Mở rộng hợp tác, phát triển
Câu chuyện cũ được gợi nhắc, bà Bhling Thị Cơơm (61 tuổi, ở thôn Azứt, xã Bha Lêê, Tây Giang) vỡ òa cảm xúc. Vài năm trước, bà Cơơm là một trong 5 hộ khó khăn, bị ảnh hưởng bởi thiên tai của Tây Giang nhận được món quà hỗ trợ từ đơn vị kết nghĩa huyện Như Xuân (Thanh Hóa), giúp ổn định cuộc sống.
Thiên tai năm 2020, lũ từ nguồn tràn về khiến ngôi nhà tạm của bà Bhling Thị Cơơm bị ngập úng, hư hại nhiều tài sản. Những đe dọa tiềm ẩn khác cũng đến từ thiên tai, là sạt lở đất phía ta luy dương, phía sau ngôi nhà của bà.
Vậy là phải đi, kiếm nơi ở mới an toàn hơn. Nhưng, gia cảnh khó khăn, người chồng mất sau cơn bạo bệnh cách đây ít năm khiến kinh tế và tinh thần của gia đình suy sụp.
Giữa lúc “chưa biết làm thế nào” thì chính quyền địa phương họp xét chọn hộ bà Cơơm cùng vài hộ khó khăn khác bị ảnh hưởng thiên tai để hỗ trợ làm nhà, chuyển vị trí ở mới an toàn.
Có nhà mới, những đổi khác cũng dần hiện hữu. Bà Cơơm kết nối chị em phụ nữ đưa sản vật của vùng bày bán dọc tuyến đường Hồ Chí Minh, kiếm thêm thu nhập.
Số tiền dành dụm này, bà Cơơm góp thêm vào “quỹ riêng” giúp con trai trả dần nợ vay của gia đình, khi đối ứng xây dựng ngôi nhà lên đến vài trăm triệu đồng từ người thân và cộng đồng.
Aviết Rơi, con trai bà Cơơm nói, ngôi nhà này là động lực để gia đình phấn đấu, vươn lên thoát nghèo, xứng đáng với niềm tin của chính quyền địa phương.
Ông Briu Quân - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Tây Giang cho biết, sau thiên tai cuối năm 2020, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Như Xuân đã đến chia sẻ, động viên và trao 200 triệu đồng giúp Tây Giang khắc phục hậu quả mưa lũ.
Từ tình cảm đặc biệt này, địa phương xây dựng kế hoạch, giao các đơn vị xét chọn 5 hộ gia đình khó khăn, bị ảnh hưởng nặng nề bởi thiên tai để hỗ trợ cải thiện nhà ở, giúp ổn định cuộc sống. Mỗi ngôi nhà được hỗ trợ 40 triệu đồng từ món quà của huyện Như Xuân; đồng thời kết nối, vận động thêm nguồn lực giúp gia đình có điều kiện đối ứng.
“Người dân có nhà mới nên rất phấn khởi. Không còn lo ngại trước thiên tai, họ ra sức làm ăn, xem đó là cách để trả ơn những người đã giúp mình” - ông Quân chia sẻ.
Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Tây Giang - ông Zơrâm Buôn cho hay, trong chiến lược phát triển của địa phương, ngoài phát huy sức mạnh nội tại, Tây Giang hướng đến mở rộng kết nối, hợp tác xây dựng lộ trình phát triển phù hợp theo hướng bền vững. Trong đó, chú trọng hoạt động giao lưu, hợp tác, kết nghĩa giữa các địa phương, đơn vị trong và ngoài tỉnh, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã nội, đảm bảo quốc phòng an ninh.
“Mới đây, chúng tôi ký kết hợp tác với Như Xuân, một huyện miền núi của Thanh Hóa. Như Xuân và Tây Giang có nhiều sự tương đồng, vì thế câu chuyện gắn kết hợp tác đầu tư được kỳ vọng sẽ phát huy hiệu quả, tạo động lực giúp hai địa phương phát triển toàn diện ở nhiều lĩnh vực” - ông Buôn nói.
Chạm mốc 20 năm tái lập, Tây Giang đang cho thấy tiến trình xây dựng và phát triển có nhiều khởi sắc, phù hợp với chiến lược chung của tỉnh. Phá dần thế “đơn độc” của vùng biên viễn, những năm qua, địa phương nỗ lực kết nối, tạo dấu ấn trong hợp tác đầu tư, phát triển với từng câu chuyện cụ thể, mang đầy triển vọng. Đây được xem là định hướng mới, đáp ứng nhu cầu, tiềm năng và cơ hội phát triển của Tây Giang trong chặng đường tiếp theo.
“Phát huy tinh thần hợp tác phát triển, thời gian tới, chúng tôi sẽ xây dựng cơ chế đầu tư các mô hình kinh tế nông nghiệp tại bản Abưl (huyện Kà Lừm, tỉnh Sê Kông, Lào), giúp bạn có cơ hội phát triển, ổn định cuộc sống, góp phần đảm bảo nhiệm vụ quốc phòng - an ninh khu vực biên giới” - ông Buôn nhấn mạnh.