Sinh kế cho cộng đồng từ giá trị bản địa
Mô hình du lịch học tập cộng đồng vừa được phát động xây dựng tại xã Cẩm Kim (TP.Hội An) hướng đến tạo sinh kế bền vững cho cộng đồng dựa trên các giá trị văn hóa, lịch sử, thiên nhiên của vùng đất này.
Mới đây, trên đoạn sông Thu Bồn ngang qua thôn Phước Trung (xã Cẩm Kim), Hội LHPN TP.Hội An tổ chức ra mắt điểm bơi thuyền trải nghiệm trên sông và trồng thử nghiệm một số cây đước, hoa súng để tạo cảnh quan sinh thái tại khu vực này. Đây sẽ là một trong những sản phẩm phục vụ du khách trong chương trình tham quan theo mô hình du lịch học tập cộng đồng ở Cẩm Kim.
Mô hình này được xây dựng trên cơ sở dự án “Phát triển các mô hình sinh kế cộng đồng bền vững kết hợp du lịch sinh thái để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, góp phần bảo vệ đa dạng sinh học và các hệ sinh thái tại Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An” được Quỹ Môi trường toàn cầu tài trợ.
Trước mắt, một nửa đoạn sông đang có rong và có cây ngập mặn, hoa súng, người dân sẽ không thả lưới để tôm cá sinh sản, bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Người dân cũng tích cực tham gia dọn vệ sinh môi trường, chăm sóc các rặng dừa nước tạo cảnh quan sinh thái để đón khách du lịch.
“Khi dự án này được triển khai ở Cẩm Kim, người dân chúng tôi rất mừng và ủng hộ để tạo sinh kế cho bà con” - ông Huỳnh Kim Trị (người dân thôn Phước Trung) chia sẻ.
Theo bà Ngô Thị Tuyết Nhung - Chủ tịch Hội LHPN TP.Hội An (đơn vị chủ trì thực hiện dự án), mô hình du lịch học tập cộng đồng ở Cẩm Kim được xây dựng dựa trên nền tảng bảo tồn nguồn lợi thủy, hải sản; các mô hình nông nghiệp sinh thái; mô hình phát triển làng nghề truyền thống; xây dựng các điểm đến tham quan. Khi triển khai dự án, cùng với nâng cao năng lực của cộng đồng, người dân Cẩm Kim cũng được hỗ trợ để có điều kiện tham gia mô hình.
Chính người dân trực tiếp làm du lịch cộng đồng và kể câu chuyện về làng quê, làng nghề của mình, thổi hồn vào sản phẩm du lịch của địa phương để tạo ấn tượng cho du khách khi đến với Cẩm Kim.
Bà Nhung cho biết: “Hiện nay tại Cẩm Kim có khoảng 35 hộ làm nghề giã cào và đánh bắt thủy sản. Chúng tôi đã nắm bắt nhu cầu của các hộ và trước mắt hỗ trợ ghe bơi cho 5 hộ để chuyển qua tham gia chở khách trên sông trong mô hình này.
Đối với các hộ còn lại, có thể sẽ hỗ trợ để cải hoán lại chiếc ghe đánh bắt của họ thành ghe chở khách cho phù hợp hoặc là hỗ trợ vốn vay để dần dần họ tham gia làm du lịch cộng đồng ở trên bờ, không đánh bắt giã cào nữa”.
Đến nay, bước đầu tại Cẩm Kim đã hình thành chương trình tour với các nhóm ngành nghề như mộc, ngư nghiệp, các nghề truyền thống, nông nghiệp và nhóm ngôi nhà cổ cùng 15 điểm tham quan.
Từ khi dự án được khởi động đến nay, các chương trình tham quan thử nghiệm đã đón 233 lượt khách. Qua đó, góp phần phục hồi và phát huy cũng như quảng bá đến du khách trong ngoài nước các ngành nghề truyền thống của xã Cẩm Kim. Đồng thời giúp du khách có được những trải nghiệm thú vị khi được khám phá, tìm hiểu về những giá trị lịch sử, văn hóa, thiên nhiên của vùng đất và con người Cẩm Kim.