Mốc son lịch sử - Bài 1: "Chiếc nôi" của phong trào cách mạng
Cách đây tròn 90 năm, ngày 15/8/1933, tại làng Định Phước (xã Tam Nghĩa, huyện Núi Thành ngày nay), Phủ ủy Tam Kỳ được thành lập. Đây là sự kiện lịch sử có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong đời sống chính trị của nhân dân Tam Kỳ (gồm huyện Núi Thành, Phú Ninh và TP.Tam Kỳ ngày nay), đánh dấu mốc son chói lọi trong lịch sử đấu tranh cách mạng của nhân dân Quảng Nam. Phủ ủy Tam Kỳ với hạt nhân là Chi bộ An Hòa (được thành lập trước đó tại rừng dừa Đồng Dân, thôn Hòa Thuận, xã An Hòa, nay là thôn Thuận An, xã Tam Hải) được xem là “chiếc nôi” nuôi dưỡng phong trào cách mạng, tổ chức đấu tranh giành độc lập, giải phóng quê hương... Trên vùng đất cách mạng Núi Thành ngày nay, vẫn còn khắc ghi tinh thần đấu tranh bất khuất và lưu dấu những kỳ tích trong thời kỳ dựng xây quê hương!
BÀI 1: “CHIẾC NÔI” CỦA PHONG TRÀO CÁCH MẠNG
Ngày 3/2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời. Tại Quảng Nam, ngày 28/3/1930, Ban Chấp hành lâm thời Tỉnh Đảng bộ Quảng Nam ra thông cáo về việc thành lập Đảng bộ.
Sự ra đời của Đảng bộ tỉnh Quảng Nam đã giúp cho các địa phương, nhất là những thanh niên yêu nước, những đảng viên thuộc thế hệ đầu tiên kịp thời nắm bắt chủ trương, chuyển hướng hoạt động, thành lập các tổ chức đảng cơ sở nhằm đáp ứng yêu cầu của cách mạng.
Tháng 5/1930, tại chùa Ông (phường Phước Hòa, TP.Tam Kỳ), Chi bộ Đảng huyện Tam Kỳ được thành lập, gồm 3 đồng chí Hồ Bằng, Phan Kỉnh và Tư Định, do đồng chí Tư Định làm Bí thư, sau đó phát triển thêm đồng chí Khưu Thúc Cự và Hồ Đắc Thành vào Đảng.
Đến tháng 10/1930, tại Quảng Nam xảy ra cuộc khủng bố của giặc, chúng bắt giam nhiều đảng viên và quần chúng cách mạng, phá vỡ nhiều tổ chức cở sở đảng mới nhen nhóm thành lập.
Riêng ở Tam Kỳ, chi bộ chỉ có 5 đảng viên thì đã bị bắt và kết án 3 người, chi bộ phải tạm ngừng hoạt động, một số đảng viên còn lại tự liên lạc với nơi khác để tiếp tục lãnh đạo phong trào.
Sau vụ bể vỡ tháng 10/1930, phong trào cách mạng toàn tỉnh đang gặp nhiều khó khăn thì ở vùng An Hòa và các xã phía nam của Phủ Tam Kỳ được sự cổ vũ từ phong trào cách mạng Quảng Ngãi.
Đầu năm 1932, nhóm thanh niên cách mạng Bàn Than được đồng chí Hồ Đắc Thành, Phan Kỉnh ra tù về bắt liên lạc và chỉ đạo chuyển thành tổ “Cứu tế đỏ Bàn Than” (nơi bồi dưỡng quần chúng để kết nạp vào Đảng). Tổ gồm có 4 người, sau thời gian hoạt động tích cực, tổ “Cứu tế đỏ Bàn Than” đã thành lập được 14 tổ cứu tế đỏ ở các xã, với 70 hội viên.
Trước sự phát triển của các tổ chức “Cứu tế đỏ”, số lượng hội viên ngày càng đông, yêu cầu phải có một tổ chức đảng để lãnh đạo phong trào là nhu cầu bức thiết của cách mạng địa phương. Sau thời gian nắm bắt tình hình, đồng chí Võ Minh, Trần Học Giới bắt được liên lạc với Tỉnh ủy Quảng Ngãi, và được sự giúp đỡ nhiệt tình của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi, ngày 2/12/1932, tại rừng dừa Đồng Dân, thôn Hòa Thuận, xã An Hòa (nay là thôn Thuận An, xã Tam Hải), Chi bộ An Hòa được thành lập, lấy tên là “Quang Ánh Minh”; chi bộ gồm 3 đảng viên: Võ Minh, Trần Học Giới và Lương Hợp Phố, do đồng chí Võ Minh làm Bí thư; đến tháng 4 năm 1934, được công nhận chi bộ chính thức, do Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi trực tiếp chỉ đạo.
Trước sự tuyên truyền, vận động tích cực của các đảng viên trong Chi bộ An Hòa, nhất là tập trung xây dựng các tổ chức cứu tế đỏ, đến tháng 4/1933, Chi bộ An Hòa kết nạp thêm 6 đảng viên, phát triển 3 tổ đảng, giác ngộ được hàng chục thanh niên vào tổ chức Thanh niên Cộng sản Đoàn; tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân đấu tranh chống bọn lý hương, cường hào bóc lột, gian lận trong việc thu thuế, tăng thuế, bày vẽ tệ nạn “xôi thịt” cẩn biếu, cúng tế, mê tín, dị đoan…
Việc mở rộng phạm vị hoạt động của chi bộ cùng với phong trào đấu tranh công nhân nổ ra liên tục, Chi bộ An Hòa không đủ khả năng lãnh đạo, cần có một tổ đảng cao hơn, lãnh đạo phạm vi rộng hơn, nhất là yêu cầu thành lập lại Tỉnh ủy Quảng Nam để lãnh đạo trong toàn tỉnh.
Trước tình hình bức thiết và hội đủ điều kiện để thành lập một tổ chức đảng cao nhất của tỉnh; thực hiện sự chỉ đạo của Miền ủy miền Đông Nam bộ, đầu năm 1933, Chi bộ An Hòa tổ chức hội nghị tại rừng Định Phước (xã Tam Nghĩa) để kiểm điểm tình hình, bàn nhiệm vụ công tác mới của chi bộ.
Nhưng khi vào hội nghị, nội dung đã chuyển sang bàn và quyết định thành lập lại Tỉnh ủy lâm thời Quảng Nam (có thể xem đây là một lần đại hội thành lập Đảng bộ tỉnh Quảng Nam, sau vụ khủng bố tháng 5/1930), Tỉnh ủy lâm thời mới có ba đồng chí: Võ Minh - Bí thư, Lương Hợp Phố - phụ trách tuyên huấn và đồng chí Trần Học Giới - phụ trách liên lạc, đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Ban cán sự Đảng miền Nam Trung kỳ.
Được sự giúp đỡ, chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, chỉ trong thời gian ngắn ở các xã Xuân Quang (Tam Quang), Diêm Trường (Tam Giang), Vân Trai (Tam Hiệp), Phú Quý Đại (Tam Mỹ Đông), Thạnh Trung (Tam Mỹ Tây)… đã thành lập được chi bộ đảng để lãnh đạo quần chúng nhân dân.
Trước sự phát triển của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên và yêu cầu của phong trào cách mạng địa phương, Tỉnh ủy lâm thời Quảng Nam quyết định thành lập Phủ ủy lâm thời Tam Kỳ. Ngày 15/8/1933, tại rừng Định Phước (Tam Nghĩa), Phủ ủy lâm thời Tam Kỳ được thành lập, gồm các đồng chí Phan Truy, Nguyễn Phùng và Đào Thuần Thăng, do đồng chí Phan Truy làm Bí Thư.
Sự ra đời của Phủ ủy lâm thời Tam Kỳ là mốc lịch sử quan trọng, tạo điều kiện cho phong trào cách mạng ở địa phương vượt qua khó khăn, thử thách để phát triển, hòa cùng phong trào cách mạng chung của toàn tỉnh và cả nước.
--------------------
Bài 2: Những người con bất khuất
(Trong bài có sử dụng tư liệu của Ban Tuyên giáo Huyện ủy Núi Thành)