Tiên Phước đạt giá trị thu nhập từ kinh tế vườn, kinh tế trang trại 156,3 triệu đồng/ha
(QNO) - Đánh giá thực hiện nhiệm vụ đột phá về phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đảng bộ huyện lần thứ XVII (2020 – 2025), Huyện ủy Tiên Phước cho biết, tổng diện tích vườn đạt được 6.314 ha/7.000ha, tăng 432 ha so với đầu nhiệm kỳ, đạt 90% chỉ tiêu nghị quyết đề ra.
Có 1.286 hộ được hỗ trợ phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại với tổng kinh phí 39.286 triệu đồng. Toàn huyện có 47 trang trại đạt tiêu chí theo quy định, 35 vườn được công nhận đạt tiêu chí vườn mẫu cấp huyện, 450 vườn đạt tiêu chí xanh - sạch - đẹp hiệu quả.
So với đầu nhiệm kỳ, diện tích các loại cây trồng chủ lực tăng lên đáng kể, như cây măng cụt đạt 590ha/1.000ha, tăng 359ha; sầu riêng đạt 119ha/250ha, tăng 55ha; bưởi da xanh đạt 120ha/300ha, tăng 70ha; cây cau đạt 953ha/350ha, vượt chỉ tiêu đề ra.
Diện tích vườn được cải tạo, đầu tư, thâm canh nâng cao năng suất, sản lượng, hiệu quả kinh tế tăng từ 3.984 ha (năm 2020) lên 4.844 ha (năm 2022), đạt 77% so với diện tích vườn hiện có. Giá trị thu nhập từ kinh tế vườn, kinh tế trang trại tăng từ 120 triệu đồng/ha (năm 2020) lên 156,3 triệu đồng/ha (năm 2022). Nhiều mô hình đem lại hiệu quả kinh tế cao như sầu riêng, măng cụt, cam, cau thu được từ 200-250 triệu đồng/ha/năm. Toàn huyện có 38/54 hợp tác xã nông nghiệp hoạt động hiệu quả; 600 vườn tham gia sản xuất theo chuỗi giá trị.
Cũng theo Huyện ủy Tiên Phước, toàn huyện có 15 sản phẩm OCOP xếp hạng 4 sao và 21 sản phẩm xếp hạng 3 sao, dẫn đầu toàn tỉnh về số lượng và chất lượng sản phẩm (so với đầu nhiệm kỳ có thêm 9 sản phẩm được công nhận, gồm 5 sản phẩm 4 sao và 4 sản phẩm 3 sao).
Trong đó, có 2 sản phẩm OCOP có nguồn gốc nguyên liệu từ kinh tế vườn, kinh tế trang trại. Các chủ thể tham gia Chương trình OCOP đã ứng dụng công nghệ trong sản xuất, chế biến, áp dụng quy chuẩn sản xuất chất lượng VIETGAP, HACCP, ISO... áp dụng chuyển đổi số trong công tác xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.