Núi Thành vững vàng vượt khó vươn lên

NGUYỄN QUANG - NGUYÊN ĐOAN 21/08/2023 07:49

Lễ Kỷ niệm 90 năm thành lập Phủ ủy Tam Kỳ (15/8/1933 - 15/8/2023) và 40 năm thành lập huyện Núi Thành (3/12/1983 - 3/12/2023) được Huyện ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Núi Thành long trọng tổ chức tối 19/8 đã tái hiện lịch sử hào hùng, quá trình vượt khó vươn lên và “phác thảo” chặng đường phát triển thời gian đến.

Đô thị Núi Thành hôm nay. Ảnh: Ban Tuyên giáo Huyện ủy Núi Thành
Đô thị Núi Thành hôm nay. Ảnh: Ban Tuyên giáo Huyện ủy Núi Thành

Dự lễ kỷ niệm có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải; Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phan Việt Cường; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lê Văn Dũng; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh; cùng các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh...

Lịch sử hào hùng

Trong thời gian đến, Cảng hàng không Chu Lai ở Núi Thành sẽ được nâng cấp trở thành sân bay trung chuyển hành khách, hàng hóa quốc tế và là trung tâm dịch vụ sửa chữa các loại máy bay. Cảng biển Chu Lai đầu tư thành cảng biển loại I và các dự án khí - điện quốc gia sẽ khởi động. Núi Thành chuẩn bị nguồn nhân lực để đón đầu và đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đô thị, hình thành các trung tâm thương mại - dịch vụ, tài chính, tạo sự bứt phá mạnh mẽ trong phát triển kinh tế - xã hội của huyện.

Hai sự kiện in đậm dấu ấn trong đời sống của người dân Núi Thành là ngày 15/8/1933, Phủ ủy Tam Kỳ ra đời tại khu rừng Định Phước (xã Định Phước, tổng An Hòa, nay là xã Tam Nghĩa, Núi Thành) và ngày 3/12/1983, huyện Núi Thành được thành lập trên cơ sở tách ra từ huyện Tam Kỳ.

Trong diễn văn lễ kỷ niệm, Bí thư Huyện ủy Núi Thành Nguyễn Tri Ấn nhấn mạnh, ngay sau khi ra đời, cùng với phát triển tổ chức, lực lượng, Phủ ủy Tam Kỳ tập trung tuyên truyền, giác ngộ, tập hợp quần chúng, khơi dậy lòng yêu nước, đưa đường lối cách mạng của Đảng vào các tầng lớp nhân dân, lãnh đạo phong trào đấu tranh đòi quyền dân sinh, dân chủ (1936 - 1939), chuẩn bị lực lượng, lãnh đạo khởi nghĩa giành chính quyền (1939 - 1945).

Đặc biệt, tháng 8/1945, cùng cả nước, Phủ ủy đã lãnh đạo nhân dân khởi nghĩa giành chính quyền từ phủ đến xã. Sau Cách mạng Tháng Tám thành công, Phủ ủy tập trung xây dựng, củng cố chính quyền, bảo vệ và xây dựng vùng tự do, chi viện cho tiền tuyến, làm tròn nghĩa vụ hậu phương, trực tiếp góp phần xứng đáng đưa cuộc kháng chiến chống Pháp đến thắng lợi.

Phát huy truyền thống cách mạng của quê hương, quân và dân Tam Kỳ nói chung, Núi Thành nói riêng cùng với quân và dân Quảng Nam lần lượt đánh bại các âm mưu thâm độc của Mỹ - ngụy, góp phần cùng với nhân dân miền Nam đánh bại các chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, “Việt Nam hóa chiến tranh”, buộc Mỹ phải ký Hiệp định Paris, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.

Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975, nhân dân và các lực lượng vũ trang Tam Kỳ, Núi Thành đã cùng cả nước hoàn thành thắng lợi chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng Tam Kỳ và Núi Thành vào ngày 24/3/1975.

Vượt khó vươn lên

Trong ký ức của bà Hồ Thị Kim Thanh - nguyên Bí thư Huyện ủy Núi Thành, những ngày đầu thành lập, Núi Thành là huyện “4 không”: không có trụ sở làm việc, không đủ cán bộ và phương tiện, không có điện, không đủ kinh phí hoạt động.

Thời điểm đó, cơ sở vật chất, hạ tầng kinh tế - kỹ thuật gần như là số không. Điện chưa có, không một nhà máy. Giao thông cách trở, hầu hết đường sá “nắng bụi, mưa lầy”, người dân vùng cát hằng ngày đi “hai bước tiến, một bước lùi”.

Kinh tế độc canh cây lúa, sản xuất nhỏ, manh mún, bấp bênh. Cả huyện chỉ có 25% diện tích lúa chủ động nước tưới, phần lớn là nước trời, năng suất dưới 21tạ/ha. GD-ĐT, y tế, an sinh xã hội đứng trước vô vàn khó khăn, thiếu thốn. Nhân dân vô cùng vất vả; có xã diện đói nghèo chiếm tỷ lệ 60 - 70%.

Theo bà Kim Thanh, trước tình hình đó, Đảng bộ huyện xác định nhiệm vụ trọng tâm là khơi dậy truyền thống cách mạng vẻ vang của quê hương “trung dũng kiên cường”, xúc tiến ngay việc xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, động viên sức người, sức của, quyết tâm xây dựng huyện phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh.

Huyện thực hiện phương châm “đi từng bước vững chắc; tự lực là chính, tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương và của tỉnh”, tận dụng các cơ chế, chính sách để phát triển hạ tầng kinh tế. Tập trung kinh phí và nguồn lực đầu tư các công trình điện, đường, trường học, hệ thống thủy lợi và các công trình phúc lợi xã hội khác.

Động viên cán bộ, đảng viên và nhân dân phát huy tinh thần tự lực, cánh sinh, đoàn kết, chịu khó, khai thác tiềm năng đất đai, tài nguyên sẵn có để thực hiện chủ trương đổi mới, nhất là đổi mới về cơ chế quản lý kinh tế, phát triển kinh tế hộ, đẩy mạnh phong trào nông dân sản xuất giỏi, mô hình kinh tế vườn - ao - chuồng, trồng rừng, nuôi trồng thủy sản, chế biến, xuất khẩu, phát triển công nghiệp, thương mại - dịch vụ… Bằng nỗ lực không ngừng, tinh thần trách nhiệm và nguồn nhiệt huyết to lớn, Núi Thành đã từng bước đi lên.

Bước ngoặt cho sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện bắt đầu khi Khu Kinh tế mở Chu Lai ra đời vào tháng 6/2003. Sự hình thành các khu công nghiệp đã thu hút các nhà đầu tư, đặc biệt là Nhà máy sản xuất và lắp ráp ô tô Chu Lai - Trường Hải đã giúp Núi Thành chuyển mình ngoạn mục.

Đến nay, trên địa bàn huyện có hơn 1.000 doanh nghiệp với hơn 28 nghìn lao động, trong đó có 5 khu công nghiệp và 2 cụm công nghiệp đang hoạt động với 120 doanh nghiệp sản xuất, tạo thu nhập ổn định cho hơn 16 nghìn lao động.

Tự tin trên chặng đường mới

Núi Thành đã vươn lên mạnh mẽ trở thành vùng kinh tế động lực, vùng công nghiệp trọng điểm của tỉnh Quảng Nam. Năm 2022, tổng giá trị sản xuất đạt 117.817 tỷ đồng, trong đó công nghiệp - xây dựng 103.645 tỷ đồng; thương mại - dịch vụ 9.469 tỷ đồng; nông nghiệp 4.730 tỷ đồng; tổng các nguồn thu ngân sách (tỉnh, huyện) trên địa bàn Núi Thành đạt 23.196 tỷ đồng.

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường tin vào sự phát triển vượt bậc của huyện thời gian đến và yêu cầu Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân Núi Thành cần tiếp tục xác định phát triển công nghiệp, dịch vụ - du lịch, kinh tế biển là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu để đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Khai thác hiệu quả lợi thế lớn của một địa phương có sân bay, cảng biển, hệ thống giao thông tương đối đồng bộ với bờ biển dài, đẹp, nhiều địa danh nổi tiếng.

Kết nối với định hướng phát triển của Khu công nghiệp chế biến nông - lâm nghiệp của THACO AGRI để tổ chức lại sản xuất, hình thành các vùng nguyên liệu, vùng sản xuất chuyên canh theo hướng an toàn, hữu cơ, công nghệ cao là hướng đi của huyện Núi Thành.

Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường đề nghị huyện tập trung mọi nguồn lực kết nối Đông - Tây, xem đây là chìa khóa cho sự phát triển toàn diện của huyện. Đặc biệt, phải quyết tâm xây dựng huyện Núi Thành đạt chuẩn nông thôn mới. Địa phương cần hoàn thiện quy hoạch, đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ, quy hoạch phát triển đô thị Núi Thành theo hướng hiện đại, gắn với phát triển Khu Kinh tế mở Chu Lai, vùng Đông Nam Quảng Nam.

Huyện cần phối hợp với các sở, ngành sớm hoàn chỉnh các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị theo hướng hiện đại. Tập trung đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng, nhất hạ tầng khung, các khu, cụm công nghiệp, hạ tầng giao thông đảm bảo đồng bộ, đáp ứng nhu cầu phát triển.

Ông Nguyễn Tri Ấn cho biết, nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của địa phương thời gian đến là tập trung xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở trong sạch, vững mạnh; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về công tác cán bộ, bảo đảm tính kế thừa, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới.

Huyện ưu tiên nâng cao chất lượng cuộc sống người dân và chú trọng thực hiện tốt hơn nữa các chính sách an sinh xã hội, xóa nhà tạm cho gia đình chính sách, hộ nghèo, cận nghèo. Cùng với đó là đầu tư tăng chất lượng giáo dục - đào tạo, y tế, chăm sóc sức khỏe người dân. thực hiện tốt công tác giảm nghèo bền vững; chăm lo cho người có công cách mạng, hộ chính sách.

NGUYỄN QUANG - NGUYÊN ĐOAN