Chương trình đầu tư phát triển mạng lưới y tế cơ sở vùng khó khăn: Đừng để nước đến chân!

TRỊNH DŨNG 31/08/2023 05:24

UBND tỉnh yêu cầu chủ đầu tư phải hoàn tất hồ sơ, thủ tục liên quan, bảo đảm các điều kiện để khởi công 37 trạm y tế (xây mới hoặc sửa chữa) thuộc Chương trình đầu tư phát triển mạng lưới cơ sở y tế vùng khó khăn ngay trong năm 2023. Liệu chủ đầu tư có dễ dàng thực hiện, khi dự án còn quá nhiều vướng mắc?

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn chủ trì cuộc họp mới nhất (15/8/2023), các sở, ban, ngành liên quan góp ý... để xác định, chốt danh mục và yêu cầu triển khai thực hiện dự án nhanh nhất. Ảnh: T.D
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn chủ trì cuộc họp mới nhất (15/8/2023), các sở, ban, ngành liên quan góp ý... để xác định, chốt danh mục và yêu cầu triển khai thực hiện dự án nhanh nhất. Ảnh: T.D

“Chốt” danh mục đầu tư

Trạm y tế Quế Hiệp (Quế Sơn) gồm 2 khối nhà cấp 4, xây dựng năm 1996 gần như đã xuống cấp hoàn toàn. Tường nứt nẻ, toàn bộ lớp sơn tường trong, ngoài bong tróc, cũ kỹ, rêu mốc. Các cửa đi, cửa sổ, khung bảo vệ rỉ sét, ô kính vỡ, nhiều cánh cửa gỗ bị tháo rời, không sử dụng được... Sở Y tế, địa phương lẫn chủ đầu tư đều đề xuất xây mới và đầu tư đầy đủ trang thiết bị y tế.

Tình trạng hư hỏng của trạm y tế này là điểm chung của 23 trạm y tế khác trong dự án đầu tư, sửa chữa 37 trạm y tế tại Quảng Nam, thuộc Chương trình đầu tư phát triển mạng lưới cơ sở y tế vùng khó khăn.

Tổng vốn đầu tư của dự án này khoảng 180 tỷ đồng, từ vốn vay và vốn viện trợ không hoàn lại của Ngân hàng phát triển châu Á (ADB). Dự án thuộc nhóm B, thực hiện từ 2019 - 2025.

UBND tỉnh đã giao nhiệm vụ chủ đầu tư dự án này cho Sở Y tế ngày 15/12/2020. Hai năm sau, ngày 10/1/2023, Sở Y tế lại đề nghị giao nhiệm vụ chủ đầu tư dự án này cho đơn vị đủ năng lực thực hiện.

Theo báo cáo của Sở Y tế, dự án đang thực hiện các bước chuẩn bị đầu tư. Tuy nhiên, sở thiếu nhân sự, không có cán bộ kỹ thuật chuyên môn, trong khi thời gian thực hiện chỉ còn 3 năm (2023 - 2025), không đủ năng lực để hoàn thành đúng thời hạn, nên “buộc” phải chuyển giao dự án.

Ngày 22/3/2023, UBND tỉnh quyết định chọn Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh làm chủ đầu tư dự án này thay Sở Y tế. Việc bàn giao hồ sơ dự án đã hoàn tất vào ngày 27/3/2023, với quy mô xây mới 22 trạm y tế và cải tạo, sửa chữa 15 trạm y tế, triển khai đồng loạt tại 37 xã vùng sâu, vùng xa.

Ông Huỳnh Xuân Sơn - Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh nói, rút kinh nghiệm từ những “sai sót” trong chuẩn bị đầu tư của dự án đầu tư 76 trạm y tế, 15 ngày sau khi nhận bàn giao, chủ đầu tư đã khảo sát lại toàn bộ dự án.

Các cuộc khảo sát của chủ đầu tư và mới đây nhất, ngày 21 - 22/8/2023, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn chủ trì khảo sát thực tế các trạm y tế tại Bắc Trà My, Tiên Phước, Phước Sơn, Hiệp Đức và Quế Sơn, đã chính thức “chốt” danh mục đầu tư là 23 trạm y tế sẽ được xây mới và 14 trạm y tế sẽ được sửa chữa, cải tạo.

Sẽ khởi công dự án trong năm 2023?

Ông Huỳnh Xuân Sơn cho hay, dự án triển khai tại 37 xã vùng sâu, vùng xa, nên việc khảo sát, đi lại gặp nhiều khó khăn. Dự án lại sử dụng nhiều nguồn vốn khác nhau, phải tham vấn ý kiến nhiều cơ quan (trung ương lẫn địa phương) nên sẽ mất rất nhiều thời gian.

Trạm Y tế xã Phước Trà (Hiệp Đức), một trong 23 trạm y tế thuộc diện xây mới của dự án Chương trình đầu tư phát triển mạng lưới y tế cơ sở vùng khó khăn Quảng Nam. Ảnh: T.D
Trạm Y tế xã Phước Trà (Hiệp Đức), một trong 23 trạm y tế thuộc diện xây mới của dự án Chương trình đầu tư phát triển mạng lưới y tế cơ sở vùng khó khăn Quảng Nam. Ảnh: T.D

Theo khảo sát của chủ đầu tư, thủ tục đất đai là một trong những vướng mắc lớn của dự án. Các trạm y tế ở Tây Giang (xã Lăng, A Tiêng, Ga Ry, Bhalêê), Nam Giang (La Dêê, Thạnh Mỹ) tuy đã xác định được vị trí nhưng chưa có giấy tờ đất cụ thể. Dự án sử dụng vốn ODA, không chi trả tiền giải phóng mặt bằng, san nền, các địa phương thụ hưởng phải dùng ngân sách địa phương xử lý.

Chủ đầu tư yêu cầu các địa phương sớm hoàn thành thủ tục đất đai để có cơ sở trình duyệt dự án hoặc các địa phương có đầu tư trạm y tế mới tại vị trí mới như Đại Chánh (Đại Lộc), Tà Lu (Đông Giang) khẩn trương hoàn thiện thủ tục đất đai như quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, giải phóng mặt bằng và san nền... để dự án triển khai đúng kế hoạch.

Không phải chạy đua thời gian thực hiện dự án và giải ngân như dự án 76 trạm y tế thuộc Chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, nhưng thời gian còn lại của dự án này cũng không quá dài để có thể “từ từ” thực hiện.

Ông Đoàn Văn Quang - Phó Giám đốc Sở KH-ĐT nói, các địa phương thụ hưởng tự làm việc với HĐND, UBND huyện dùng vốn địa phương giải phóng mặt bằng, đầu tư san nền.

Chủ đầu tư hợp tác chặt chẽ với địa phương để đẩy nhanh tiến độ dự án, không thể trù trừ, lần lữa vì khó khăn vẫn còn nhiều, sẽ tốn thời gian thực hiện (sẽ có nhiều thay đổi) nên cần tính toán hợp lý.

Ông Huỳnh Ngọc Bá - Phó Giám đốc Sở Xây dựng khuyến cáo, dù thời gian còn nhiều, nhưng không thể chủ quan. Nếu để thủ tục dồn ép như dự án 76 trạm y tế thì sẽ mất “cả chì lẫn chài”, không thể kịp thời gian hoàn thiện dự án và giải ngân. Không dễ cho các địa phương, nhất là miền núi, xử lý nhanh việc bồi thường, giải phóng mặt bằng, san nền... khi các thủ tục về đất đai quá khó.

Chủ đầu tư cần phương án, giải pháp cụ thể, dự lường hết các tình huống. Hoàn tất hồ sơ nào chuyển thẩm định hồ sơ đó, không cần chờ đợi đủ hết mới chuyển, sẽ kéo dài, mất nhiều thời gian xử lý.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn yêu cầu chủ đầu tư nhanh chóng lập báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng dự án, hoàn thành hồ sơ, thủ tục liên quan, bảo đảm điều kiện khởi công các công trình ngay trong năm 2023.

Địa phương thụ hưởng có trách nhiệm rà soát, cam kết hoàn thành đủ hồ sơ, thủ tục liên quan về đất đai, tiến hành bồi thường, giải phóng mặt bằng, san nền các địa điểm xây dựng trạm y tế, kịp thời bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư triển khai thi công đúng tiến độ. Các Sở KH-ĐT, Xây dựng, Y tế theo dõi, phối hợp, hướng dẫn chủ đầu tư hoàn chỉnh các thủ tục liên quan, thẩm định, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt dự án.

“Không chần chừ, phải xác định, cam kết thời gian thực hiện cụ thể, chuẩn xác, phù hợp thực tế... Không thể để tình trạng khảo sát đi, khảo sát lại hay điều chỉnh, mất thời gian, dẫn đến nguy cơ “đổ bể” như 2 dự án y tế thuộc Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Tuyệt đối không để bị thu hồi, mất vốn!” - ông Tuấn nói.

Yêu cầu sẽ phải khởi công dự án ngay trong năm 2023 liệu có khó không? Ông Nguyễn Công Thành - Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư tỉnh nói, đã phát hành hồ sơ mời thầu tư vấn lập dự án qua mạng đấu thầu quốc gia.

Chủ đầu tư đã ký hợp đồng với đơn vị tư vấn thiết kế lập báo cáo nghiên cứu khả thi (thời gian thực hiện 60 ngày). Dự kiến, sẽ hoàn thành công tác thẩm định phê duyệt dự án đầu quý IV/2023. Dự án sẽ kịp khởi công ngay trong năm nay.

TRỊNH DŨNG