Làng Mường xứ Quảng

HUỲNH THANH THẢO 01/09/2023 10:23

(QNO) - Ở phía Đông dãy Trường Sơn, thuộc xã Trà Giang (Bắc Trà My) có một làng của người Mường sinh sống gần 4 thập kỷ. Vượt hàng trăm cây số từ vùng đất Hòa Bình xa xôi, họ chọn vùng đất cao sơn ngọc quế lập nghiệp, gieo những mầm văn hóa mới ở xứ Quảng.

Đường vào làng Mường nhìn trên cao rất đẹp
Đường vào làng Mường nhìn trên cao rất đẹp

Từ thị trấn Trà My, du khách có nhiều cách để đến bản Mường. Tuy nhiên, bạn phải băng qua những cây cầu treo nối đôi bờ sông Trường và men theo những con đường làng nhỏ xinh, quanh co chạy dọc theo sườn núi. Bạn có thể đi xe máy qua cây cầu treo ở phía Đông hoặc đi xe ô tô từ phía Bắc của làng để đến đây.

Nếu quan sát từ trên cao, du khách sẽ ấn tượng với một bản Mường xanh mướt dưới chân núi Bà nằm yên bình bên dòng sông Trường thơ mộng. Ẩn hiện trong khung cảnh núi rừng hoang sơ ấy là nếp nhà sàn truyền thống giống hình một con rùa nằm nổi bật bên sườn đồi. Giữa bạt ngàn màu xanh của thiên nhiên vùng sơn cước, ngôi nhà sàn truyền thống người Mường vẫn tồn tại qua bao thế kỷ trên dải đất hình chữ S như một minh chứng rõ nét nhất về sức sống bền bỉ của nền văn hoá Mường.

Ông Lê Văn Bình - Chủ tịch UBND xã Trà Giang cho biết, cả làng hiện có 116 hộ, với hơn 400 nhân khẩu. Con trai, con gái lớn lên lập gia đình vẫn mặc trang phục truyền thống và giữ được những nét văn hoá đặc sắc của dân tộc mình.

Trên quê hương thứ hai, người Mường bảo tồn gần như nguyên vẹn văn hóa vật thể và phi vật thể của tộc người bản địa phía Bắc. Từ nếp nhà sàn, lễ hội, tín ngưỡng, trang phục truyền thống, nghề thủ công, ẩm thực, đến những trò chơi dân gian và cả tiếng nói, góp phần làm phong phú, đa dạng văn hóa các dân tộc địa phương trên địa bàn huyện Bắc Trà My.

Người Mường bảo tồn được nghề thủ công truyền thống
Người Mường bảo tồn được nghề thủ công đan lát truyền thống

Người già trong làng bảo, người Mường dù ở đâu vẫn thận trọng trong chọn hướng nhà, bởi họ quan niệm làm nhà đúng hướng sẽ đem lại tài lộc, sức khỏe và may mắn cho gia đình.

Theo quan niệm của đồng bào Mường, làm nhà không được ngược hướng với đồi núi. Cách bố trí không gian sống của người Mường xứ Quảng cũng rất đặc biệt. Nhà có 2 cầu thang và rất nhiều cửa sổ. Tầng hầm là nơi để nông cụ sản xuất. Tầng trên là không gian sống và sinh hoạt của gia chủ.

Bếp được coi là linh hồn của ngôi nhà sàn, đây không chỉ là nơi chuẩn bị các thức ăn mà còn là nơi diễn ra các sinh hoạt trong gia đình và cộng đồng. Nhà người Mường thường có 2 bếp. Bếp chính được đặt bên trong và gian dưới nhà sàn. Trên bếp chính, người ta làm cái kệ để một số vật dụng sinh hoạt và một cái giá treo cao để sấy khô các lương thực, thực phẩm. Ở gian khách cũng có một bếp phụ, chỉ dùng để sưởi, hong khô các vật dụng và đun nước pha trà.

Với đồng bào Mường, không đâu gần gũi hơn những ngôi nhà truyền thống bởi đó chính là nơi họ được sinh ra và lớn lên, được nuôi dưỡng trong chiếc nôi văn hóa đa sắc màu, là tài sản của cha ông, tổ tiên họ. Hơn cả, đó là linh hồn, văn hóa hội tụ của cả một dân tộc Mường qua hàng thế kỷ.

Người Mường là đồng chủ nhân của nền văn minh lúa nước, thành thạo làm ruộng bậc thang để canh tác trên đất dốc vùng thung lũng. Từ xa xưa, cuộc sống của người Mường hoàn toàn dựa vào tự nhiên. Từ những vật liệu sẵn có như tre, mây, nứa..., người Mường chế tác hoặc đan thành những vật dụng sinh hoạt hằng ngày.

Đan lát trở thành nghề phổ biến trong làng Mường ở xã Trà Giang. Các sản phẩm đan lát của họ là kết tinh của quá trình lao động sáng tạo và cuộc sống gần gũi với thiên nhiên.

Còn chiêng là một dạng nghệ thuật trình diễn dân gian đặc sắc trong kho tàng di sản văn hóa phi vật thể của người Mường xứ Quảng. Gắn với nghi lễ nông nghiệp nhằm cầu mong một năm mới may mắn, thuận lợi; hàng năm, người Kinh và người Mường ở nhiều vùng thường thực hành lễ hội sắc bùa vào mùa xuân hoặc thời điểm gần với Tết Nguyên đán.

Lễ hội sắc bùa vào mùa xuân của người Mường
Lễ hội sắc bùa vào mùa xuân của người Mường và người Kinh

Người cao tuổi trong làng kể, ngày xưa, hội sắc bùa gọi là phường bùa do ông trượng đứng đầu. Sau ngày mồng 1 tết dẫn chị em ở phường bùa gánh thúng để đi gánh quà do các chủ nhà mừng. Phường bùa đi từ nhà ông trượng vừa đi vừa đánh chiêng trên đường làng, đến nhà ai thì dừng lại đánh bài chiêng theo điệu phát rác nhà ông. Ai cũng vui mừng mong phường bùa đến nhà chúc tết.

Sắc bùa tiếng Mường có nghĩa là xách cồng. Sắc bùa còn hàm chứa những ý nghĩa hiện thực đời sống như một phương tiện văn hoá màu nhiệm cầu phúc đức, cầu cho mọi người được sống yên lành, mọi vật sinh sôi, phát triển.

Người Mường rất thích múa sạp trong các lễ hội
Người Mường rất thích múa sạp trong các lễ hội

Các trò chơi dân gian như ném còn, múa sạp, đánh mảng… được người Mường tại xã Trà Giang duy trì. Trong các hoạt động văn hóa bản địa đặc sắc của đồng bào Mường nổi bật nhất phải kể đến múa sạp. Khởi đầu là trò chơi đập chày, đập gậy, trải qua quá trình phát triển, nghệ thuật múa sạp của người Mường trở thành nét độc đáo, khác biệt với các trò chơi dân gian xứ Quảng.

Những món ăn đậm hương vị núi rừng của người Mường
Những món ăn đậm hương vị núi rừng của người Mường

Ẩm thực của người Mường cũng tạo nên những sắc màu lung linh và quyến rũ hơn cho vùng đất cao sơn ngọc quế. Những món ăn dân dã bày biện trên mâm để đãi khách đều được bà con nuôi trồng hoặc thu hái trong rừng, được người Mường chế biến công phu.

Trong một mâm cỗ, bao giờ cũng có đủ xôi ngũ sắc, thịt lợn, gà, cá suối, rau, củ. Điều đặc biệt khi chế biến món ăn, người Mường luôn tạo nên sự kết hợp tinh tế giữa các món ăn và gia vị, ché rượu cần trong bữa ăn...

Bà Trịnh Thị Hồng Nga - Trưởng phòng Văn hóa - thông tin huyện Bắc Trà My chia sẻ, cộng đồng người Mường nơi đây đã tạo được bản sắc riêng từ cách xây dựng nhà, sinh hoạt, tập quán trồng lúa nước, dệt thổ cẩm, đan lát và đón hai tết trong một năm (Tết độc lập 2/9 và Tết Nguyên đán).

Huyện chủ trương xây dựng đề án bảo tồn làng Mường tại xã Trà Giang bằng cách làm du lịch cộng đồng. Theo đó, các điểm du lịch trên địa bàn sẽ được gắn kết tạo thành chuỗi, tránh sự tẻ nhạt và thiếu nét đặc sắc trong mắt du khách.

Sự có mặt của người Mường giữa vùng núi rừng Bắc Trà My đã tạo nên bức tranh đa sắc cho miền đất cao sơn ngọc quế, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số lâu đời trên dãy Trường Sơn.

HUỲNH THANH THẢO