Băn khoăn nguồn cát để "giải cứu" sạt lở biển Hội An

QUỐC TUẤN 11/09/2023 05:51

Hiểu biết thấu đáo về hệ thống ven biển là điều kiện tiên quyết để giải quyết triệt để thực trạng xói lở bờ biển Hội An. Liệu rằng giải pháp tổng thể từ dự án “Chống xói lở và bảo vệ bền vững bờ biển Hội An, tỉnh Quảng Nam” do Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) hỗ trợ sẽ là lời giải đáp căn cơ cho câu chuyện này?

Quang cảnh hội thảo “Chiến lược quản lý bền vững bờ biển Hội An” diễn ra cuối tuần qua tại TP.Hội An. Ảnh: Q.T
Quang cảnh hội thảo “Chiến lược quản lý bền vững bờ biển Hội An” diễn ra cuối tuần qua tại TP.Hội An. Ảnh: Q.T

Chiến lược tối ưu

Dự án “Chống xói lở và bảo vệ bền vững bờ biển Hội An” với trị giá hơn 42 triệu euro xác định sẽ tập trung vào nuôi bãi, qua đó thay đổi tầm nhìn từ ứng phó để bảo vệ “tài sản” sang tương tác với thiên nhiên để giải quyết vấn đề gốc rễ của xói mòn.

Dự án “Chống xói lở và bảo vệ bền vững bờ biển Hội An” đã được UBND tỉnh phê duyệt đầu tư, trình Bộ Tài chính thẩm định vay lại và đàm phán khoản vay.

Dự kiến sẽ thực hiện đàm phán trong tháng 10/2023, ký kết hiệp định trong tháng 12/2023, triển khai công tác thiết kế đấu thầu thi công trong quý I năm 2024, thi công xây lắp năm 2025 và hoàn thành vào năm 2026.

Dự án có tổng mức đầu tư 42 triệu euro, trong đó có 35 triệu euro vốn vay ODA, 2 triệu euro vốn viện trợ không hoàn lại và 5 triệu euro vốn đối ứng.

Theo các chuyên gia của dự án, nuôi bãi và bãi hy sinh sẽ giúp chống chịu với biến đổi khí hậu vì các bãi biển sẽ tự động điều chỉnh theo mực nước biển dâng và nước dâng do bão.

Điều này cũng làm giảm đáng kể nguy cơ xói lở lan rộng hơn nữa về phía tây bắc. Phương án này cũng được cho là có hiệu quả về mặt chi phí và có lợi ích lâu dài khi duy trì được các bãi biển tự nhiên.

Ông Denis Vasseur - Trưởng nhóm dự án tại AFD cho biết, các hoạt động của dự án này có sự kết hợp giữa các biện pháp công trình và phi công trình.

Với cách tiếp cận quản lý tổng hợp vùng bờ, xây dựng và thực hiện kế hoạch quản lý tổng hợp bờ biển giúp giải quyết được nguyên nhân gốc rễ tình trạng mất cân bằng dòng vận chuyển bùn cát ven bờ, từ đó nâng cao khả năng phục hồi tổng thể toàn bộ dải bờ biển.

Dự kiến, ở hợp phần 1 của dự án, cơ quan chức năng sẽ thực hiện nuôi bãi trên toàn bộ phạm vi dự án và bãi hy sinh ở đoạn cuối của các dự án phía Bắc. Bên cạnh đó cũng sẽ thiết lập tuyến đê ngầm (ngắt quãng, chia làm 7 đoạn) giảm sóng với tổng chiều dài hơn 2km.

Ở hợp phần 2 với các biện pháp phi công trình, dự án sẽ xây dựng trung tâm dữ liệu tập trung cho lưu vực vùng bờ; xây dựng công cụ giám sát tài nguyên trên hệ thống sông và vùng bờ; củng cố các hệ thống quan trắc chất lượng nước, môi trường tự động… Cuối cùng hợp phần 3 sẽ tiến hành tư vấn hỗ trợ kỹ thuật quản lý dự án và thí nghiệm mô hình vật lý.

Băn khoăn về nguồn cát cung ứng

Theo nghiên cứu của các chuyên gia, hiện chỉ có từ 20 - 25% lượng bùn cát từ sông Thu Bồn đổ ra Cửa Đại theo hướng bắc, còn lại chảy về phía nam dẫn đến hiện tượng bồi ở phía nam và xói lở mạnh ở phía bắc Cửa Đại.

Một khu nghỉ dưỡng ven biển Cửa Đại đối mặt với tình trạng lo sạt lở. Ảnh: Q.T
Một khu nghỉ dưỡng ven biển Cửa Đại đối mặt với tình trạng lo sạt lở. Ảnh: Q.T

GS.Nguyễn Trung Việt - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Thủy lợi thống nhất với phương án nuôi bãi nhân tạo để bổ sung cát nhưng rất băn khoăn về việc dự kiến sẽ khai thác nguồn cát ở “đảo khủng long” phục vụ cho dự án.

Cần phải có khảo sát định lượng về việc khai thác cát ở “đảo khủng long” với trữ lượng bao nhiêu, quy mô, luồng lạch thế nào cho hợp lý để tư vấn cho chính quyền địa phương.

“Cần phải làm rõ lượng bùn cát bổ sung ở đây từ đâu, trữ lượng như thế nào cũng như làm rõ hiệu quả tuổi thọ của dự án sẽ kéo dài trong bao nhiêu năm? Bên cạnh đó đơn vị tư vấn cũng cần cân nhắc tình trạng thất thoát bùn cát ở biển Hội An trong mùa gió đông bắc để có phương án tối ưu chứ chỉ nuôi bãi mà không kèm giải pháp dài hạn thì hiệu quả vẫn là dấu hỏi” - GS.Nguyễn Trung Việt nói.

TS.Doãn Tiến Hà - Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam cũng cho rằng nguồn cung cát chính là vấn đề nan giải bởi lâu nay nếu có đủ nguồn cát phục vụ chống xói lở cho toàn bộ dải bờ biển Hội An thì các chuyên gia không cần tốn nhiều công sức nghiên cứu và tình trạng sạt lở có lẽ sẽ không đến mức như hiện tại.

Theo tính toán sơ bộ của Viện Khoa học Thủy lợi thì với phương án nuôi bãi kết hợp hệ thống đê ngầm gây bồi tự nhiên với 4km ở phía nam đã cần tối thiểu đến 1 triệu mét khối cát.

Ông Nguyễn Thế Hùng - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An nhìn nhận, về phía địa phương rất mong muốn dự án sớm được triển khai bởi sạt lở bờ biển gây thiệt hại cho thành phố trong hơn 10 năm qua đã quá nặng nề.

Dù vậy, cần phải khảo sát, đánh giá kỹ về bài toán nguồn cung cát nếu ổn thì mới có thể làm được, nếu không sau này khi kết thúc dự án bàn giao lại cho cơ quan quản lý thì sẽ rất trăn trở.

QUỐC TUẤN