Nâng chất lượng hỗ trợ doanh nghiệp
Không chỉ thực thi yêu cầu từ Chính phủ, chính quyền, cơ quan quản lý địa phương đã tận lực hỗ trợ doanh nghiệp trong thẩm quyền, giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, duy trì và phát triển sản xuất, kinh doanh...
Trách nhiệm thường xuyên
Thống kê của Sở KH&ĐT cho thấy đã có ít nhiều điểm sáng xuất hiện trong kinh tế địa phương. Nhiều doanh nghiệp đã nhận được đơn hàng mới, duy trì và phát triển sản xuất. Khoảng 738 doanh nghiệp gia nhập thị trường và 315 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động.
Cho dù so cùng kỳ 2022, giảm về số lượng, vốn đăng ký... nhưng điều ấy cho thấy không phải toàn bộ doanh nghiệp trong nền kinh tế đều “lâm nguy”. Trong bối cảnh khó khăn này, vẫn còn không ít doanh nghiệp đủ sức chống chịu với khó khăn của thị trường, tiếp tục duy trì “sự sống” và có đủ cơ hội để phát triển.
Những con số “biết nói” ấy thể hiện nỗ lực của chính quyền địa phương và cơ quan quản lý. Yêu cầu hỗ trợ doanh nghiệp từ chính quyền đã được thực thi. Các cơ quan quản lý tùy chức năng đã tham gia vào chiến lược hỗ trợ doanh nghiệp.
Các cuộc kết nối giao thương, giới thiệu, quảng bá hình ảnh doanh nghiệp, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, hướng đến xuất khẩu tại các thị trường trọng điểm, thông qua các diễn đàn, hội nghị tại quốc tế hay nội địa đã được mở.
Những buổi tiếp giải quyết các kiến nghị của doanh nghiệp liên quan đến xây dựng, giải phóng mặt bằng, giá thuê đất, thủ tục đầu tư... hoặc những khó khăn của doanh nghiệp bất động sản đã được nắm tình hình, kiến nghị cấp thẩm quyền xem xét, tháo gỡ cho doanh nghiệp.
Ông Hồ Quang Bửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh nói, thông qua các buổi tiếp doanh nghiệp, nhiều kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp được các ngành, địa phương giải quyết kịp thời và triệt để, tạo sự đồng thuận, tin tưởng và đánh giá cao trong cộng đồng doanh nghiệp Quảng Nam.
Việc kết nối doanh nghiệp tiếp cận gói tín dụng 40.000 tỷ đồng, lãi suất 2%/năm đạt dư nợ hỗ trợ lãi suất gần 134 tỷ đồng. Hệ thống tín dụng đã triển khai chương trình cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân...
Kết nối ngân hàng – doanh nghiệp có nhiều giải pháp hỗ trợ trực tiếp như tăng cường cho vay mới, cơ cấu lại nợ vay, giảm lãi suất cho vay, quy trình, thủ tục thuận tiện, minh bạch. Tất cả khoản cho vay từ nông nghiệp, nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, xuất khẩu... đều tăng (lần lượt là 2,99%, 2,35%, 44,33%, 48,37%...).
Ngành thuế đã tích cực giải quyết các thủ tục thuế cho doanh nghiệp một cách nhanh gọn, tiết kiệm thời gian, chi phí cho người nộp thuế. Các dịch vụ khai thuế điện tử, nộp thuế điện tử, hoàn thuế điện tử luôn đảm bảo đạt trên 95%.
Ngành thuế cũng nhanh chóng thực thi yêu cầu của Chính phủ về gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2023 với số thuế được gia hạn 214 tỷ đồng.
Hải quan đổi mới hỗ trợ cho doanh nghiệp bằng hình thức tham vấn, đối thoại trực tiếp qua nhóm chat trên phần mềm Zalo, kịp thời cung cấp thông tin, nắm bắt và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp về chính sách thuế, chính sách mặt hàng, thủ tục hải quan. Áp dụng tối đa các biện pháp quản lý rủi ro về hải quan, giúp doanh nghiệp giảm gánh nặng về thủ tục hải quan trong quá trình làm thủ tục xuất nhập khẩu của doanh nghiệp.
Ông Hồ Quang Bửu cho hay, không một ai đứng ngoài cuộc. Hỗ trợ doanh nghiệp thuộc trách nhiệm, chuyện phải thực hiện thường xuyên của chính quyền và cơ quan quản lý.
Chất lượng là tiêu chí hàng đầu
Ông Nguyễn Quang Thử - Giám đốc Sở KH&ĐT cho biết, chính quyền, cơ quan quản lý luôn đồng hành cùng doanh nghiệp trong việc tháo gỡ vướng mắc, kết nối các nhà đầu tư. Các cơ quan quản lý đã lên kế hoạch, giám sát tiến độ việc thực hiện hỗ trợ... cho thực sự hiệu quả.
Tổ công tác đặc biệt ra đời sẽ chỉ giải quyết các vấn đề có tính chất phức tạp, các vướng mắc, khó khăn, tranh chấp, khiếu nại kéo dài hoặc do vướng mắc, chồng chéo giữa các quy định pháp luật và các nội dung còn có ý kiến khác nhau giữa các sở, ban ngành, địa phương liên quan đến sản xuất kinh doanh hay quá trình triển khai các dự án đầu tư.
Tuy nhiên, sự có mặt của tổ này đã trở thành một kênh tương tác mạnh mẽ. Các cơ quan quản lý đã phân loại hàng trăm kiến nghị từ doanh nghiệp để có thể giải quyết hay báo cáo cấp trên thụ lý.
Sự khác biệt của kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp lần này là chấm dứt sự thiếu phối hợp, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm giữa các cơ quan công quyền, địa phương. Thể hiện rõ nhất là “những tiếng kêu” của các doanh nghiệp vận tải gặp khó khăn hơn 6 tháng qua vì “lệnh cấm” xe tải trọng hơn 5 tấn lưu thông trên đường 129 sẽ được gõ bỏ, chậm nhất vào tháng 9 năm nay. Chính quyền đã yêu cầu chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thành dứt điểm, kiểm định an toàn giao thông, nghiệm thu công trình để đưa vào vận hành đúng dự án được duyệt.
Chuyện của Công ty CP Đầu tư du lịch Hùng Cường (chủ đầu tư Khu du lịch sinh thái hồ Phú Ninh) đã phải ngừng hoạt động trò chơi trượt Zipline, mất nhiều năm, gõ cửa nhiều nơi để “xử lý” cho việc thuê 4m2 đất để dựng cáp tại đồi Đá Đen đã được UBND ra công văn yêu cầu Sở VH-TT&DL nghiên cứu giải quyết.
Hay như cuộc họp chiều 7/8/2023, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương liên quan rà soát, thống kê, tổng hợp để có thể xử lý những vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh kết cấu hạ tầng các khu, cụm công nghiệp.
Chính quyền Quảng Nam đã đặt việc hỗ trợ doanh nghiệp là một trong những trọng tâm để nâng cao điểm số, thứ hạng PCI, cải thiện môi trường đầu tư. Tuy nhiên, có thể khẳng định thành công của việc hỗ trợ doanh nghiệp nằm ở thái độ lắng nghe, chất lượng giải quyết.
Việc giải quyết có đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp hay không chứ không chỉ bằng những kết luận chung chung. Không có con số thống kê cụ thể về chuyện giải quyết các kiến nghị của doanh nghiệp đến đâu, như thế nào, thì nguy cơ dẫn đến sự “xói mòn” niềm tin vào hiệu lực chính quyền, cơ quan quản lý, dẫn đến một môi trường đầu tư lập lờ và những cuộc kiểm tra, khảo sát, đối thoại chỉ là hình thức.
Ông Phan Xuân Thanh – Tổng Giám đốc Công ty EMIC HOSPITALITY HỘI AN nói cộng đồng doanh nghiệp đã nhận ra sự khác biệt của một chính quyền phục vụ từ các sự thay đổi này. Quan trọng hơn, không phải nhiều hay ít cơ chế, chính sách, mà là một sự cam kết thời gian thực thi, tác động đến doanh nghiệp bằng sự minh bạch trên thực tế, bằng sự vào cuộc của cả hệ thống công quyền, trách nhiệm của những người thừa hành công vụ... thì mới có thể tạo ra sự thay đổi.