Cơ hội kết nối đầu tư, giao thương Hoa Kỳ
Không có dự án đầu tư hay thương vụ nào được ký kết tại cuộc gặp gỡ giữa Quảng Nam và đoàn quan chức, doanh nghiệp lớn của bang California (Hoa Kỳ) vừa qua nhưng hai biên bản ghi nhớ hợp tác (MOU) Trường Hải ký với Oakland hy vọng sẽ mở ra cơ hội hợp tác song phương, từ đầu tư đến kết nối giao thương giữa Quảng Nam (Việt Nam) - California (Hoa Kỳ) trong tương lai.
Cuộc xúc tiến “bất ngờ”
Quảng Nam được chọn làm điểm đến khá “bất ngờ” (cùng Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Long An) trong lịch trình chuyến công du Việt Nam của đoàn quan chức và doanh nghiệp lớn của bang California do Hội đồng vùng Vịnh (San Francisco) và Hiệp hội Doanh nghiệp Việt - Mỹ (VABA) tổ chức.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu, cuộc xúc tiến đầu tư này mở ra cơ hội từ hai phía. Vùng Vịnh là cửa ngõ thuận tiện để vào Hoa Kỳ, dân số đông (6 triệu người) có cả triệu người Việt sinh sống sẽ là thị trường lớn cho hàng Việt, hàng địa phương xâm nhập; Quảng Nam có đủ lợi thế (logistics, môi trường đầu tư thuận lợi, nhân công rẻ, chi phí đầu tư thấp...). Hy vọng sẽ có thêm nhiều dự án của các doanh nghiệp Oakland, Hoa Kỳ đầu tư tại Quảng Nam. Chính quyền Quảng Nam cam kết sẵn sàng hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp hai phía hợp tác, kết nối đầu tư, giao thương...
Theo thông báo của Bộ Ngoại giao Việt Nam, chuyến đi của đoàn này chủ yếu tìm hiểu, đề xuất các định hướng trong hợp tác với các địa phương Việt Nam; tìm kiếm cơ hội đầu tư, hợp tác với các đối tác Việt Nam và kêu gọi đầu tư từ Việt Nam sang Oakland, khu vực vùng Vịnh (San Francisco) và bang Califonia.
Bà Sheng Thao - Thị trưởng thành phố Oakland (dẫn đầu đoàn) nói, không chỉ kết nối đơn thuần, mong muốn sẽ có những cuộc đầu tư từ Oakland, Quảng Nam về phát triển cảng, năng lượng sạch, hợp tác hai chiều giữa hai bên về xuất nhập khẩu, chống biến đổi khí hậu, phát triển năng lượng xanh theo hướng số hóa, hiện đại hóa.
Kinh tế bang California lớn nhất trong các bang của Hoa Kỳ, có hai cảng lớn (Oakland và Long beach), 3 sân bay quốc tế (San Francisco, San Diego và Los Angeles), thủ phủ công nghệ thung lũng Silicon Valley. Vùng đất có cộng đồng người gốc Việt tập trung lớn nhất thế giới và cộng đồng doanh nghiệp Việt đang lớn mạnh là một trong những đối tác hàng đầu của Việt Nam.
Thống kê từ Bộ KH-ĐT, hiện có 100 doanh nghiệp California đã đầu tư vào Việt Nam và hơn 70 dự án của doanh nghiệp Việt đầu tư vào khu vực này. Không chỉ tiềm lực kinh tế, sự xuất hiện của các doanh nghiệp, doanh nhân tháp tùng đoàn tìm kiếm các cơ hội hợp tác là cơ hội xúc tiến đầu tư tại chỗ cho Quảng Nam.
Sở KH-ĐT đã chuyển đến đoàn California danh mục 42 dự án ưu tiên thu hút đầu tư nước ngoài năm 2023.
Ông Nguyễn Hưng - Phó Giám đốc Sở KH-ĐT cho biết, định hướng của địa phương sẽ thu hút các dự án đầu tư công nghệ cao, hiện đại, sạch, công nghệ chế biến sâu các sản phẩm dược liệu thiên nhiên (trong đó có sâm Ngọc Linh), thí điểm kinh doanh tín chỉ carbon rừng... Thaco Group xuất khẩu nhiều sản phẩm ra thị trường thế giới, thị trường trọng điểm là Hoa Kỳ.
Tổng Giám đốc Thaco Group Phạm Văn Tài cho hay, Thaco Industries đã xuất khẩu sang Hoa Kỳ 150 triệu USD/tổng doanh thu xuất khẩu 200 triệu USD năm 2022. Sản phẩm chủ lực là sơmi rơmoóc, thiết bị, sản phẩm cơ khí, linh kiện phụ tùng trong và ngoài ngành ô tô. Dự kiến doanh thu xuất khẩu năm 2023 là 350 triệu USD (thị trường Hoa Kỳ 180 triệu USD).
“Cuộc gặp gỡ này là cơ hội lớn để Thaco Group, Thaco Industries kết nối, xúc tiến hợp tác với các doanh nghiệp ở Oakland và vùng Vịnh San Francisco nhiều lĩnh vực. Đặc biệt là sản xuất cơ khí và công nghiệp hỗ trợ, các sản phẩm sơmi rơmoóc, cung ứng dây chuyền, thiết bị công nghiệp…” - ông Tài nói
Cơ hội rộng mở
Không thương vụ hay dự án nào được ký kết. Tuy nhiên, hai biên bản ghi nhớ (MOU) đã được ký kết sau chuyến khảo sát của đoàn California qua các nhà máy, cảng của Thaco Group.
Thaco Industries sẽ hợp tác với cảng Oakland trong cung cấp thiết bị phục vụ hạ tầng cảng và sử dụng cảng để nhập khẩu hàng hóa vào Hoa Kỳ. Thaco Industries và Công ty California Waste Solutions kết nối, hợp tác sản xuất, cung ứng các sản phẩm, thiết bị trong lĩnh vực môi trường, tái chế...
Thaco Group trở thành một trong những nhà cung cấp sản phẩm sơmi rơmoóc tốt nhất cho thị trường Bắc Mỹ. Bộ trưởng Bộ Công Thương - Nguyễn Hồng Diên nói, sự kiện này đã khẳng định năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm của Thaco, doanh nghiệp địa phương có đủ khả năng định vị được vị thế hàng hóa Quảng Nam trên bản đồ xuất khẩu khu vực và thế giới, nhất là Hoa Kỳ - một trong những thị trường “nổi tiếng” về độ khắt khe, yêu cầu tiêu chuẩn rất cao về chất lượng hàng hóa.
Thaco đã xây dựng thành công một trung tâm giao nhận (logistic) hay cảng container, có thể vận chuyển hàng hóa, xuất nhập khẩu quốc tế sản lượng lớn. Tập đoàn này đang thực hiện đề án “Thí điểm cơ chế khuyến khích hợp tác sản xuất theo cụm, ngành công nghiệp cơ khí và công nghiệp hỗ trợ tại Chu Lai”.
Hai bản ghi nhớ hợp tác, đầu tư đã được ký, sẽ là cơ hội cho doanh nghiệp đóng góp đến 60% ngân sách và tỷ lệ GRDP lớn nhất của địa phương thêm rộng cửa thâm nhập vào thị trường Hoa Kỳ.
Lợi ích không chỉ riêng Thaco. Những cơ chế, chính sách, việc lựa chọn nhà đầu tư, danh mục dự án đầu tư đều thực tế, phù hợp quy hoạch, yêu cầu phát triển hay những cam kết từ phía Quảng Nam đã nhận được sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp California và họ đã bày tỏ chuyện hợp tác trên diện rộng. Chính quyền địa phương đã lên một chiến lược xuất nhập khẩu.
Dự kiến đến năm 2025, tổng giá trị xuất nhập khẩu, mua bán, trao đổi hàng hóa đạt 4,8 tỷ USD, sẽ nâng lên 7,7 tỷ USD vào năm 2030. Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu (giai đoạn 2021 - 2030) bình quân 15 - 16%/năm và nhập khẩu bình quân 4 - 5%/năm.
Tỷ trọng xuất khẩu các mặt hàng nông - lâm - thủy sản sẽ gia tăng với tốc độ tăng trưởng bình quân 2021 - 2030 đạt 3 - 3,5%/năm. Chuối, măng cụt, thơm, dưa hấu, sâm Ngọc Linh, quế Trà My và một số dược liệu đặc trưng của địa phương sẽ xuất khẩu chính ngạch sang thị trường nước ngoài. Hoa Kỳ là một trong những thị trường chủ lực giúp Quảng Nam thực hiện chiến lược này.