Gian khó Cha'nốc
Thôn Cha’nốc (xã Ch’ơm) là nơi khó khăn nhất, xa nhất của huyện Tây Giang, chỉ cách đường biên giới Việt - Lào vài trăm cây số.
Giải thích một trong những lý do Cha’nốc có đến 98/120 hộ nghèo, Trưởng thôn là ông Clau Hêh cho biết, dù nơi đây rất thích hợp với việc trồng đảng sâm, nhưng do nương rẫy nằm trong rừng phòng hộ rất nhiều, nên bà con không thể mở rộng diện tích được; chưa nói thời tiết khắc nghiệt khiến việc trồng rất khó khăn. “Ở đây có táo mèo rất nhiều, nhưng không ai mua, rụng đầy ngoài rừng chẳng ai thèm hái” - ông Hêh nói.
Theo ông Bh’ling Đắt - Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Ch’ơm, cách đây 10 năm địa phương triển khai chương trình mục tiêu quốc gia, đưa táo mèo về trồng. Bà con trồng ào ạt, để đến bây giờ đành bỏ hư, nếu có ai mua thì cũng chỉ là vài ký. Bắp, giá cả cũng trồi sụt không chừng. Những tiến bộ kỹ thuật cũng khó có đất sống, vì thói quen canh tác tự nhiên lẫn trình độ tiếp thu của bà con còn hạn chế.
“Khó khăn lớn nhất của bà con là đường dân sinh không có, rẫy làm cách chỗ ở hơn 3km, mỗi khi thu hoạch phải gùi, cõng, trong khi bà con có xe máy. Thứ hai là nguồn nước, mùa nắng nóng là thiếu nước nghiêm trọng, huyện đã cho khảo sát nhiều lần nhưng không không có chỗ để lấy. Thời điểm khổ nhất, dễ xảy ra đói là tháng 4 - 5 giáp hạt” - ông Hêh cho biết thêm.
Thôn vừa quy hoạch về ở nơi mới, mặt bằng rất rộng. Nhưng bà con đang lo là hệ thống điện tại đây, do trong quá trình hoàn thiện, đơn vị thi công bắt đường dây dính vào mái tôn nhà dân, có nơi táp lô điện rất thấp, chỉ ngang ngực, có nơi trụ hạ thế sát rạt nhà, trong khi nơi này thường xuyên bị sét đánh. Bà con đã kiến nghị làm cột thu lôi nhưng chưa có. Nhiều tivi, tủ lạnh bị sét đánh, hư hại. Đất của ông Clau Hòa vướng một trụ điện nên nhà không xây được.
Theo Chủ tịch UBND huyện Tây Giang Nguyễn Văn Lượm, thôn Cha’nốc đã được đưa vào vùng quy hoạch khu kinh tế cửa khẩu Cha’nốc, tầm nhìn đến năm 2030. Có đầu tư lớn, đồng bộ, bài bản thì những khó khăn của bà con mới có thể giải tỏa được.
Tại đây có một cột cờ, năm 2011 huyện đã làm lễ thượng cờ, ký kết biên bản hợp tác, hỗ trợ phát triển giữa các xã, bản biên giới, nhưng cột cờ chỉ tồn tại được hơn 2 năm do gió rất mạnh khiến trụ cờ không chịu nổi.
Theo một sĩ quan biên phòng công tác tại xã Ch’ơm, điểm cao cột cờ này hơn 1.500m, nếu xét dọc đường biên giới Việt - Lào của nước ta, thì đó là trung điểm, chỉ lệch về hướng nam 300m. Ông Lượm cho biết ông đã dẫn một số nhà đầu tư lên đây, tham vọng của huyện là muốn xây một cột cờ “Lũng Cú thứ 2” tại Tây Giang, và huyện vẫn đang kêu gọi đầu tư.