Hỗ trợ sinh kế cho gia đình nạn nhân da cam
Thời gian qua, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin TP.Hội An hỗ trợ một số gia đình có nạn nhân da cam nuôi cá lồng bè, mua thuyền thúng chở khách du lịch, góp phần cải thiện sinh kế, ổn định cuộc sống…
Nuôi cá lồng bè ở thôn Vạn Lăng (xã Cẩm Thanh) bây giờ không còn là điều xa lạ, nhưng trong mô hình này đáng chú ý có một cơ sở lá của gia đình nạn nhân chất độc da cam. Đây cũng là cơ sở nuôi cá lồng bè đầu tiên chuyển từ nuôi cá dìa sang cá nâu - một loại cá đem lại hiệu quả kinh tế cao, dễ tiêu thụ.
Ông Trần Văn Dũng - chủ cơ sở cho hay, đã đầu tư mô hình này được 5 năm. Mọi công việc một tay ông lo liệu vì mẹ già đã ngoài 80 tuổi, chị gái là nạn nhân chất độc da cam, khuyết tật nhẹ, trí não không phát triển. Tham gia mô hình nuôi cá giúp gia đình ông có sinh kế ổn định.
Ông Nguyễn Tấn Hạnh - Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam xã Cẩm Thanh là người thường xuyên đến thăm, động viên ông Dũng thực hiện mô hình nuôi cá lồng bè.
“Nhờ chăm chỉ làm ăn, từ nguồn thu hoạch cá lồng bè, gia đình ông Dũng đã có cuộc sống khấm khá hơn. Cơ sở nuôi cá lồng bè gần chỗ ở nên ông còn mở thêm được tiệm bán cà phê, giải khát ngay tại gia đình. Hạch toán sơ bộ, mỗi năm ông thu đến cả trăm triệu đồng” - ông Hạnh nói.
Rừng dừa Bảy Mẫu là một trong những khu du lịch sinh thái nổi tiếng ở Hội An. Tại đây, du khách không chỉ được tham quan khu rừng dừa xanh mát, rộng lớn mà còn được trải nghiệm ngồi thuyền thúng lênh đênh sông nước. Với lợi thế này, Hội Nạn nhân chất độc da cam TP.Hội An hỗ trợ mua thuyền thúng cho các đình nạn nhân da cam để phục vụ chở khách du lịch, cải thiện đời sống.
Gia đình ông Trần Minh Sen ở thôn Thanh Tam, xã Cẩm Thanh có hai con đều là nạn nhân da cam. Con gái ông Sen năm nay đã 32 tuổi nhưng trí não kém phát triển, còn người con trai 34 tuổi chỉ nằm một chỗ. Còn người con út năm nay học lớp 12.
Nỗi lo kinh tế gia đình của ông Sen phần nào được san sẻ khi được Hội Nạn nhân chất độc da cam dioxin thành phố hỗ trợ sinh kế bằng phương tiện thuyền thúng để ông chở khách du lịch kiếm thêm nguồn thu nhập. Nhà gần địa điểm đưa đón khách nên công việc làm thêm của ông cũng khá thuận tiện, ngoài phụ vợ bán quán nước giải khát.
Cùng với gia đình ông Sen, gia đình ông Lê Thanh Chiến, ở thôn Thanh Tam cũng được hỗ trợ một thuyền thúng. Ông Chiến bị khuyết tật ở chân từ nhỏ, có vợ và con gái 13 tuổi. Nhờ được hỗ trợ sinh kế, ông Chiến có thêm thu nhập lo cho vợ con.
Thông tin thêm về cách thức hỗ trợ sinh kế cho gia đình nạn nhân da cam, bà Võ Thị Hóa - Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin TP.Hội An nói: “Với quan điểm “sinh kế là cái cần câu”, hơn ai hết mỗi trường hợp được hỗ trợ cần siêng năng tích cực lao động sản xuất, biết cách tiết kiệm để tích lũy khoản thu nhập. Có như vậy thì hiệu quả việc hỗ trợ sinh kế cho gia đình nạn nhân da cam ở Cẩm Thanh nói riêng, TP.Hội An nói chung mới phát huy hiệu quả”.