Thực hiện Đề án 06 ở Tây Giang: Tiện ích cho người dân vùng biên
Đơn giản, thuận tiện trong giao dịch hành chính thông thường, giảm đi lo ngại khi mất mát, hư hỏng giấy tờ là những ưu thế rõ rệt khi ứng dụng thẻ căn cước công dân (CCCD) và tài khoản định danh điện tử (VNeID) trên địa bàn huyện Tây Giang. Người dân vùng biên mong muốn mô hình này được nhân rộng ở địa bàn các xã...
Thuận tiện trong khám chữa bệnh
Đề án phát triển dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn 2030 (gọi tắt là Đề án 06) được Công an huyện Tây Giang tập trung triển khai thực hiện trong suốt thời gian qua theo chỉ đạo chung.
Ngày 21/6 vừa qua, đơn vị này đã phối hợp tổ chức ra mắt hai mô hình khám chữa bệnh và thực hiện thông báo lưu trú bằng thẻ CCCD và tài khoản VNeID. Chỉ trong thời gian ngắn, hai mô hình này đã chứng minh được nhiều tiện tích cho nhân dân, góp phần tháo gỡ các khó khăn, vất vả của người dân từ thời gian, tiền bạc, công sức đi lại.
Bị tai nạn trong lúc sửa sang nhà cửa, anh Riah Sư (người dân xã Gary, Tây Giang) phải đến Trung tâm Y tế huyện Tây Giang để khám, chữa bệnh. Chỉ mất vài phút, bằng thẻ CCCD tích hợp bảo hiểm y tế quét qua đầu đọc thẻ CCCD, các trường thông tin liên quan đến anh Sư đã được tự động điền vào.
Thủ tục đăng ký khám chữa bệnh rất nhanh chóng, thuận lợi. Anh Riah Sư cho hay, lần đầu tiên sử dụng cách thức này để khám chữa bệnh, song đã thấy được những lợi ích, không phải mất quá nhiều thời gian để khai báo các thông tin thủ công như trước đây.
“Với cách làm này, ngay cả những người già hạn chế về giao tiếp, không rành các thủ tục cũng có thể dễ dàng đăng ký khám chữa bệnh bằng thẻ bảo hiểm y tế (BHYT). Bà con cũng không mất nhiều thời gian để khai báo, chờ đợi làm thủ tục như trước đây” - anh Riah Sư chia sẻ.
Với người dân miền núi, việc bảo quản giấy tờ, trong đó có thẻ BHYT ít nhiều gặp khó khăn, nhiều người bị mất, bị hỏng thẻ trong quá trình lao động, sinh hoạt hàng ngày. Tích hợp thông tin, khám chữa bệnh bằng thẻ CCCD hoặc tài khoản VNeID đã xóa bỏ nỗi lo mất mát, hư hỏng thẻ BHYT truyền thống bằng giấy, tiết kiệm đáng kể thời gian cho nhân dân vùng biên.
Ngoài Trung tâm Y tế huyện Tây Giang, Phòng khám Đa khoa quân dân y đặt tại xã Axan cũng đã triển khai mô hình điểm sử dụng thẻ CCCD gắn chíp tích hợp BHYT trong khám chữa bệnh, trang bị đầu đọc thẻ phục vụ công dân khám chữa bệnh bằng thẻ CCCD gắn chip hoặc ứng dụng VNeID. Từ khi triển khai đến nay, đã có gần 700 trường hợp công dân khám chữa bệnh nội trú nhanh chóng được thông báo lưu trú và đăng ký khám chữa bệnh thông qua mô hình này.
Bác sĩ Alăng Sơn - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Tây Giang chia sẻ, phần lớn người dân đến khám chữa bệnh bằng thẻ BHYT đều đã được tích hợp thông tin vào CCCD, VNeID.
“Sau hơn một tháng triển khai, người dân có nhiều thuận lợi trong khám chữa bệnh. “Chúng tôi cũng bớt đi nhiều thời gian trong việc tra cứu, rà soát đối với thẻ BHYT bị mờ, nhòe thông tin do công tác bảo quản hạn chế. Thời gian khám chữa bệnh rút ngắn lại, bà con không chờ đợi lâu, nhân viên y tế cũng đỡ áp lực hơn” - bác sĩ Alăng Sơn nói.
Hỗ trợ khách lưu trú
Song song với mô hình khám chữa bệnh bằng thẻ CCCD gắn chip, ứng dụng VNeID, Công an huyện Tây Giang cũng đã hỗ trợ các cơ sở lưu trú thực hiện thông báo lưu trú bằng CCCD hoặc tài khoản VNeID.
Thay cho việc ghi chép thủ công, sau đó liên hệ công an sở tại để làm thủ tục và phải giữ lại giấy tờ cá nhân của công dân, các cơ sở lưu trú đã được cấp đầu đọc thẻ CCCD, từ đó thông tin nhanh chóng tích hợp và chuyển sang cho công an cơ sở kịp thời, thuận tiện.
Chị Võ Thị Ta Sa - quản lý nhà nghỉ Thân Bình (huyện Tây Giang) nói, ba tiện ích lớn nhất mà mô hình này mang lại là thao tác dễ dàng, độ chính xác cao, thời gian khai báo lưu trú rất nhanh.
“Trước đây, làm thủ công khá mất thời gian, phải giữ lại giấy tờ của khách, nhiều lúc khách quên lấy chứng minh thư, CCCD, phải liên hệ để nhờ chuyển trả khá mất thời gian, công sức. Bây giờ chỉ cần quét mã, mọi thông tin cần thiết đều được ghi nhận và tự động cập nhật gửi đến công an địa phương. Chúng tôi rất ủng hộ mô hình này” - chị Ta Sa chia sẻ.
Thiếu tá Ngô Văn Thìn - Phó Trưởng Công an huyện Tây Giang thông tin, với đặc thù địa bàn biên giới, địa hình cách trở, đời sống bà con còn nhiều khốn khó, việc áp dụng Đề án 06 thông qua hai mô hình thí điểm đã góp phần phục vụ tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp.
“Công an huyện Tây Giang đã xây dựng mô hình thông báo lưu trú tại 5/5 cơ sở lưu trú, triển khai khám chữa bệnh bằng CCCD và VNeID, được người dân và cơ sở lưu trú, trung tâm y tế và phòng khám quân dân y đánh giá rất cao. Với vai trò cơ quan thường trực của tổ công tác Đề án 06 trên địa bàn huyện, Công an huyện sẽ tham mưu nhân rộng mô hình khám chữa bệnh ra 10/10 xã ra toàn huyện, phục vụ tốt hơn cho nhu cầu người dân” - Thiếu tá Ngô Văn Thìn nói.