Qua tiếng quẫy nước... ở Kẽm

XUÂN HIỀN 29/07/2023 06:21

Chờ đợi. Rồi hy vọng. Bao nhiêu năm nay, Hòn Kẽm Đá Dừng - thắng cảnh ở đầu nguồn Thu Bồn vẫn xanh mê mải và bảng lảng khói sương, trong khi người quanh đó lặng lẽ chờ cuộc trở mình. 

Hòn Kẽm Đá Dừng đoạn qua địa phận xã Hiệp Hòa, huyện Hiệp Đức. Ảnh: H.H
Hòn Kẽm Đá Dừng đoạn qua địa phận xã Hiệp Hòa, huyện Hiệp Đức. Ảnh: H.H

1. Sóng dập dềnh. Một đụn cát dài ánh lên trong nắng chiều tà. Mặt trời buông giữa khe núi. Chúng tôi ngỡ mình lạc cảnh tiên. Không gian lặng đến nỗi tiếng thở dài rất khẽ vẫn chạm vào lòng người đối diện. Giữa hai dãy núi, dòng sông len lỏi.

Một mạch núi như bắt đầu ngay ở đoạn này, uốn lượn từng đoạn. Và dòng sông cũng như mở khép cùng từng đoạn cong của vách núi non, nhẩn nha mơ màng. Từng bãi bồi làng mạc dần tỏ. Màu xanh ngát của núi sông bàng bạc pha lẫn vào làng mạc ven bờ. 

Cảnh trí quá thi vị. Dân gian chốn này vẫn kể nhau nghe truyền thuyết về dòng sông thiêng - dòng sông len lỏi qua hai vách đá của vùng thượng nguồn. Khúc sông này, cho đến bây giờ vẫn còn đó những phiến đá với văn khắc ký tự Champa.

Người làng Thạch Bích (Quế Lâm) biết đất dưới chân mình đã có những hành trình kỳ diệu, từ những gì người Champa cổ để lại. Đây cũng là nơi bắt đầu để người ta mường tượng về vệt văn hóa Thu Bồn - Champa.

Một “vết tích Chăm từ nguồn xuống biển” với những lát cắt văn hóa đa dạng, cùng chứng tích còn lại là số lượng bia ký, văn khắc, sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng dân gian, đã đủ để thấy bề dày của vùng đất thượng nguồn.

Còn nhớ trong chuyến điền dã mà chúng tôi may mắn được tham dự cùng các nhà khảo cổ, ngay đoạn Hòn Kẽm Đá Dừng này, những tiếng reo vui cất lên trong chiều hè khi đoàn người tìm thấy các bia ký Chăm được khắc chạm tỉ mỉ. Những phiến đá nằm trong tầng văn hóa của nó, để quá khứ lần hồi giở ra, cho cuộc đất ngàn xưa.

Các nhà nghiên cứu lục lại câu chuyện sinh hoạt tín ngưỡng của cư dân làm nghề chài lưới dọc thượng nguồn Thu Bồn. Để vỡ lẽ rằng ít nhiều đều có những tiếp nối, dù đôi chuyện đã lạt phai, đôi giá trị đã biến đổi theo xoay trở của thời cuộc.

Ông Võ Văn Thắng - khi ấy là Giám đốc Bảo tàng Chăm Đà Nẵng cho biết rằng, các dấu vết in đậm trong đời sống văn hóa đương đại của cư dân vùng Quảng Nam và Đà Nẵng bộc lộ sự cộng cư, tiếp xúc lâu dài giữa cư dân Champa và Đại Việt thế kỷ 15 trở về sau.

Trong đó, các kỹ năng khai thác nguồn lợi và giao thương buôn bán tạo nên đặc trưng văn hóa của vùng đất vốn là nơi tiếp xúc của các nền văn minh lớn trong lịch sử, thì những dấu tích tại vùng thượng nguồn này là minh chứng cho điều đó. 

Ở khu vực Nông Sơn, Hòn Kẽm Đá Dừng đang được hỗ trợ để kết nối cùng một số điểm du lịch như làng Đại Bình, Vườn cây ăn trái Phan Ngọc Anh... để hình thành tour du lịch xanh khu vực phía tây Duy Xuyên. Ảnh: M.T
Ở khu vực Nông Sơn, Hòn Kẽm Đá Dừng đang được hỗ trợ để kết nối cùng một số điểm du lịch như làng Đại Bình, Vườn cây ăn trái Phan Ngọc Anh... để hình thành tour du lịch xanh khu vực phía tây Duy Xuyên. Ảnh: M.T

2. Nhưng câu chuyện ẩn chứa của lịch sử và văn hóa chưa đủ sức để đất này bớt khó. Bắt đầu năm 1986, sau khi một phần của huyện Quế Sơn được tách ra để thuộc về huyện Hiệp Ðức, Hòn Kẽm Ðá Dừng mang thêm chức vị mới, làm ranh giới của hai huyện Nông Sơn và Hiệp Đức. Nhưng người dân Trà Linh, Tí, Sé, Dùi Chiêng hay Cấm La, Nà Lau thì hình như vẫn nghĩ mình là dân Hòn Kẽm, mỗi khi xưng danh với ai đó.

Ông Hoàng Văn Hùng - Phó Chủ tịch UBND huyện Hiệp Đức nói, danh thắng Hòn Kẽm Đá Dừng nằm ở huyện Hiệp Đức phần nhiều thuộc thôn Trà Linh Đông, xã Hiệp Hòa. Dân cư quanh đây bao đời nay dựa vào nghề sông và đồng bãi quanh Hòn Kẽm để sinh sống.

Chính quyền cũng chưa từng phải nhắc họ về câu chuyện phá vỡ cảnh quan danh thắng với hoạt động đánh cá bằng xung điện, hút cát hay những hoạt động phạm pháp khác. Bởi dòng sông cùng ngọn núi sừng sững kia, là thiêng liêng với từng người.

Ông Võ Văn Lai (người dân thôn Trà Linh Đông) nói, bao đời nay, miếng nước uống cũng từ Hòn Kẽm gánh về. Con cá, con tôm ở sông là nguồn lợi nuôi sống bao người. Trời đã cho họ thiên nhiên trong lành, thì cơn cớ gì phải đánh đổi chỉ vì vài nguồn lợi trước mắt. 

Với đoạn Kẽm ở Nông Sơn, đã có nhiều hơn những khu vườn ăn trái của người dân Quế Lâm thu hoạch mỗi mùa. Ngay cả Cấm La, Nà Lau bây giờ cũng kéo lại gần hơn với Trung Phước.

Không còn hoang vu, mờ mịt hay xa ngái. Điện đã về tận nóc nhà cuối cùng. Đường bê tông chạy dọc theo những ngọn đồi, theo cả vào con suối ngay chân núi. Nhưng hồ như có tiếng thở dài rất khẽ của người lái đò đưa khách từ cầu treo Quế Lâm lên Hòn Kẽm. Bởi sinh kế của người dân xứ này vẫn là rừng và nghề sông.

Đã có nhiều cuộc hành trình khác, thay vì những chuyến vào rừng và những sáng chiều bủa lưới. Cuộc sống khắc nghiệt hơn với thu nhập chỉ dựa vào thiên nhiên, đặc biệt với người trẻ. Những cuộc thiên di mỗi năm mỗi dằng dặc chuyện trở về. Trai tráng ra đi. Đàn bà cũng kiếm cho mình con đường để đi.

Tôi vẫn nhớ những chuyến xe đưa đồng hương Quế Sơn - Nông Sơn trở về từ Sài Gòn. Phần đông vẫn là người dân các xã vùng thượng nguồn. Là phụ nữ đi giúp việc. Là thanh niên đi làm công.

Quê hương dẫu đổi thay rất nhiều nhưng vẫn chưa đủ lực để giữ người ở lại. Dẫu họ đã bỏ công khai hoang đất rừng từ hơn 30 năm trước, nhưng những con đất rướm mồ hồi và cả máu kia, vẫn chưa đủ để tạo một an ổn trước tương lai của nhiều thế hệ. 

Ảnh: Dũng TK
Ảnh: Dũng TK

3. Bà Nguyễn Thị Thu Thủy - Phó Chủ tịch UBND huyện Nông Sơn cho biết, một hướng đi mới tận dụng lợi thế vườn đồi của Quế Lâm đang được địa phương tính toán. Sẽ có 1 dự án trang trại chăn nuôi gia súc ứng dụng công nghệ tiên tiến rộng 40ha ở thôn Phước Hội (xã Quế Lâm).

Trong đó, quy hoạch khu chăn nuôi tập trung hơn 10ha và vùng nguyên liệu thức ăn hơn 29ha. Cùng với dự án này, kích hoạt phát triển du lịch từ lợi thế cảnh quan của danh thắng Hòn Kẽm Đá Dừng cũng là ấp ủ của địa phương. Những định hướng này là niềm hy vọng để Quế Lâm vượt thoát khó nghèo. 

Chừng 15 năm nay, Nông Sơn đón không ít các đoàn famtrip, lữ hành để cùng chờ đợi hướng mở du lịch cho vùng đất khó. Thậm chí, để có thể tạo điểm nhấn giúp việc đón khách trở thành hiện thực, nhiều đêm, bà Thủy họp dân, vận động dân làm hàng rào xanh, cải tạo không gian quanh nhà.

Tất cả, chỉ để địa phương đồng lòng tiến tới việc phát triển du lịch theo hướng sinh thái, trải nghiệm, du lịch xanh. Nhưng làm dịch vụ không thể chỉ phụ thuộc vào mỗi cảnh quan và con người bản địa.

Ông Nguyễn Như Nam - Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Việt Nam TravelMart nói, về phía doanh nghiệp, họ cần sản phẩm phong phú hơn, bao gồm các mô hình homestay ở khu vực “chill” như vùng ven sông, hoặc có thể phát triển du lịch camping với sự đảm bảo về an toàn từ phía địa phương, cũng như có thể trải nghiệm các hoạt động của cư dân bản địa... Đây là điều đặt ra cho Nông Sơn khi chỉ mới có cảnh quan đẹp!

Câu chuyện liên kết giữa các địa phương được đặt ra, khi ngành du lịch tỉnh dự tính hình thành tour tuyến nối từ Duy Xuyên lên Nông Sơn. Ông Văn Bá Sơn - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL cho rằng, riêng đối với chủ trương phát triển du lịch của Nông Sơn, để khai thác hiệu quả cảnh quan “trời cho”, những người có trách nhiệm ở địa phương cần phải viết nên một câu chuyện về du lịch Nông Sơn trên cơ sở văn hóa, tập quán, phong tục của người dân.

Từ phía địa phận Hiệp Đức, ông Hoàng Văn Hùng - Phó Chủ tịch UBND huyện nói, đưa Hòn Kẽm Đá Dừng trở thành điểm đến du lịch là mong ngóng nhiều năm nay của chính quyền lẫn người dân. Nhưng cho dù đã có rất nhiều doanh nghiệp, thậm chí tập đoàn lớn đặt chân về khám phá, sau mỗi chuyến đi họ lại bặt vô âm tín.

“Lãnh đạo tỉnh đã về Hòn Kẽm ở Trà Linh và giới thiệu cho cả doanh nghiệp lớn. Nhưng rồi cũng không thấy họ hồi âm. Địa phương đau đáu chuyện làm sao để phát triển du lịch sinh thái ở Hòn Kẽm nhiều năm nay nhưng vẫn lẩn quẩn không tìm ra hướng đi” - ông Hoàng Văn Hùng nói. 

Nhưng từ khi tái lập huyện đến nay, hai địa phương Nông Sơn và Hiệp Đức vẫn lỡ cuộc hẹn để cùng nhau bàn hướng khai thác du lịch cho danh thắng chung... Dẫu dòng sông và ngọn núi kia luôn dựng trời cho nguồn nước lớn mải miết về xuôi, cho mầm hy vọng cứ quẫy cựa trong lòng người dân, mỗi bận có đoàn khách theo tiếng ghe máy vang động khi ngược nguồn...

XUÂN HIỀN