Đề xuất giải pháp giảm ngập đô thị Tam Kỳ

XUÂN PHÚ 08/09/2023 07:35

Ngày 7/9, Sở KH&CN phối hợp với Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng tổ chức hội thảo (lần 2) đề xuất giải pháp ứng phó ngập lụt TP.Tam Kỳ và vùng phụ cận trong khuôn khổ đề tài khoa học “Đánh giá diễn biến ngập lụt và đề xuất giải pháp ứng phó ngập lụt TP.Tam Kỳ trong bối cảnh đô thị hóa và biến đổi khí hậu”. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu đến dự.

Hội thảo lần 2 về giải pháp ứng phó ngập lụt cho đô thị Tam Kỳ. Ảnh: X.P
Hội thảo lần 2 về giải pháp ứng phó ngập lụt cho đô thị Tam Kỳ. Ảnh: X.P

Phân lũ ngoại lai

Theo PGS-TS. Nguyễn Chí Công - Trưởng khoa Xây dựng công trình thủy (Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng, chủ nhiệm đề tài), qua phân tích diễn biến ngập lụt khu vực TP.Tam Kỳ những năm gần đây cho thấy, Tam Kỳ đối mặt với hai loại hình thái ngập lụt diện rộng và ngập úng cục bộ.

Ngoài yếu tố mưa lớn cực đoan xuất hiện thì nguyên nhân chính gây ra hiện tượng ngập lụt cho đô thị Tam Kỳ là khi có lũ lớn trên sông Bàn Thạch (mực nước trên +2,9m), nước từ sông Bàn Thạch tấn công vào khu vực nội đô gây ngập lụt diện rộng.

Lưu lượng từ lưu vực phân khu 2 phía tây đổ vào hệ thống thoát nước thành phố qua cống Nguyễn Dục và kênh hồ Duy Tân quá lớn, gây quá tải cho năng lực thoát nước nội đô và không thoát kịp ra sông Bàn Thạch.

“Từ đó, chúng tôi đề xuất giải pháp phải cắt lũ phía tây đổ vào nội đô bằng cống ngầm Trưng Nữ Vương và kênh thoát lũ. Đồng thời, phân lũ từ sông Bàn Thạch qua sông Trường Giang và từ sông Trường Giang ra biển để ngăn nước từ phía bắc” - ông Công nói.

Cụ thể, hai công trình tham gia cắt lũ phía tây là tuyến kênh thoát lũ xuất phát từ cống ông Dung đổ ra sông Ba Kỳ và tuyến cống ngầm đường Trưng Nữ Vương đổ vào cống Nguyễn Dục và thu nước các tuyến cống ngang như tuyến Hùng Vương, Phan Bội Châu, Lý Thường Kiệt, Nguyễn Chí Thanh, sau đó đổ ra sông Bàn Thạch.

Về phân lũ từ sông Bàn Thạch sang sông Trường Giang, PGS.TS Công dẫn lại câu chuyện bó đũa và cho rằng phải phân lũ toàn tuyến mới hiệu quả.

Theo đó, 3 tuyến phân lũ trên địa bàn huyện Thăng Bình (gồm mở rộng tuyến kênh tiêu hiện trạng nhằm tiêu thoát lưu lượng phía thượng nguồn sông Bàn Thạch vùng phía bắc huyện Thăng Bình;

tuyến từ vùng trũng Ngọc Phô sang phía đông để kết nối vào trục tiêu hiện có và đổ ra sông Trường Giang;

tuyến dựa theo tuyến thoát nước tự nhiên hiện có nối từ vùng trũng phía chợ Quán Gò cắt ngang đường Võ Chí Công, đường Bình Sa - Bình Nam rồi đổ ra sông Trường Giang);

tuyến từ hồ sông Đầm cắt ngang đường Võ Chí Công đổ ra sông Trường Giang. Cạnh đó, cần có tuyến xây mới tràn kết hợp đường giao thông kiểm soát mực nước lũ trên sông Trường Giang đổ ra biển.

Ngoài giải pháp phân lũ ngoại lai, nhóm giải pháp phi công trình được nhóm nghiên cứu đưa ra, gồm hồ Phú Ninh tham gia cắt lũ giảm ngập cho thành phố; bảo vệ hành lang thoát lũ và duy trì những vùng trữ nước tự nhiên trong vùng, trong khu vực nội thị; nạo vét khơi thông dòng chảy hệ thống thoát nước, trên các tiểu lưu vực sông Bàn Thạch…

Làm rõ thêm tác động

ThS. Trương Xuân Tý - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT đánh giá cao các giải pháp đưa ra và đề nghị Tam Kỳ nên đầu tư hệ thống cửa tự động các hồ điều hòa để góp phần giảm ngập.

Tuy nhiên, ông bày tỏ băn khoăn liệu có giảm ngập nước nội đô và nhóm nghiên cứu chưa đề cập đó là nếu nước sông Bàn Thạch dâng lên mức báo động 3 (2,7m). Riêng đối với việc nạo vét sông Bàn Thạch cũng cần tính đến câu chuyện xâm nhập mặn vì người dân còn sản xuất.

Trong khi đó, là địa phương đầu nguồn phía tây đổ nước vào nội đô Tam Kỳ, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Ninh - Trần Quốc Danh cho rằng hai xã Tam Đàn và Tam An trở thành nơi ngập nước nặng nhất trong mùa lũ. Vì vậy, cần đánh giá, tính toán cụ thể hơn, có thể tính đến phương án chuyển nước bên cạnh suối Tây Yên, cầu ông Trang 1 và 2 vì thực tế không đáp ứng đủ việc tiêu thoát nước.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu đánh giá cao kết quả nghiên cứu và đề xuất các giải pháp ứng phó ngập lụt cho đô thị Tam Kỳ và các vùng phụ cận Thăng Bình, Phú Ninh, Núi Thành của nhóm thực hiện đề tài.

Đồng thời đề nghị xác định rõ phân khu 6 nên định hướng phát triển chức năng công viên, công cộng và giải trí để ít tác động đến không gian thoát lũ; xác định vị trí của hồ Phú Ninh không chỉ tham gia điều tiết, cắt lũ với vai trò là giải pháp phi công trình; nghiên cứu thêm các giải pháp về quy hoạch, hành lang thoát lũ…

XUÂN PHÚ