Màu hoang vắng thị tứ

THÀNH CÔNG 13/08/2023 07:57

Không còn bụi đỏ quạch lên theo những chuyến xe ngày cũ, những thị tứ vùng cao chừng như lặng lẽ hơn. Quá khứ với nhiều khốn khó đã lùi xa, thị tứ cũng hao mòn chức năng trung tâm thương mại, dịch vụ. Nhiều người nhắc nhớ về thuở vàng son, như gửi một niềm mong ngày nào đó vùng cao rộn lại bước chân người...

Chà Vàl vẫn là trung tâm thương mại, dịch vụ khá sầm uất đối với các xã vùng biên Nam Giang.
Chà Vàl vẫn là trung tâm thương mại, dịch vụ khá sầm uất đối với các xã vùng biên Nam Giang.

Chợ ở ngã ba

Không còn quá nhiều người nhớ đến sự hiện hữu của một ngôi chợ nằm ngay ngã ba đường thị tứ Trung Mang (xã Ba, Đông Giang) của những thập niên 90 thế kỷ trước. Ngày đó, Trung Mang là điểm đến cuối cùng của chuyến xe “Rờ-nôn” từ Đà Nẵng ngược về núi.

Con đường lởm chởm đá hộc, uốn theo những sườn đồi trở thành độc đạo, kết nối huyện Hiên (nay là hai huyện Đông Giang và Tây Giang). Chuyến xe cũ kỹ bên dưới chở người, trên nóc là đủ thứ hàng hóa heo, gà, rau và nông cụ..., bụi đỏ cuộn lên theo những vòng xe ngược núi. Để rồi mang theo củi, quế, mật ong và những lâm sản khác xuôi về phố.

Ngã ba Trung Mang, từng là “thị tứ giang hồ” với đủ mặt người, từ công nhân nông trường chè Quyết Thắng lên lập nghiệp, hay bao phu vàng tứ xứ đổ về rồi lầm lũi đi sâu vào những bãi vàng lậu. Đó cũng là nơi duy nhất có ánh đèn điện từ những chiếc máy phát điện chạy dầu, liêu xiêu trong quán gió những đêm dài góc núi...

Đường lớn được mở, thênh thang. Ngã ba Trung Mang cũng mất đi chức năng “điểm đến” của dân tứ xứ trong cuộc ngược ngàn. Người ta dỡ hàng quán, đưa vào chợ mới cách đó chừng vài trăm mét. “Trung tâm thương mại” vùng cao biến mất, thay vào đó là một công viên nhỏ mọc lên. Thị tứ, chỉ còn một ngôi chợ xã với quy mô khiêm tốn hơn nhiều, khi những chuyến xe đã không còn dừng lại...

Ông Khanh, chủ quán cà phê “Hoa Giấy” ngay trước cây xăng gần ngã ba Trung Mang chép miệng, nói nơi này đã từng không khác gì một phố núi. Thậm chí, độ sầm uất của Trung Mang có khi còn hơn hẳn thị trấn, trung tâm huyện lỵ P’rao nằm cách đó chừng bốn mươi cây số.

Có những thứ đã ẩn sâu trong quá khứ và không bao giờ trở lại. Nhiều người đến, rồi đi. Như cái cách ngôi chợ ngay ngã ba mất dấu sau hàng thập kỷ chộn rộn tiếng bán mua của bao tiểu thương, Trung Mang chỉ còn lại chút danh xưng “thị tứ” trên bảng thông tin của bưu điện và một chi nhánh ngân hàng. Điện đã phủ khắp thung lũng, nhưng đã không còn lung linh như ánh điện máy nổ chạy dầu của những quán gió cách đó hai mươi, ba mươi năm.

Đợi ngày bừng sáng

Cùng mang số phận gắn vào một ngã ba, nhưng trung tâm Chà Vàl (xã Chà Vàl, Nam Giang) ít nhiều vẫn còn giữ được chức năng trung tâm thương mại khi là điểm kết nối, giao thương của miền xuôi với các xã vùng biên trong suốt một thời gian dài.

Nếu như Trung Mang thu hẹp lại chức năng thị tứ liên quan đến nhiều biến động về đời sống xã hội lẫn đặc thù kinh tế của vùng đất, thì phía Chà Vàl, rõ ràng những yếu tố về địa lý vẫn đóng vai trò quyết định đến sự tồn tại. Từ Chà Vàl, có thể ngược lên Đắc P’re, Đắc P’ring, Đắc Tôi, hay vòng sang La Dêê, La Êê. Cửa khẩu Nam Giang cũng mở thêm cơ hội giao thương quan trọng cho Chà Vàl, một động lực quan trọng để phát triển.

Nhưng, nếu đặt để những lợi thế và hiện trạng của trung tâm xã Chà Vàl hiện tại, vẫn có thể nhận thấy sự “chênh” đáng kể. Hàng hóa sẽ có thể len lỏi về tận từng bản làng theo những con đường mới mở, nhu cầu mua sắm, trao đổi ở trung tâm xã Chà Vàl cũng giảm dần xuất phát từ nhu cầu tự thân của dân cư địa phương. Nhưng quan trọng hơn, một bản sắc cho thị tứ vẫn là điều đang thiếu vắng.

Không có sản phẩm chủ lực; hạ tầng khiêm tốn, chưa tạo ra được nền tảng thu hút; nhu cầu của cư dân cũng giảm đi, thành trở lực cho “thị tứ vùng biên” này. Thêm vào đó, làn sóng nhập cư của các phu vàng, phu gỗ không còn rầm rộ như thuở còn “tranh tối, tranh sáng” vài mươi năm trước. Đã tắt bớt nhiều ngọn đèn, từ các cửa hàng ăn uống, cung cấp nhu yếu phẩm, hàng hóa ở ngã ba.

Màu hoang vắng phủ lên những trưa hè nơi ngã ba, không thấy nhiều âm thanh xe cộ, bán mua dậy lên như thuở còn sôi động, ở Trung Mang lẫn Chà Vàl. Gần đây, hơi thở du lịch “phà” vào thung lũng Trung Mang, khi các homestay, cơ sở lưu trú du lịch lấn dần từ Đà Nẵng về phía tây, gợi lên những đợi chờ khách lạ lại tìm về.

Ở Chà Vàl, những hoạch định nâng tầm cửa khẩu cũng đã rục rịch khởi động, thêm lý do để có thể mong ngã ba biên giới rộn ràng trở lại. Ấm hơi người, thị tứ, biết đâu sẽ bớt đi màu hoang vắng, như đã từng chộn rộn trong ký ức một thời...

THÀNH CÔNG