụ nữ có tấm lòng bao dung, nhân hậu.
Nhớ vào năm 2009, tôi và đoàn thanh niên cơ quan đã đến thăm trung tâm để tặng quà, cắt tóc, bấm móng tay, tắm gội các cụ. Ngày đó trung tâm còn hoang sơ, tạm bợ, nhưng chị Trịnh Thị Lời đã nhận về cưu mang hàng chục cụ già neo đơn, không nơi nương tựa. Chỉ có một dãy nhà cho các cụ ở và làm văn phòng điều hành, một nhà vừa dùng để làm nhà ăn vừa sản xuất nước đóng chai, rồi chị chạy vạy khắp nơi để tìm nguồn tiêu thụ, kiếm thêm tiền về nuôi các cụ.
Biết bao con người, biết bao việc làm thầm lặng, qua từng đó tháng năm để duy trì, mở rộng trung tâm, nuôi dưỡng các cụ già đến phút cuối cuộc đời và rồi lo mồ yên mả đẹp cho các cụ.
Thi thoảng, chúng tôi lại ghé chỗ chị, gặp gỡ một số hoàn cảnh liên quan trên những nẻo đường thiện nguyện mà chúng tôi biết được, đã giới thiệu với chị để chị nhận vào trung tâm.
Lần mới đây khi nghe tôi nói đi dưỡng lão về, một người anh thân quen bảo anh có người thầy giáo thời dạy học cấp 3, nay đã hơn 30 năm rồi chưa gặp lại, anh muốn tôi dẫn lên thăm thầy cũ. Thật cảm động khi chứng kiến cảnh hai thầy trò họ gặp nhau, dù người thầy bị bệnh thần kinh, nhớ nhớ quên quên cậu học trò thời thơ bé của mình. Thầy không còn người thân để nương tựa nên đã xin vào đây tá túc lúc tuổi già.
Có lần cầm nắm đôi bàn tay, bàn chân họ, tôi cảm nhận được bao vết tích thương tật cả thể xác lẫn tâm hồn, lại đơn độc không chốn dung thân đã lưu lạc vào đây. Có ông cụ ở tận tỉnh Thái Bình cũng vào đây xin ở mấy năm nay, mỗi người một thân phận, một ngã rẽ cuộc đời nhưng vào đây như muốn tìm chỗ an thân cuối đời... Tôi thấu hiểu điều này, bởi thường khi tâm sự và lắng nghe câu chuyện của họ kể, ẩn sâu trong mỗi con người là cả một hành trình đời người bể khổ.
Trên xứ Quảng quê mình, có nhiều mảnh đời neo đơn như thế, các cụ cũng nhận được sự trợ cấp hàng tháng từ nhà nước, cưu mang của nhà hảo tâm, nhưng để các cụ già tìm chút "an thân" cuối đời trong "ngôi nhà" của chị Trịnh Thị Lời thì hiếm hoi lắm.
Dịp nghỉ lễ Quốc khánh vừa rồi, khi đi thăm các cụ già neo đơn ở huyện Tiên Phước, được biết vài cụ đã được chị đón về nuôi dưỡng, có người trước đây thường đau ốm, nhưng khi vào đây đã khỏe mạnh, có vài cụ thì đã chết do tuổi cao bệnh tật, trung tâm cũng lo mồ mả và lập bàn thờ hương khói cho họ.
Những ai đã từng đến trung tâm có lẽ sẽ thấu hiểu phần nào những nhọc nhằn của chị, người từng phải gánh lấy bao điều thị phi, bàn tán lời ra tiếng vào, khi làm cái công việc “bao đồng”. Gần 100 con người như thế, bàn tay nào nắm lấy những bàn tay nếu như không có sự yêu thương nâng đỡ, chở che như chị.
Câu chuyện về một cô giáo Trịnh Thị Lời quê ở xã Bình Tú (Thăng Bình) 15 năm trước đã lên vùng đất nghèo khó Hiệp Đức xây dựng trung tâm, đón những người già neo đơn không nơi nương tựa về phụng dưỡng đã làm nao lòng biết bao người.
Bây giờ, chị Trịnh Thị Lời đã đi về miền mây trắng, khép lại một hành trình đời người, nhưng lại mở ra cả một trời san sẻ yêu thương và sinh "lời" rất nhiều với công việc mà mình đã gầy dựng. Cô con gái của chị Lời giờ đây thay mẹ nuôi dưỡng các cụ già neo đơn và điều hành công việc trung tâm.
Bất chợt tôi nghĩ, nhiều khi môi trường sống và khi con người ta trải qua bao hỉ - nộ - ái - ố cuộc đời, đôi khi làm ai đó phải đánh đổi và vơi cạn đi nhiều thứ. Nhưng làm gì để giữ cho được cái tâm an nhiên và giản đơn như lúc sơ khai, thì khó lắm chị nhỉ!
"... Những hẹn hò từ nay khép lại/ Thân nhẹ nhàng như mây/ Chút nắng vàng giờ đây cũng vội/ Khép lại từng đêm vui/ Đường quen lối từng sớm chiều mong/ Bàn chân xưa qua đây ngại ngần/ Làm sao biết từng nỗi đời riêng/ Để yêu thêm yêu cho nồng nàn…”. Xin được mượn một đoạn trong bài hát của Trịnh Công Sơn như lời chia tay, tiễn biệt chị Trịnh Thị Lời.