Như dáng pơmu...
Gian khó như một thứ “lửa” để trui rèn bản lĩnh, ý chí và sự kết đoàn. Sau bao mưa nắng bão dông, người Tây Giang đã kiên cường đối mặt với bộn bề thách thức, để vươn lên đón lấy vận hội mới cho mảnh đất vùng biên. Bao thế hệ đã nỗ lực từng ngày, như cái cách cây pơ mu bám rễ mà sừng sững vươn cao, góp nên màu xanh thắm giữa rừng già...
Từ trong niềm nhớ
Hằn khắc trong ký ức, là kỷ niệm của ngày 8/9/2003, khi cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang huyện Tây Giang cùng nhau ngược núi. Cuộc đi, chính xác hơn là cuộc trở về với quê núi của rất nhiều người trong số họ. Một sứ mệnh mới bắt đầu: xây dựng và phát triển huyện Tây Giang, từ khởi đầu ban sơ với rất nhiều “con số không” và không ít khó khăn đang hiện hữu.
Ngay ngã tư trung tâm xã Lăng bây giờ vẫn còn một ngôi nhà nhỏ, là trụ sở làm việc của Huyện ủy lâm thời Tây Giang ngày đầu tái lập. Hoa giấy nở tím sân, những phòng làm việc đơn sơ vẫn còn được giữ lại, nhắc nhớ nhiều kỷ niệm.
Ngày ấy, không riêng trụ sở của Huyện ủy lâm thời, các cơ quan của huyện phải mượn trụ sở, mượn trường học, trạm y tế và nhờ đến sự giúp đỡ, bảo bọc của các hộ dân thôn Arớh (xã Lăng) để làm nơi làm việc trong khi chờ xây dựng trung tâm hành chính mới. Mọi thứ bắt đầu từ ngổn ngang.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, quân và dân Tây Giang đã đóng góp 180.557 ngày công tải đạn, tải thương; 5.200 tấn lương thực nuôi quân, hàng trăm nghìn gia súc, gia cầm; đánh thắng 718 trận lớn nhỏ, tiêu diệt 2.136 tên địch, bắt sống 1.034 tên, bắn rơi 58 chiếc máy bay các loại, thu 1.415 khẩu súng. Toàn huyện có 122 liệt sĩ, 1.101 thương binh, bệnh binh và hàng nghìn người có công với cách mạng, bị nhiễm chất độc da cam…
Tây Giang vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; 9/10 xã Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; 8 Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; 6 Bà mẹ Việt Nam anh hùng; được tặng thưởng 1 Huân chương Lao động hạng Ba, 2 Huân chương Lao động hạng Nhì và nhiều phần thưởng cao quý khác.
Một niềm rưng rức nhớ dậy lên trong lòng ông Pơloong Nấp - nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Tây Giang ngày ấy. Kể sao hết những gian khó, nhưng điều họ nhớ nhất, vẫn là ân tình của bà con, là sự tận tụy và nhiệt tâm của những người trở đầu ngược núi.
Xuất phát điểm thấp, không đường, không điện, không chợ búa, không thông tin liên lạc, mọi thứ tạm bợ. Ngân sách huyện mang lên từ huyện Hiên (cũ) lúc bấy giờ chỉ vỏn vẹn 92,56 triệu đồng, cán bộ huyện như người đi rừng đứng trước cánh rẫy xa lạ, phải bắt đầu từ việc tự lo lấy một mái duông cho mình và miệt mài làm việc...
Ông Pơloong Nấp nói, nếu không có cái tình, tấm lòng của bà con, không có sự đồng lòng, đoàn kết, hẳn không có những bứt phá của ngày hôm nay, không có một Tây Giang đầy bản sắc, thắm màu xanh của hiện tại.
Cuối năm 2005, các cơ quan mới lần lượt di dời về trụ sở mới tại thôn Agrồng (xã A Tiêng). Khởi đầu của những khởi đầu, là công tác cán bộ.
Nếu như năm 2003, toàn huyện chỉ có 23 tổ chức đảng, với 487 đảng viên thì con số hiện tại là 47 tổ chức đảng, với 2.196 đảng viên, tỷ lệ đảng viên trên tổng dân số hơn 10,20%. Cán bộ ngày càng được tinh chọn, có đầy đủ phẩm chất chính trị, trí tuệ, bản lĩnh, dám dấn thân.
Nhiều năm qua, Tây Giang tập trung đưa cán bộ về cơ sở, trui rèn đội ngũ kế cận từ thực tiễn đời sống, để mỗi cán bộ thực sự có thể lắng nghe dân. Công tác đào tạo, nâng chuẩn được chú trọng.
Một trong những dấu ấn của huyện miền núi này là trình độ chuyên môn đại học và sau đại học của cán bộ, công chức viên chức đang công tác tại các cơ quan, ban ngành, đoàn thể lên đến hơn 87%, với 96 cán bộ công chức có trình độ sau đại học, và đáng mừng hơn là trong số này có đến 54 người đồng bào dân tộc Cơ Tu.
Ông Bhling Mia - Bí thư Huyện ủy Tây Giang chia sẻ, qua đổi thay về lịch sử, tên gọi, địa giới hành chính, nhưng Tây Giang vẫn là phên giậu phía tây bắc Quảng Nam, vùng lõi của dãy Trường Sơn, nơi lưu giữ nền văn hóa vật thể, phi vật thể quý giá.
Người Tây Giang bao đời nay vốn siêng năng, cần cù, sáng tạo, sẵn sàng đương đầu với khó khăn, thử thách, khát vọng vươn lên làm chủ cuộc sống, làm chủ thiên nhiên và núi rừng.
Trong kháng chiến, bà con đồng lòng theo Đảng và Bác Hồ, cống hiến cho cách mạng. Lịch sử ấy, công lao ấy không bao giờ nhạt phai, tiếp tục bừng lên ngọn lửa soi đường, dẫn lối cho con cháu tiếp bước cha ông, viết tiếp những khát vọng...
Sắc thắm đại ngàn
Có thêm nhiều đêm hội cồng chiêng ngân vang khắp núi rừng, khi đời sống đã sáng màu no ấm. Những cánh đồng bậc thang xanh mướt mát trải dài, nhiều mô hình phát triển kinh tế hiệu quả cao đã giúp bao gia đình thoát khỏi đói nghèo, vươn lên trong cuộc sống. Tây Giang bắt đầu có nhiều HTX hình thành, tạo chuỗi liên kết sản xuất. Cuộc “cách mạng” từ xây dựng nông thôn mới giúp diện mạo của vùng cao đổi thay rõ rệt.
Ông Mạc Như Phương - Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang thông tin, bằng nhiều nguồn lực, Tây Giang đã tích cực lồng ghép để phát triển các mô hình sinh kế gắn với giảm nghèo. Cơ sở hạ tầng ngày càng được quan tâm đầu tư, đáp ứng nhu cầu phát triển.
“Ám ảnh về con đường đất nắng bụi mưa bùn lên trung tâm hành chính huyện ngày cũ đã lùi xa. Đến nay, toàn huyện có hơn 450km đường ô tô, các xã đều có đường nhựa dẫn đến trung tâm xã; hơn 98% số thôn sử dụng điện lưới quốc gia.
Đời sống nhân dân được cải thiện đáng kể, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh, từ 84,62% năm 2003 xuống còn 58,38% (theo chuẩn mới); thu nhập bình quân đầu người tăng gấp 19 lần. Nguồn thu ngân sách tăng gấp 38,5 lần, tổng huy động vốn đầu tư phát triển năm 2022 485 tỷ đồng, tăng 30,6 lần so với năm 2003” - ông Phương cho hay.
Bên cạnh điểm sáng về sắp xếp, bố trí dân cư, là “kiểu mẫu” cho nhiều huyện miền núi, Tây Giang cũng là điển hình trong bảo vệ và phát triển rừng. Phương châm nhất quán của địa phương là “Rừng còn Tây Giang phát triển, rừng mất Tây Giang suy vong”. Mỗi người dân như một chiến sĩ giữ rừng trung thành và trách nhiệm.
Nhờ đó, Tây Giang giữ được màu xanh thắm khắp các bản làng, với 73% diện tích toàn huyện là rừng tự nhiên được bảo tồn, gìn giữ. Trong đó, có cánh rừng di sản pơ mu, rừng lim, rừng đỗ quyên cùng với sự đa dạng của hệ động thực vật quý hiếm...
Bên bếp lửa, già làng vẫn rầm rì câu nói lý, hát lý kể cho cháu con những đổi thay ngoạn mục của vùng biên. Già làng Clâu Blao (xã Tr’Hy) nói, cuộc sống của ngày hôm nay là “giấc mơ” đã thành hiện thực của bao người thế hệ ông.
“Một thời sống với cái đói, cái nghèo, với nỗi lo bệnh tật, bây giờ mọi thứ đã có cả rồi. Trường học, trạm y tế, điện, đường, Đảng, Nhà nước quan tâm đến từng nhà, từng người, không một ai thiếu đói, không một ai bị bỏ quên dù ở xa xôi như thế nào đi nữa.
Ngay cả đồng bào Cơ Tu ở các cụm bản Lào cũng được tạo điều kiện để khám chữa bệnh, được tặng gạo, tặng quà. Mà vui nhất là gươl vẫn được giữ, là các tập tục đẹp được lưu truyền, bảo tồn cho con cháu. Đó là cái ơn lớn, là niềm tự hào của bao người dân Tây Giang hôm nay” - già Blao tâm sự.
“Những thành tựu đã đạt được sau 20 tái lập là niềm tự hào, là nền tảng vững chắc tạo tiền đề, sức bật cho huyện phát triển những năm tiếp theo. Tròn 20 năm đã qua, với nhiều thành tích đáng mừng, Tây Giang từng bước phát triển, dần thoát khỏi huyện nghèo để vươn lên thành huyện phát triển khá của tỉnh, giữ vững phên dậu biên cương của Tổ quốc.
Chặng đường phía trước, cán bộ, nhân dân huyện Tây Giang quyết tâm tiếp tục đoàn kết, đồng lòng, thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nghị quyết đề ra, để hiện thực hóa một khát vọng Tây Giang - phát triển xanh, bền vững” - Bí thư Huyện ủy Tây Giang Bhling Mia nhấn mạnh.