Hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng: Nỗ lực vì mục tiêu không còn hộ chính sách khó khăn

LÊ PHƯỚC TRỊNH 28/07/2023 08:11

Nghị quyết số 11 ngày 3/10/2019 và Nghị quyết số 15 ngày 19/4/2021 của HĐND tỉnh về hỗ trợ đối với người có công với cách mạng về nhà ở trên địa bàn tỉnh là chính sách nhân văn, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với người có công cách mạng và thân nhân của họ.

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Công Thanh thăm hỏi gia đình người có công cách mạng trong đợt khảo sát chuyên đề về hỗ trợ nhà ở. Ảnh: L.P.T
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Công Thanh thăm hỏi gia đình người có công cách mạng trong đợt khảo sát chuyên đề về hỗ trợ nhà ở. Ảnh: L.P.T

Cải thiện nhà ở, ổn định an sinh xã hội

Trên cơ sở Nghị quyết số 11 ngày 3/10/2019 và Nghị quyết số 15 ngày 19/4/2021 của HĐND tỉnh, trong 3 năm (2020 - 2022), thị trấn Thạnh Mỹ (Nam Giang) đã triển khai hỗ trợ xây mới 60 nhà và hỗ trợ sửa chữa 9 nhà cho người có công với cách mạng, với tổng kinh phí gần 3,5 tỷ đồng.

Ông Zơrâm Nhứl (người có công trong kháng chiến, trú ở thôn Dung, thị trấn Thạnh Mỹ) cho biết, được hỗ trợ 40 triệu đồng từ nghị quyết của HĐND tỉnh, năm 2021 gia đình ông mượn tiền của người thân và vay thêm để xây dựng ngôi nhà mới trị giá 160 triệu đồng.

“Gia đình tôi có 4 người con, đứa con út bị khuyết tật vận động nên rất khó khăn. Nhờ sự quan tâm của các cấp, ngành và chính sách hỗ trợ nhà ở của tỉnh nên gia đình tôi có nhà mới khang trang, ổn định chỗ ở mấy năm nay” - ông Nhứl nói.

Xã Đại Minh (Đại Lộc) có 496 gia đình người có công với cách mạng, trong đó có 283 gia đình cần được hỗ trợ về nhà ở. Đến nay xã Đại Minh đã phê duyệt và triển khai hỗ trợ nhà ở cho 169 gia đình (23 nhà xây mới, 146 nhà sửa chữa), với tổng kinh phí gần 2 tỷ đồng.

Bà Trần Xuân Huệ (cán bộ LĐ-TH&XH xã Đại Minh) cho biết: “Qua rà soát và kiểm tra thực tế, hộ gia đình người có công với cách mạng nếu nhà bị hư hỏng 2/3 thì được hỗ trợ sửa chữa, hư hỏng 3 phần thì hỗ trợ làm mới. Trong quá trình triển khai thực hiện, xã phối hợp với ban dân chính các thôn thôn kiểm tra, rà soát các đối tượng để hỗ trợ đảm bảo đúng nội dung nghị quyết của HĐND tỉnh”.

Qua 4 năm triển khai nghị quyết HĐND tỉnh (giai đoạn 2019 - 2022), toàn tỉnh có 12.511/15.416 nhà ở người có công với cách mạng được phê duyệt danh sách hỗ trợ đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, đạt tỷ lệ 81,2% so với kế hoạch. Tổng kinh phí từ nguồn ngân sách tỉnh đã bố trí triển khai thực hiện 280 tỷ đồng, đạt 81%.

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Công Thanh đánh giá: “Nghị quyết đã đi vào thực tiễn, cả hệ thống chính trị và cộng đồng dân cư chung tay góp sức. Cạnh đó, các địa phương có điều kiện thuận lợi hỗ trợ thêm vào đối ứng.

Chính sách đã tác động tích cực, tạo động lực, khích lệ các hộ người có công lồng ghép nguồn kinh phí của gia đình, tộc họ, các tổ chức, cá nhân để sửa chữa, cải thiện nhà ở kiên cố, ổn định; là điều kiện để giúp họ vươn lên thoát nghèo, đồng thời tạo sự phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, góp phần thực hiện tốt các chính sách cho người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh”.

Tiếp tục hỗ trợ

Báo cáo của Đoàn giám sát Thường trực HĐND tỉnh (ngày 6/7/2023) về giám sát chuyên đề kết quả triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ đối với người có công với cách mạng về nhà ở trên địa bàn tỉnh theo Nghị quyết số 11 và Nghị quyết số 15 của HĐND tỉnh cho thấy, tuy đạt được những kết quả tích cực nhưng việc hỗ trợ xây dựng nhà ở cho người có công vẫn còn những khó khăn, vướng mắc.

Cụ thể, công tác rà soát, khảo sát, lập danh sách ban đầu ở các địa phương còn nhiều hạn chế dẫn đến một số trường hợp người có công có khó khăn về nhà ở chưa được phê duyệt danh sách hỗ trợ.

Có nơi chưa được quan tâm chỉ đạo đúng mức nên xảy ra tình trạng thiếu sót, trùng lắp đối tượng sau khi phê duyệt. Việc bố trí ngân sách tỉnh thực hiện chưa đảm bảo, chậm được bổ sung, điều chỉnh phù hợp.

Một số địa phương có nhà trong danh sách hoàn thành trong năm 2023, nhưng đến thời điểm giám sát vẫn chưa được hỗ trợ kinh phí. Trong khi đó, nhiều địa phương không giải ngân hết phải hoàn trả kinh phí về tỉnh nhưng không kịp thời điều chuyển, bổ sung cho các địa phương đang có nhu cầu để thực hiện đạt kế hoạch đã phê duyệt.

Đến nay, toàn tỉnh còn 257 nhà trong danh sách được phê duyệt theo nghị quyết đã hoàn thành đưa vào sử dụng, nhưng chưa được hỗ trợ kinh phí; có 2.905 nhà trong danh sách phê duyệt nhưng chưa thực hiện do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong khi nhu cầu của đối tượng còn nhiều và rất bức thiết.

HĐND tỉnh vừa ban hành Nghị quyết số 25 ngày 12/7/2023 về “Một số giải pháp thực hiện cải thiện nhà ở cho người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh Quảng Nam”.

Theo đó, giao UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và các địa phương phối hợp rà soát, kiểm tra, khẩn trương bố trí đủ kinh phí cho các địa phương để hoàn thành hỗ trợ các nhà trong danh sách phê duyệt đã hoàn thành nhưng chưa được hỗ trợ kinh phí. Hướng dẫn thực hiện kiểm tra nghiệm thu, thanh quyết toán và báo cáo tổng kết việc triển khai thực hiện nghị quyết trên địa bàn.

Tổ chức tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện nghị quyết của HĐND tỉnh; đồng thời rút ra những bài học kinh nghiệm trong quá trình triển khai nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả khi Chính phủ ban hành chính sách mới theo Nghị định số 131 ngày 30/12/2021 của Chính phủ về quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng…

Ông Nguyễn Công Thanh - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cho biết: “Trên cơ sở hướng dẫn thực hiện Nghị định 131 của Chính phủ của các bộ ngành trung ương, tỉnh sẽ nghiên cứu và dành nguồn lực nhất định để hỗ trợ, như mục tiêu phấn đấu là đến năm 2025 Quảng Nam không còn hộ gia đình chính sách khó khăn. Từ đó, từng bước nâng cao đời sống kinh tế, phấn đấu đời sống vật chất và tinh thần của gia đình người có công bằng hoặc cao hơn mức chung cả nước”.

LÊ PHƯỚC TRỊNH