Xây dựng tổ chức hội nông dân vững mạnh toàn diện
Trao đổi với phóng viên Báo Quảng Nam trước thềm Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh, nói về công tác xây dựng tổ chức hội và phong trào nông dân của tỉnh nhiệm kỳ qua, bà Lê Thị Minh Tâm - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết:
Xây dựng, củng cố tổ chức hội được xác định là nhiệm vụ then chốt, quyết định đến hoạt động hội và phong trào nông dân. Những năm qua, Hội Nông dân (HND) tỉnh và cấp huyện đã hoàn thành việc sắp xếp bộ máy tổ chức theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu quả.
Công tác phát triển, quản lý, nâng cao chất lượng hội viên được thực hiện khá tốt. Nhiệm kỳ qua, đã kết nạp mới 26.215 hội viên (đạt 174,7%), nâng tổng số hội viên trên toàn tỉnh đến cuối năm 2022 lên 206.114 hội viên.
Toàn tỉnh hiện có 240 cơ sở hội và 1.231 chi hội. Bình quân hằng năm có 98% cơ sở hội xếp loại vững mạnh và hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên, không có đơn vị yếu kém.
Từ năm 2018 - 2023, các cấp hội đã trực tiếp kiểm tra, giám sát 7.618 cuộc, trong đó cấp tỉnh 268 cuộc, cấp huyện 2.254 cuộc và cấp cơ sở 5.096 cuộc.
Qua đó kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những thiếu sót; ngăn chặn và hạn chế các tiêu cực, sai phạm; tháo gỡ khó khăn cùng cơ sở; kịp thời biểu dương những nhân tố tích cực, điển hình và nâng cao hoạt động, kỷ luật, kỷ cương của Hội.
Bên cạnh những phong trào do các cấp phát động, HND tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Phối hợp thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng, an ninh và tăng cường công tác đối ngoại, hợp tác quốc tế…
- Từ nền tảng kết quả đạt được trong giai đoạn 2018 - 2023, nhiệm kỳ đến HND tỉnh đặt ra những mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu như thế nào, thưa bà?
- Bà Lê Thị Minh Tâm: Các chỉ tiêu chủ yếu trong 5 năm tới là phát triển mới 12.000 hội viên trở lên; có 98% cơ sở hội trở lên hoàn thành tốt và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, không có cơ sở hội không hoàn thành nhiệm vụ.
HND cấp huyện xây dựng mới 90 chi hội nông dân nghề nghiệp và HND cấp xã xây dựng mới 2.400 tổ hội nông dân nghề nghiệp. Trực tiếp và phối hợp đào tạo, giải quyết việc làm cho 15.000 lao động nông thôn.
Đồng thời hướng dẫn xây dựng 300 mô hình kinh tế tập thể hoạt động có hiệu quả (trong đó có 275 tổ hợp tác, 25 HTX) và 100 mô hình nông dân khởi nghiệp. Xây dựng 300 mô hình bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậụ.
Đặc biệt, hằng năm có 60% số hộ đăng ký danh hiệu nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi các cấp và phấn đấu có từ 50% số hộ đăng ký trở lên đạt danh hiệu này. Hội trực tiếp giúp hơn 1.000 hộ nông dân nghèo, cận nghèo thoát nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều…
- Trong số chỉ tiêu vừa nêu có những nội dung được xem là đột phá, đòi hỏi giải pháp phù hợp để đạt được kết quả mong muốn, thưa bà?
- Bà Lê Thị Minh Tâm: Để thực hiện thắng lợi mục tiêu đặt ra, trong 5 năm tới các cấp HND của tỉnh quyết tâm triển khai đồng bộ và hiệu quả nhiều giải pháp. Theo đó, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức tuyên truyền theo hướng thiết thực, hiệu quả, phù hợp trong giai đoạn hiện nay.
Trong đó, tập trung tuyên truyền các chủ trương, đường lối, cơ chế chính sách liên quan đến nông nghiệp - nông dân - nông thôn. Tiếp tục kiện toàn và củng cố tổ chức bộ máy HND các cấp, đảm bảo hoạt động hiệu quả, linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với thực tiễn.
Vấn đề đáng quan tâm nữa là, nâng cao tính chủ động, sáng tạo của ban chấp hành, ban thường vụ HND các cấp trong chỉ đạo, điều hành và tổ chức các hoạt động phù hợp với điều kiện tại địa phương.
Phát huy vai trò cầu nối giữa HND với doanh nghiệp, nhà khoa học và nhà nước. Trực tiếp và phối hợp tổ chức các lớp tập huấn, phổ biến kiến thức về phát triển tuần hoàn, hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao theo chuỗi giá trị; vận động nông dân tham gia phát triển các chuỗi giá trị ngành hàng, thay đổi phương thức quản lý, sử dụng trong sản xuất - kinh doanh.
Trang bị kiến thức về chuyển đổi số, kinh tế số, các kỹ năng sản xuất, marketing, năng lực quản trị, tham gia thị trường cho hội viên nông dân, các chi và tổ HND nghề nghiệp, các chủ trang trại, tổ hợp tác, HTX.
Các cấp hội cần nâng cao vai trò, trách nhiệm, luôn đồng hành, hỗ trợ nông dân thông qua hoạt động dịch vụ như vốn, tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, liên kết quảng bá và tiêu thụ sản phẩm...
Đặc biệt, huy động tối đa các nguồn lực giúp đỡ hộ nghèo thoát nghèo bền vững, nhất là đối với nông dân các huyện miền núi cao, nhằm thực hiện tốt phong trào thi đua “Quảng Nam chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, giảm khoảng cách giàu - nghèo ở các vùng miền...
- Xin cảm ơn bà!