Các thách thức lớn của kinh tế toàn cầu
(QNO) - Dù ghi nhận chuyển biến tích cực, nền kinh tế toàn cầu vẫn đối mặt với một số thách thức dai dẳng.
Tín hiệu lạc quan
Ngày 25/7 vừa qua, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) bất ngờ nâng dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2023 ở mức 3%, tăng 0,2 điểm phần trăm so với mức dự báo đưa ra hồi tháng 4/2023.
Nhà kinh tế trưởng của IMF Pierre-Olivier Gourinchas nhận định: "Nền kinh tế toàn cầu tiếp tục phục hồi dần sau đại dịch và xung đột Nga - Ukraine. Trong ngắn hạn, những dấu hiệu của sự tiến bộ là không thể phủ nhận".
Báo cáo mới nhất của IMF, cuộc khủng hoảng sức khỏe COVID-19 chính thức kết thúc và sự gián đoạn chuỗi cung ứng trở lại mức trước đại dịch.
Hoạt động kinh tế trong quý đầu tiên của năm nay chứng tỏ khả năng phục hồi trong bối cảnh thị trường lao động phát triển mạnh mẽ, đáng ngạc nhiên.
Giá năng lượng và lương thực giảm mạnh so với mức cao nhất từ khi diễn ra xung đột Nga - Ukraine, cho phép áp lực lạm phát toàn cầu giảm bớt nhanh hơn dự kiến, từ 8,7% năm 2022 xuống 6,8% năm nay.
Triển vọng kinh tế thế giới của IMF trong năm tới vẫn không thay đổi.
Thách thức
Ông Daniel Leigh - Trưởng bộ phận nghiên cứu kinh tế thế giới, thuộc Vụ nghiên cứu của IMF cho biết, lạm phát vẫn là một trong những thách thức lớn đối với nền kinh tế toàn cầu. Lạm phát sẽ tiếp tục giảm trong năm tới, nhưng chỉ tiến gần hơn đến mức mục tiêu đề ra vào năm 2025 hoặc 2026.
Các ngân hàng trung ương phải thắt chặt chính sách tiền tệ cho đến khi lạm phát trở lại mục tiêu một cách bền vững. "Lạm phát vẫn ở mức cao đang làm xói mòn sức mua của các hộ gia đình, lãi suất cao hơn làm tăng chi phí đi vay và điều kiện tiếp cận tín dụng chặt chẽ hơn" - ông Leigh nói.
Các chuyên gia kinh tế IMF cho rằng, nợ là một vấn đề đáng lo ngại, đặc biệt là ở các nước có thu nhập thấp. Tốc độ tăng trưởng thấp hơn và lãi suất cao hơn có nghĩa là một số nước trong đó - thực tế là hơn một nửa - sắp vỡ nợ hoặc đã lâm vào cảnh túng quẫn vì nợ nần.
Ông Daniel Leigh nói rằng ở châu Á, nợ và đòn bẩy doanh nghiệp đã tăng lên trước đại dịch.
Cạnh đó, thời tiết khắc nghiệt trên khắp thế giới hiện nay, nhiều quốc gia phải đối mặt với sự tàn phá của biến đổi khí hậu đang là rào cản không nhỏ.
Dù có những tác động tức thời như đóng cửa các điểm du lịch, cũng có những tác động lâu dài hơn đối với các lĩnh vực như nông nghiệp, đặc biệt có thể ảnh hưởng đến các nước nghèo phụ thuộc vào các lĩnh vực trên. Do đó, đòi hỏi sự cần thiết phải giảm thiểu phát thải khí nhà kính thông qua hợp tác toàn cầu, cùng với cơ sở hạ tầng thích ứng.