Hiểu đúng về từ "đặc hữu"
Thời gian qua, trên các diễn đàn du lịch, từ “đặc hữu” được sử dụng khá nhiều. Du lịch đặc hữu được xem là lựa chọn quan trọng trong định hướng phát triển du lịch các địa phương.
Trong tiếng Việt, “đặc hữu” là một từ Hán Việt. Chữ “đặc” đọc âm từ chữ Hán, gồm một bộ ngưu (con trâu) và chữ đãi (dẫn đi, hướng đi) làm âm đọc, cũng có nghĩa là cách thức.
Người xưa ngụ ý, việc thuần hóa trâu rừng hay các động vật hoang dã khác phải dựa vào tính cách riêng của chúng, cũng như việc điều khiển con vật sau thuần hóa tùy thuộc vào cách thức của người chủ.
Do đó, “đặc” có nghĩa là riêng khác, không giống nhau. Chữ “hữu”, trong chữ Hán có nhiều chữ khác nhau, phổ biến nhất là ba chữ có nghĩa không tương đồng, gồm chữ hữu là bên phải, chữ hữu là bạn bè và chữ hữu là có.
Với từ “đặc hữu”, nghĩa chữ hữu dùng sẽ là có và nghĩa từ này là riêng có, duy nhất có… Đây không phải là một từ phổ biến, được dùng theo nghĩa chuyên ngành và trong lĩnh vực hẹp là chính.
Du lịch đặc hữu là một khái niệm không mới, nhưng ít được biết đến do tính cá biệt của nội dung biểu hiện. Khái niệm này chỉ vào một mảng đề tài khai thác chuyên môn hóa, có chiều sâu của hoạt động du lịch, khai thác du khách.
Nếu xem du lịch là một mảng hoạt động rộng, gồm nghĩa đi lại, trải nghiệm, thưởng thức những giá trị, thông tin mới lạ, hấp dẫn, hoặc gây cảm xúc cho du khách, thì du lịch đặc hữu yêu cầu khoanh vùng nhỏ hẹp hơn và cá biệt hơn.
Phần đông du khách khi đi du lịch, sẽ đơn giản tiếp cận những điểm đến tham quan chung chung, có thể đơn giản chỉ tạo cảm xúc vui vẻ, sự thoải mái, thỏa mãn phần nào tính hiếu kỳ, như tham gia một kỳ nghỉ chẳng hạn.
Còn du khách tìm hiểu du lịch đặc hữu sẽ được chọn lọc hơn, hướng dẫn thời gian tìm hiểu kỹ hơn, sâu hơn về điểm đến được trải nghiệm, được yêu cầu khám phá những điều mới mẻ, riêng biệt độc đáo mà chuyến đi du lịch cho phép tiếp cận.
Trong giai đoạn đầu tiên phát triển, mở rộng môi trường du lịch, hướng đến tính cộng đồng, phổ quát lan tỏa, ngành du lịch sẽ chỉ nhắm vào phân khúc sản phẩm chung, đơn giản, giải quyết nhu cầu đi lại thưởng thức của mỗi người.
Du lịch vì thế sẽ chỉ có những tour tuyến, sản phẩm thuần túy, phổ thông. Song sau một giai đoạn phát triển, điểm đến du lịch không còn mới, tính mới lạ không nhiều, du lịch cần đi sâu khai thác những giá trị tiềm ẩn, gắn với các giá trị văn hóa truyền thống, lịch sử bản địa, những vấn đề địa phương hóa, nhất là những câu chuyện, sự kiện, địa chí riêng có của địa bàn. Đó là hướng khai thác các giá trị đặc hữu của địa phương.
Riêng với địa phương Quảng Nam, những giá trị đặc hữu của các vùng đất, kể từ phong tục lễ lạt, văn hóa giao tiếp, đến các món ẩm thực, ngôn ngữ phong cách… rất đa dạng và độc đáo, là cả một kho tàng mà du lịch đặc hữu có thể khai thác. Hiểu nghĩa đúng về từ đặc hữu, theo đó có thể giúp lý giải và làm sáng tỏ hơn những nội dung, vấn đề mà ngành du lịch địa phương và tại các điểm đến đang quan tâm.