Ấn Độ "trải thảm đỏ" chào đón nhà sản xuất chất bán dẫn
(QNO) - Ấn Độ - quốc gia được mệnh danh cường quốc về công nghệ thông tin đang thực hiện một loạt chính sách ưu đãi để chào đón các nhà sản xuất chất bán dẫn.
Nhu cầu về chất bán dẫn gia tăng đáng chú ý trong những năm gần đây do các yếu tố như việc áp dụng rộng rãi công nghệ 5G, việc khai thác tiền điện tử ngày càng phổ biến đòi hỏi số lượng đơn vị xử lý cao hơn và những nỗ lực bền bỉ của chính phủ đối với việc số hóa.
Trong bài phát biểu tại lễ khai mạc hội nghị về công nghiệp chất bán dẫn Ấn Độ - Semicon India 2023 diễn ra tại thành phố Gandhinagar, bang Gujarat vào ngày 28/7 vừa qua, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tuyên bố các công ty công nghệ sẽ được hỗ trợ tài chính 50% để thành lập cơ sở sản xuất chất bán dẫn tại Ấn Độ.
"Khi Ấn Độ tiến lên trên con đường cải cách, những cơ hội mới sẽ được tạo ra. Ấn Độ đang trở thành một nhạc trưởng tuyệt vời cho các khoản đầu tư vào chất bán dẫn" - Thủ tướng Narendra Modi nói.
Ông Modi đồng thời cho biết Ấn Độ đang thiết lập toàn bộ hệ sinh thái để ngành công nghiệp bán dẫn phát triển trong nước. Trong đó, 300 trường cao đẳng ở Ấn Độ sẽ cung cấp các khóa học về thiết kế chất bán dẫn.
Bởi vậy, ngành công nghiệp bán dẫn sẽ chứng kiến sự tăng trưởng theo cấp số nhân ở Ấn Độ.
Theo các chuyên gia, Ấn Độ với dân số hơn 1,4 tỷ người và hệ thống giáo dục mạnh mẽ, có tiềm năng trở thành một cường quốc tài năng trong ngành công nghiệp bán dẫn và giúp giảm bớt tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng các chuyên gia lành nghề.
Theo trang web investindia.gov.in, những năm gần đây Ấn Độ có bước tiến đáng kể trong ngành công nghiệp bán dẫn và trở thành một trong những quốc gia hàng đầu với đội ngũ kỹ sư thiết kế bán dẫn có tay nghề cao. Số lượng kỹ sư Ấn Độ chiếm khoảng 20% lực lượng lao động thiết kế chất bán dẫn trên thế giới.
Trước đó, vào cuối năm 2011, Ấn Độ phê duyệt kế hoạch thu hút đầu tư vào ngành công nghiệp bán dẫn với các khoản ưu đãi trị giá 10 tỷ USD, trọng tâm là thu hút các công ty nước ngoài và phát triển các lĩnh vực mà quốc gia này đang có lợi thế.
Vào tháng 6 vừa qua, Micron - công ty của Mỹ chuyên sản xuất chất bán dẫn và các sản phẩm bộ nhớ thông báo đầu tư 825 triệu USD vào một nhà máy lắp ráp và thử nghiệm chip mới tại Gujarat. Đây cũng là nhà máy đầu tiên của Micron tại khu vực Nam Á. Tổng số tiền đầu tư cho nhà máy Micron sau đó lên tới 2,75 tỷ USD, trong đó, 50% từ ngân sách Chính phủ Trung ương Ấn Độ và 20% từ bang Gujarat.
Ấn Độ hiện là nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới tính theo tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Thị trường chất bán dẫn Ấn Độ hiện được định giá khoảng 23,2 tỷ USD và dự kiến đạt 80,3 tỷ USD vào năm 2028, tăng trưởng với tốc độ tăng trưởng kép hằng năm (CAGR) 17,1%.