Tìm cách đưa nền kinh tế "lội ngược dòng"
Hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất, nỗ lực triển khai thi công, tăng tỷ lệ giải ngân... để đưa nền kinh tế thoát khỏi suy thoái và mục tiêu hướng đến của địa phương. Đây là những vấn đề được đề cập nhiều nhất tại phiên họp UBND tỉnh thường kỳ tháng 7 và 7 tháng vào sáng ngày 3/8/2023 do Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phan Việt Cường và Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh chủ trì.
Song hành tăng, giảm
Báo cáo trình bày tại phiên họp UBND tỉnh thường kỳ tháng 7 đã cho thấy ít nhiều điểm sáng xuất hiện khi các động lực chính của tăng trưởng đã có dấu hiệu hồi phục. Chính sách giảm thuế trước bạ ô tô lắp ráp trong nước đã tạo tín hiệu tích cực cho thị trường, góp phần giảm áp lực, tạo tiền đề cho ngành công nghiệp chủ lực địa phương có đà hồi phục.
Cục trưởng Cục Thống kê Lê Quý Đạt cho biết, sản xuất công nghiệp khởi sắc trong tháng 6/2023 được tiếp nối khi nhiều doanh nghiệp nhận được đơn hàng mới. Sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp có xu hướng tích cực, khả quan hơn, khi có đến 38% số doanh nghiệp thông qua nhiều cuộc khảo sát dự báo những tháng còn lại của năm sẽ tăng trưởng mạnh mẽ hơn.
Thống kê của Sở KH-ĐT, một số sản phẩm công nghiệp chủ lực như cát tự nhiên, nước ngọt, thùng, hộp bằng bìa cứng, cấu kiện nhà lắp sẵn bằng kim loại, điện thương phẩm... tăng so với cùng kỳ.
Thương mại và dịch vụ có tốc độ tăng trưởng ổn định, thị trường đủ hàng hóa thiết yếu cung ứng, không thiếu hụt. Du lịch trở thành điểm sáng nhất trong bức tranh kinh tế địa phương với hàng loạt sự kiện. Doanh thu từ du lịch lữ hành hơn 194 tỷ đồng (tăng 228%), từ tham quan, lưu trú ước đạt hơn 5.170 tỷ đồng, tăng 114% so cùng kỳ năm trước.
Sản lượng hàng hóa, hành khách vận chuyển gia tăng với con số thống kê hơn 7,5 triệu lượt khách (tăng 40%) và 8,4 triệu tấn hàng hóa (tăng 18%). Vốn ngân hàng tiếp tục đổ vào nền kinh tế. Dư nợ cho vay các tổ chức tín dụng đạt 106.669 tỷ đồng, tăng 1,5% so với đầu tháng, tăng 8,49% so với đầu năm và dư nợ đã giảm 34,2% so tháng trước.
Những điểm sáng “hiếm hoi” ấy không đủ lực để vực dậy nền kinh tế đang suy thoái và chỉ số giá tiêu dùng tăng (3,93%) bởi giá lương thực, thực phẩm, điện, nước sinh hoạt, dịch vụ BHYT, xăng dầu đồng loạt gia tăng đã khiến nguồn lực chi trả của doanh nghiệp, người dân gia tăng.
Thống kê chỉ số hàng tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đang ở mức cao, tăng đến 65% so cùng kỳ năm trước. Nhiều nhất là ngành dệt tăng 286%, sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 380%, sản xuất xe có động cơ tăng 120%.
Tính riêng ngành công nghiệp chủ lực của Quảng Nam là sản xuất, lắp ráp ô tô có tỷ lệ hàng tồn kho bình quân ước đến cuối tháng 7/2023 lên đến 229% (tương ứng với hơn 13,9 nghìn chiếc ô tô các loại).
Ông Nguyễn Hưng - Phó giám đốc Sở KH-ĐT nói hàng tồn kho quá lớn đã khiến nhiều doanh nghiệp cắt giảm kế hoạch sản xuất để ưu tiên giải phóng hàng tồn nên chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 7 giảm đáng kể so với 6 tháng năm 2023 và cùng kỳ (giảm 16,9% so tháng trước). Chỉ số sử dụng lao động của doanh nghiệp công nghiệp giảm 0,3% so tháng trước và giảm 9,4% so với cùng kỳ năm trước.
Nỗ lực tối đa
Thu ngân sách và giải ngân vốn đầu tư công vẫn đang là điểm nghẽn, chưa có dấu hiệu tăng trưởng gì nhiều. Thu ngân sách ước đến hết tháng 7/2023 chỉ đạt 46% dự toán (thu nội địa 10.753 tỷ đồng (51% dự toán) và thu xuất nhập khẩu 1.600 tỷ đồng (28% dự toán). Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đến cuối tháng 7 chỉ đạt 25,6% (2.368,253 tỷ đồng).
Lượng lớn vốn có thể góp phần tạo ra sự tăng trưởng cho nền kinh tế hoặc chu chuyển dòng tiền cho doanh nghiệp đầu tư, xây dựng bị đứng trong ngân khố nhà nước. Số lượng doanh nghiệp tiếp tục rời bỏ thị trường có nguy cơ chưa dừng lại, khiến nền kinh tế chưa có chiều hướng nào để có thể vượt qua khó khăn.
Theo nhận định của UBND tỉnh Quảng Nam, mục tiêu tăng trưởng năm 2023 đạt hơn 9% sẽ là thách thức rất lớn. Tuy nhiên, vẫn có thể còn nhiều cơ hội để “lội dòng nước ngược”, có thể tăng trưởng dương.
Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường yêu cầu các cấp, ngành, địa phương chủ động theo dõi, bám sát thực tế để có thể tham mưu, điều hành linh hoạt, ứng phó kịp thời các tình huống phát sinh của nền kinh tế, tập trung triển khai hiệu quả đồng bộ các chính sách hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng năm 2023, không thể để âm, không thể để nằm trong tốp địa phương có tăng trưởng thấp nhất cả nước! Nỗ lực hết sức có thể để có thể tiêu hết vốn đầu tư, góp phần tăng trưởng.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh, doanh nghiệp suy giảm kéo dài, ảnh hưởng đến thu ngân sách, công ăn việc làm, rối loạn an ninh trật tự, khiếu nại gia tăng... Chính quyền, cơ quan quản lý cần tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trên tinh thần, tư duy cởi mở, giảm thiểu đến mức có thể sự suy giảm của nền kinh tế.
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh yêu cầu các cơ quan, địa phương nhanh chóng triển khai kế hoạch thực hiện một số chính sách, giải pháp, hỗ trợ doanh nghiệp phù hợp thực tế địa phương.
Gia tăng việc thi công, giải ngân dự án đầu tư, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường, tìm đầu ra tiêu thụ sản phẩm, kích cầu tiêu dùng trong nước, nhất là các sản phẩm đặc hữu của địa phương, của các doanh nghiệp nhỏ và vừa để họ có thể duy trì sự tồn tại và phân tích, rà soát các sắc thuế còn dư địa để đốc thu vào ngân sách nhà nước.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh, không thể kỳ vọng và cũng không thể nào tháo gỡ hết khó khăn của đầu tư công hay nền kinh tế, nhưng phải nỗ lực, tăng cường trách nhiệm để đạt các kế hoạch phát triển, tăng trưởng kinh tế đã đề ra. Ít nhất giải ngân vốn đầu tư công sẽ phải bằng tỷ lệ giải ngân bình quân của cả nước.