Hoạt động đối ngoại, giao lưu nhân dân: Sôi động, góp phần vào sự phát triển
Sau khi đại dịch COVID-19 được khống chế, hoạt động đối ngoại, giao lưu nhân dân trên địa bàn tỉnh cũng trở nên sôi động, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Quảng Nam.
Chuyện những “người bạn” Nhật
Sau nhiều năm, nhà văn Hiramatsu Tomoko - Phó Chủ tịch Hội đồng Hòa bình hữu nghị Nhật - Việt (JVPF) tỉnh Saitama - Nhật Bản mới quay trở lại Quảng Nam.
Là người có tình cảm đặc biệt với các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Quảng Nam, từ trước năm 2019, bà Hiramatsu Tomoko cùng nhiều thành viên JVPF tỉnh Saitama thường xuyên đến Quảng Nam để thăm hỏi, triển khai các hoạt động nhân ái dành cho nạn nhân da cam. Tuy nhiên, do dịch bệnh COVID-19 kéo dài nên năm nay bà Hiramatsu Tomoko mới trở lại Quảng Nam.
Trong chuyến trở lại Quảng Nam lần này, thành viên đoàn đã dành thời gian đi thăm các gia đình có nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam được JVPF tỉnh Saitama và bà Hiramatsu Tomoko hỗ trợ xây dựng “Nhà nhân ái” tại Tiên Phước, Phú Ninh, Hiệp Đức… Đoàn cũng làm việc với Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị tỉnh, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh và tiếp tục trao 85 triệu đồng hỗ trợ nạn nhân da cam.
Theo Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị tỉnh, từ năm 2011 đến nay, nhà văn Hiramatsu Tomoko cùng các thành viên JVPF Saitama đã hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 50 nhà nhân ái cho nạn nhân da cam tại Quảng Nam, tổng trị giá hơn 2,6 tỷ đồng. JVPF Saitama còn tài trợ mua tặng hơn 10 con bò sinh sản để tạo sinh kế cho các gia đình nạn nhân chất độc da cam trên địa bàn tỉnh (mỗi con bò trị giá 15 triệu đồng).
Vẫn là sự ân cần, khiêm tốn vốn có của người dân Nhật, tại buổi tiếp đoàn của Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh, các thành viên JVPF tỉnh Saitama đã mang đến không khí gần gũi, tình cảm với nhiều câu chuyện thú vị.
Nhiều thành viên trong đoàn cho biết mới lần đầu tiên đến Việt Nam, đồng thời chia sẻ lâu nay chỉ biết về Việt Nam là đất nước chịu nhiều đau thương trong chiến tranh, tuy nhiên khi được tận mắt chứng kiến các gia đình có con bị nhiễm chất độc da cam thì mới thấm thía.
Một thành viên đoàn cho biết, trong chuyến công tác ông đã ghi lại cẩn thận những những hình ảnh, câu chuyện về các nạn nhân da cam; khi trở về Nhật Bản sẽ chia sẻ cho bạn bè, người thân với hy vọng vận động được nguồn lực hỗ trợ cho các nạn nhân.
Triển khai dự án hợp tác
Trong nhiều tháng qua, ngoài các đoàn công tác của các tỉnh, huyện nước bạn Lào, lãnh đạo tỉnh đã tiếp, làm việc với nhiều tổ chức, đoàn quốc tế đến thăm, xúc tiến triển khai dự án tài trợ, hợp tác. Mới đây, Chủ tịch Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh tiếp đoàn công tác UN-Habitat. Hai bên đã thảo luận, trao đổi cởi mở về kế hoạch triển khai các dự án và những nội dung hỗ trợ liên quan.
Theo Sở KH-ĐT, từ năm 2010 đến nay, UN-Habitat đã tích cực hỗ trợ Quảng Nam và hai bên có mối quan hệ hợp tác chặt chẽ, phối hợp triển khai nhiều chương trình, dự án nhằm xây dựng hoàn thiện cơ chế chính sách phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; nâng cao năng lực nguồn nhân lực và phát triển đô thị, bảo vệ môi trường và tăng trưởng xanh.
Chủ tịch UBND tỉnh bày tỏ sự quan tâm với 2 dự án UN-Habitat sẽ thực hiện tại Quảng Nam gồm “Tăng cường thể chế và nâng cao năng lực cho phát triển đô thị” và dự án “Thúc đẩy đổi mới sáng tạo của giới trẻ và cộng đồng vì phát triển đô thị bền vững”.
Đồng thời kỳ vọng qua triển khai các dự án, UN-Habitat sẽ góp phần hỗ trợ Quảng Nam trong thực hiện mục phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh theo hướng tăng trưởng xanh, bền vững.
Sau cuộc làm việc với Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh, UN-Habitat và Học viện AMC đã phối hợp với UBND TP.Tam Kỳ tổ chức hội thảo công bố dự án thí điểm kế hoạch chiến lược phát triển kinh tế du lịch nghệ thuật cộng đồng Tam Thanh thuộc dự án “Tăng cường thể chế và nâng cao năng lực cho phát triển đô thị ở Việt Nam” (dự án ISCB) do UN-Habitat triển khai dưới sự tài trợ của Tổng cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ trong giai đoạn 2021 - 2025.
Theo lãnh đạo TP.Tam Kỳ, việc triển khai dự án thí điểm sẽ giúp xã Tam Thanh có được kế hoạch chiến lược phát triển toàn diện, đáp ứng các yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội đặt ra, góp phần phát triển những sản phẩm du lịch trọng điểm, các loại hình thương mại dịch vụ mang đặc tính riêng nhằm đưa Tam Thanh trở thành điểm đến hấp dẫn và độc đáo.
Theo Sở Ngoại vụ, trong 6 tháng đầu năm 2023, có 44 tổ chức phi chính phủ nước ngoài, các tổ chức nhân đạo, từ thiện, các cá nhân người nước ngoài đến Quảng Nam tiếp tục hoạt động viện trợ và tài trợ thực hiện các chương trình, dự án mới trên địa bàn tỉnh.
Sở đã tham mưu UBND tỉnh cho phép 76 đoàn (thuộc các tổ chức phi chính phủ, tổ chức quốc tế) với 561 lượt khách là các nhà tài trợ, chuyên gia, tình nguyện viên người nước ngoài đến hoạt động trên địa bàn tỉnh; nhiều chương trình, dự án viện trợ được vận động và đưa vào triển khai phù hợp với nhu cầu của địa phương, tập trung vào các lĩnh vực GD-ĐT, y tế, tài nguyên và môi trường, giải quyết các vấn đề xã hội.
Cụ thể, Sở đã tham mưu UBND tỉnh tiếp nhận 32 chương trình, dự án và phi dự án với tổng giá trị viện trợ đạt 3,22 triệu USD (tương đương 74,1 tỷ đồng), tăng hơn 42,1% so với cùng kỳ năm ngoái.