Kinh tế - xã hội Quế Sơn nửa nhiệm kỳ 2020 - 2025: Những chuyển biến tích cực

NGUYỄN SỰ 28/07/2023 08:39

Dù chịu ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, thiên tai diễn biến phức tạp… nhưng gần 3 năm qua Quế Sơn vẫn nỗ lực thực hiện hiệu quả nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội mà Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XXV (nhiệm kỳ 2020 – 2025) đề ra.

Nhờ tập trung thu hút doanh nghiệp vào đầu tư, hàng nghìn lao động nông thôn của Quế Sơn có việc làm ổn định. Ảnh: PV
Nhờ tập trung thu hút doanh nghiệp vào đầu tư, hàng nghìn lao động nông thôn của Quế Sơn có việc làm ổn định. Ảnh: PV

Chuyển biến tích cực

Ông Hà Tất Phương - Trưởng phòng NN&PTNT Quế Sơn cho biết, thời gian qua sản xuất nông nghiệp của địa phương có nhiều khởi sắc. Cơ cấu mùa vụ, cây trồng, con vật nuôi chuyển dịch theo hướng tích cực và đạt được kết quả quan trọng. Tổng diện tích gieo trồng cây lương thực có hạt hằng năm là 7.147ha và tổng sản lượng đạt từ 39.856 - 41.590 tấn/năm, 6 tháng đầu năm 2023 đạt 21.709 tấn.

Những năm gần đây, Quế Sơn chú trọng phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm gắn với công tác phòng chống dịch bệnh. Nhiều mô hình chăn nuôi theo quy mô trang trại, gia trại được tập trung xây dựng.

Đến nay, đã phát triển được 19 trang trại chăn nuôi heo và gia cầm theo hình thức công nghiệp, bán công nghiệp… Trong 2 năm 2021 - 2022, bình quân mỗi năm giá trị sản xuất nông - lâm nghiệp của huyện tăng 3,43%, vượt 0,43% so với chỉ tiêu nghị quyết đề ra.

Năm 2022, thu nhập bình quân đầu người của Quế Sơn đạt 42,36 triệu đồng, tăng 4,34 triệu đồng so với năm 2021 và tăng 9,29 triệu đồng so với năm 2020. Tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm dần qua từng năm, đến năm 2022 còn chiếm 3,44%. Trong 2 năm 2021 – 2022, thu phát sinh kinh tế trên địa bàn Quế Sơn bình quân hằng năm tăng 14%...

Ông Nguyễn Minh Châu - Phó Chủ tịch UBND huyện Quế Sơn cho hay, nhờ nỗ lực thu hút doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn, quan tâm đào tạo nghề và hỗ trợ khôi phục, phát triển nhiều ngành nghề nông thôn nên gần 3 năm qua lĩnh vực công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp của địa phương tiếp tục phát triển khá.

Năm 2021 giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng của huyện đạt 5.260,5 tỷ đồng, tăng 6,87% so với năm 2020; năm 2022 đạt 5.698 tỷ đồng, tăng 13,82% so với năm 2021; 6 tháng đầu năm 2023 đạt gần 3.100 tỷ đồng, tăng 10,54% so với cùng kỳ năm trước.

Thương mại - dịch vụ cũng có bước chuyển rõ nét. Năm 2021 giá trị sản xuất của ngành này đạt hơn 2.386 tỷ đồng, tăng 1,59% so với năm 2020; năm 2022 đạt hơn 2.740 tỷ đồng, tăng 12,61% so với năm 2021; 6 tháng đầu năm 2023 đạt xấp xỉ 1.490 tỷ đồng, tăng 8,74% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ông Châu thông tin thêm, đến nay Quế Sơn đã có 6/11 xã đạt chuẩn nông thôn mới là Quế Xuân 1, Quế Long, Quế Xuân 2, Quế Phú, Quế Châu, Quế Mỹ (trong đó Quế Phú đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao) và 13/62 thôn được công nhận khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu...

Nỗ lực tạo đột phá

Theo ông Nguyễn Minh Châu, thời gian tới địa phương sẽ đẩy mạnh thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng toàn diện, hiệu quả. Theo đó, tiếp tục triển khai kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển chăn nuôi và Đề án phát triển kinh tế vườn - kinh tế trang trại giai đoạn 2021 - 2025.

Hỗ trợ phát triển các mô hình sản xuất có hiệu quả cao, mang thương hiệu của huyện gắn với chương trình OCOP. Củng cố, phát huy vai trò các HTX nông nghiệp gắn với liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm.

“Đối với chương trình nông thôn mới, Quế Sơn sẽ linh hoạt kết hợp huy động tối đa các nguồn lực, nhất là vận động người dân chung tay góp sức. Định kỳ hằng quý, tiến hành kiểm tra, rà soát, đánh giá, xác định mức độ và chất lượng hoàn thành các tiêu chí theo bộ tiêu chí mới giai đoạn 2022 - 2025. Từ đó, kịp thời đưa ra những giải pháp căn cơ và tổ chức thực hiện theo hướng thực chất, bền vững” - ông Châu nói.

Còn ông Nguyễn Phước Sơn - Chủ tịch UBND huyện cho biết, từ nay đến năm 2025 Quế Sơn sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bị tác động sau đại dịch COVID-19.

Đồng thời chủ động phối hợp với các sở, ban ngành liên quan tháo gỡ khó khăn, giải quyết những kiến nghị, đề xuất của các chủ đầu tư, đơn vị thi công, nhất là đối với những công trình trọng điểm như khu phố chợ Đông Phú, hồ chứa nước Châu Sơn, hồ chứa nước Lộc Đại, Trường THPT Trần Đại Nghĩa, tuyến đường ĐH03, ĐH21...

Đặc biệt, huyện tập trung giải phóng mặt bằng, bố trí ngân sách nhà nước và xúc tiến kêu gọi doanh nghiệp đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật trong các cụm công nghiệp...

Theo ông Sơn, nhiệm vụ rất quan trọng thời gian tới là lãnh đạo, chỉ đạo điều chỉnh quy hoạch nông thôn mới, đôn đốc quy hoạch vùng huyện và thực hiện đồng bộ các quy hoạch được duyệt.

Cùng với quy hoạch, mở rộng khu phố chợ Đông Phú thành trung tâm thương mại đầu mối của huyện, Quế Sơn cũng nỗ lực hình thành, kết nối chuỗi đô thị Hương An, khu phố chợ Mộc Bài, khu phố chợ Bà Rén… bắt nhịp với vùng động lực trong phát triển kinh tế - xã hội vùng Đông Nam của tỉnh để phát triển thương mại - dịch vụ theo hướng đô thị văn minh.

“Thời gian tới, Quế Sơn cũng tập trung kêu gọi đầu tư khu du lịch sinh thái Suối Tiên, nước nóng Bàn Thạch để từng bước định hướng triển khai loại hình du lịch trải nghiệm…” - ông Sơn nói.

NGUYỄN SỰ