Cảnh báo dịch đau mắt đỏ

XUÂN HIỀN 12/09/2023 07:37

Số lượng bệnh nhân đến khám vì đau mắt đỏ tăng đột biến tại các cơ sở y tế. Cùng với thời tiết thay đổi, thời điểm tựu trường cũng là nguyên nhân để dịch mắt đỏ lây lan nhanh.

Trẻ em bị đau mắt đỏ gia tăng thời gian gần đây. Ảnh: X.H
Trẻ em bị đau mắt đỏ gia tăng thời gian gần đây. Ảnh: X.H

Lây lan nhanh

Ông Nguyễn Minh Thu - Phó Giám đốc Bệnh viện (BV) Mắt Quảng Nam cho biết, trong vòng hơn 1 tuần từ trước ngày học sinh tựu trường đến nay, số lượng bệnh nhân đến khám và điều trị tại BV tăng rất nhiều lần so với trước đây.

Trước đó, số bệnh nhân đau mắt đỏ chiếm khoảng 5 - 10%/ngày, có ngày không có ca nào. Nhưng từ giữa tháng 8 đến nay, tỷ lệ này đã tăng lên 35 - 40%/ngày, thậm chí có ngày lên đến 50%. Trong đó trẻ em dưới 18 tuổi chiếm khoảng 70%.

“Dịch viêm kết mạc thường do vi rút gây ra và 80% là Adeno vi rút, ngoài ra có thể gặp do các nguyên nhân khác như vi rút herpes, thủy đậu, pox vi rút… Bệnh đau mắt đỏ thường khởi phát 3 - 7 ngày sau khi tiếp xúc với nguồn bệnh.

Triệu chứng phổ biến bao gồm xung huyết kết mạc (đỏ mắt), kích thích chảy nước mắt, mắt có nhiều ghèn rỉ (có thể rỉ trắng, tiết tố dính nếu bệnh do vi rút, hoặc có thể rỉ xanh - vàng nếu do bội nhiễm vi khuẩn). Ở trẻ nhỏ có thể đi kèm triệu chứng viêm mũi, họng, viêm đường hô hấp, sốt…

Trẻ có thể lây bệnh qua tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết từ mắt, mũi, miệng hoặc do tiếp xúc trực tiếp với người bệnh, dụi tay vào mắt, sử dụng chung đồ cá nhân với người bệnh...” - bác sĩ Nguyễn Minh Thu nói.

Đặc biệt, từ lúc tựu trường đến nay, nhiều trường học ghi nhận số học sinh đau mắt đỏ tăng nhanh. Chị Trịnh Thị Kim H. (phụ huynh học sinh trường THCS Nguyễn Du - Tam Kỳ) cho biết, ngay tuần học đầu tiên con chị đã bị lây mắt đỏ từ bạn cùng lớp.

Vừa điều trị khỏi đau mắt đỏ cho con trai 11 tuổi thì cả con nhỏ 3 tuổi và hai vợ chồng chị lại bắt đầu có triệu chứng đau mắt đỏ. Hiện tại, nhiều khu phố của TP.Tam Kỳ chứng kiến hàng loạt trẻ em và người lớn mắc đau mắt đỏ do lây lan.

Theo bác sĩ Nguyễn Minh Thu, năm nay do thời tiết thất thường dẫn đến dịch đau mắt đỏ do vi rút Adeno gây ra kéo dài, dẫn đến việc bùng dịch ở nhiều nơi.

“Các năm trước, dịch đau mắt đỏ do Adeno vi rút thường bắt đầu từ mùa xuân và kết thúc vào đầu hè. Tuy nhiên, năm nay lại kéo dài đến cuối hè, lại ngay thời điểm tựu trường nên bệnh lây lan thành dịch do tần suất giao lưu tiếp xúc với trẻ đang bệnh và trẻ khỏe mạnh cũng như trẻ mang mầm bệnh về nhà” - ông Nguyễn Minh Thu nói.

Phòng ngừa dịch bệnh

Để phòng tránh lây lan, các chuyên gia nhãn khoa hướng dẫn gia đình cần hạn chế để trẻ dụi tay vào mắt, mũi, miệng cũng như phải rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và dung dịch sát khuẩn tay cho trẻ.

Nếu mắt chảy nhiều nước mắt, có nhiều ghèn rỉ mắt, cần sử dụng khăn giấy hoặc bông gạc y tế (sử dụng một lần) để vệ sinh, sau đó bỏ vào thùng rác có nắp đậy để tránh tạo thành nguồn lây cho gia đình và người xung quanh, sát khuẩn tay sau khi vệ sinh mắt.

Người bệnh cần sử dụng riêng các vật dụng cá nhân như đồ ăn, uống, chậu khăn rửa mặt, chăn, gối ngủ. Để phòng ngừa bệnh đau mắt đỏ, tốt nhất nên hạn chế tiếp xúc với nguồn bệnh, giữ gìn vệ sinh cá nhân, dùng riêng đồ dùng cá nhân, hạn chế đi bơi trong giai đoạn có dịch bệnh, mang mắt kính che bụi khi ra đường, rửa mắt với dung dịch NaCl 0,9% 3 lần/ngày…

Riêng người đang bị bệnh đau mắt đỏ cũng nên hạn chế giao tiếp để tránh lây lan bệnh cho cộng đồng. Bác sĩ Nguyễn Minh Thu cho rằng, các trường học cần khuyến cáo phụ huynh nếu trẻ có triệu chứng đau mắt đỏ nên nghỉ học và chăm sóc tại nhà.

Tuy bệnh có thể tự hết từ 7 - 10 ngày, nhưng vẫn xuất hiện trường hợp có thể bội nhiễm gây biến chứng viêm loét giác mạc, làm ảnh hưởng tới thị lực lâu dài. Bởi vậy, không nên chủ quan khi bị đau mắt đỏ.

Cả người lớn lẫn trẻ em nếu có các triệu chứng bệnh như đỏ mắt, chảy nước mắt, ra nhiều rỉ ghèn cần đưa đến các cơ sở khám mắt để được điều trị và xử lý biến chứng kịp thời.

XUÂN HIỀN