Phú Ninh chủ động ứng phó thiên tai
Trước diễn biến phức tạp, khó lường của thời tiết, trong phương án ứng phó với thiên tai theo các cấp độ rủi ro, UBND huyện Phú Ninh yêu cầu các cấp ngành tập trung thực hiện có hiệu quả phương châm “4 tại chỗ”, chủ động phòng ngừa để bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân.
Lên phương án di dời dân
Thiên tai diễn biến phức tạp với sự xuất hiện liên tiếp các đợt mưa lớn trên địa bàn huyện Phú Ninh trong năm 2022 đã gây thiệt hại về tài sản gần 400 tỷ đồng, may mắn chưa có thiệt hại về người. Chủ động ứng phó trước mùa mưa bão năm 2023, một phương án ứng phó với thiên tai theo cấp độ rủi ro trên địa bàn huyện vừa được ban hành.
Chia sẻ kinh nghiệm ứng phó với bão lũ năm 2022, ông Nguyễn Văn Sự - Chủ tịch UBND xã Tam Lãnh cho biết, bám sát chỉ đạo của cấp trên về phòng chống bão lũ, ngoài thông báo trên đài truyền thanh, địa phương tổ chức các tổ tuyên truyền lưu động đến thôn, tổ dân cư.
Đồng thời khẩn trương triển khai cho cán bộ đến từng hộ dân để tuyên truyền, thông tin tình hình bão lũ cụ thể để có biện pháp ứng phó. Thành viên Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) xã kiểm tra, vận động nhân dân chằng chống nhà cửa, chặt tỉa cây cối gần nhà.
Riêng với các hộ dân nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở, như khu vực gần đồi Gò Chợ thôn Bồng Miêu, dọc tuyến ĐH4 thôn Phước Bắc; những hộ dân có nhà ở không đảm bảo an toàn... chính quyền thực hiện sơ tán tập trung hoặc sơ tán xen ghép theo phương án đã được xác định.
“Nhờ thực hiện tốt công tác sơ tán dân ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở, lũ quét nên trong mùa mưa bão năm 2022 trên địa bàn xã không xảy ra tai nạn chết người, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản do mưa bão gây ra” - ông Sự nói.
Để chuẩn bị tốt cho công tác sơ tán dân ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở, lũ quét năm 2023, ông Sự cho biết, UBND xã Tam Lãnh đã tiến hành khảo sát và xây dựng phương án sơ tán dân.
Theo đó, địa phương xác định có 64 hộ thuộc khu vực sạt lở, ngập lụt cần phải di dời, với 232 nhân khẩu. Trên cơ sở đó, xác định các địa điểm sơ tán tập trung, sơ tán xen ghép và chuẩn bị lực lượng, dụng cụ, phương tiện phục vụ công tác sơ tán dân.
“Chủ động xây dựng phương án sơ tán dân vùng có nguy cơ sạt lở, lũ quét phải sát đúng, phù hợp tình hình thực tế tại địa phương. Khi xảy ra tình huống thì vận hành thực hiện phương án theo phương châm “4 tại chỗ” và cương quyết, nhất quán vận động, di dời nhân dân ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở, lũ quét nguy hiểm là yếu tố quyết định để không bị thiệt hại về người” - ông Sự chia sẻ.
Chủ động ứng phó tình huống cụ thể
Có địa hình trũng thấp nhất so với các xã trên địa bàn huyện Phú Ninh, hằng năm đến mùa mưa bão, có hơn 2/3 diện tích của xã Tam An bị ảnh hưởng do lũ lụt. Ông Lê Văn Sơn - Phó Chủ tịch UBND xã Tam An cho biết, phương án vận động sơ tán người dân trong mùa mưa bão năm 2023 đã được xã xây dựng.
Theo đó, tùy tình hình bão lũ mà thực hiện vận động nhân dân tự sơ tán trong nội bộ thôn. Khi có tình huống nguy hiểm cao thì triển khai phương án sơ tán bắt buộc. Ban Chỉ huy PCTT&TKCN của xã sẽ chỉ đạo trực tiếp triển khai phương án sơ tán bắt buộc đối với nhân dân các thôn đến nơi an toàn. Ban Tài chính ngân sách xã chuẩn bị đảm bảo kinh phí để cung cấp nước uống, thực phẩm cho người dân tại các điểm sơ tán đến trong thời gian ít nhất 3 ngày.
Đầu tháng 8/2023, Chủ tịch UBND huyện Phú Ninh ban hành Chỉ thị về việc tăng cường công tác PCTT&TKCN năm 2023. Trong đó, yêu cầu các đơn vị, địa phương tập trung chỉ đạo rà soát, cập nhật, điều chỉnh và triển khai thực hiện tốt phương án ứng phó với thiên tai theo cấp độ rủi ro, nhất là phương án đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân.
Công tác PCTT&TKCN phải huy động và phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân và cả hệ thống chính trị theo nguyên tắc “phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả”.
Rút kinh nghiệm trong công tác PCTT&TKCN năm 2022, ông Trần Quốc Danh - Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Ninh lưu ý các đơn vị, địa phương rà soát, hoàn thiện phương án ứng phó với từng tình huống thiên tai cụ thể có thể xảy ra trên từng địa bàn. Từ đó, chủ động ứng phó với các loại hình thiên tai theo hướng phát huy tối đa phương châm “4 tại chỗ”, không để bị động, bất ngờ.
Đối với phương án sơ tán dân, UBND huyện chỉ đạo các địa phương thực hiện rà soát danh sách hộ gia đình có nhà kiên cố, cập nhật phương án sơ tán dân theo phương châm “4 tại chỗ”, tăng cường tối đa công tác di dời, sơ tán tại chỗ, xen ghép, hạn chế sơ tán tập trung. Đồng thời chuẩn bị đầy đủ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm, nhất là những vùng có khả năng bị chia cắt do bão lũ, ngập lụt gây ra.
“Toàn huyện tập trung củng cố, nâng cao năng lực Ban chỉ huy PCTT&TKCN, tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ PCTT&TKCN ở huyện và cơ sở, đảm bảo sẵn sàng ứng phó với thiên tai một cách hiệu quả nhất” - ông Danh nhấn mạnh.