Địa chỉ đỏ nhà bia hầm ông Bật

VIỆT NGUYỄN 25/07/2023 06:06

Sự kiện diễn ra ở hầm ông Bật (thôn Vịnh Giang, xã Bình Nam, Thăng Bình) rất đỗi hào hùng. Nhà bia hầm ông Bật trở thành địa chỉ đỏ lan tỏa truyền thống yêu nước cho thế hệ hôm nay và mai sau.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Dũng viếng hương di tích Nhà bia hầm ông Bật. Ảnh: VIỆT NGUYỄN
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Dũng viếng hương di tích Nhà bia hầm ông Bật. Ảnh: VIỆT NGUYỄN

Xây dựng lực lượng

Trước tình hình Mỹ đem quân trực tiếp tham chiến ở miền Nam, tháng 8/1964, Tỉnh ủy Quảng Nam đề ra nghị quyết phát động quần chúng đồng khởi giải phóng đại bộ phận nông thôn, trọng điểm là vùng đông.

Mục tiêu là phá tan bộ máy kìm kẹp của địch ở các thôn, xã, phá cho được 2/3 số ấp chiến lược và biến ấp chiến lược thành làng chiến đấu của ta. Sử dụng “ba mũi giáp công” để đánh địch, chống địch phản kích và bảo vệ thành quả.

Đầu tháng 9/1964, các lực lượng vũ trang và nhân dân vùng đông Thăng Bình tiến hành vũ trang diệt ác phá kìm, phá ấp chiến lược giành dân. Chỉ trong tháng 9, mở đầu từ xã Bình Dương, sau đó các xã vùng đông Thăng Bình đều được giải phóng. Riêng xã Bình Nam, ta đã giải phóng 2 thôn là Vịnh Giang và Phương Tân; đến đầu năm 1965, thôn Nghĩa Hòa cũng được giải phóng.

Từ đây, nhiệm vụ cấp bách của chi bộ, chính quyền là nhanh chóng ổn định tình hình, giữ vững an ninh chính trị, ra sức tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân tích cực sản xuất, xây dựng các thôn vừa mới giải phóng vững mạnh. Công tác hết sức quan trọng lúc bấy giờ là đảng, chính quyền xã Bình Nam gấp rút xây dựng lực lượng bảo vệ chính quyền non trẻ của cách mạng.

Sau khi ta làm chủ được xã Bình Nam và một số xã vùng đông Thăng Bình, chính quyền Mỹ ngụy hết sức hoang mang. Chúng liền xua quân tổ chức nhiều đợt càn quét, đốt phá làng xóm, nhà cửa nhằm tìm kiếm và tiêu diệt cán bộ, cơ sở cách mạng, đảng viên. Với quyết tâm bám trụ, dựa vào quần chúng nhân dân, du kích Bình Nam đã đánh thắng và đẩy lùi nhiều cuộc càn quét của địch.

Sau khi xã Bình Nam được giải phóng, nhân dân vô cùng phấn khởi bắt tay vào việc xây dựng tổ chức đảng và bộ máy chính quyền nhân dân. Lúc này, Chi bộ xã Bình Nam được thành lập do đồng chí Phạm Hùng làm Bí thư, Phó Bí thư kiêm chính trị viên Xã đội là đồng chí Phạm Hàng.

Tại thôn Vịnh Giang, cán bộ, đảng viên nòng cốt tiếp tục xây dựng cơ sở và lực lượng cách mạng. Từ những khó khăn ban đầu chỉ có 1 chi bộ, lực lượng đảng viên còn ít, về sau hệ thống chính trị ở thôn Vịnh Giang đầy đủ dần. Chi bộ tổ chức nhiều cuộc họp bàn biện pháp và nhiệm vụ chiến đấu với địch về lâu về dài.

Kiên trung với cách mạng

Với địa thế nằm ven sông và sát đồi cát, ngôi nhà ông Nguyễn Bật (cán bộ kinh tài) lúc bấy giờ được Huyện ủy Thăng Bình chọn làm địa điểm hội họp và hoạt động cách mạng. Tại đây có 2 hầm công sự kiên cố nằm sát bờ ruộng lúa, trên hầm có bờ tre che kín thuận lợi trong đối phó với bọn địch càn quét.

Thực hiện sự chỉ đạo của Huyện ủy Thăng Bình, ngày 30/7/1965, đồng chí Phạm Hùng - Bí thư Chi bộ, đồng chí Phạm Ngọc Hàng - Chính trị viên Xã đội triệu tập cuộc họp khẩn để bàn nhiệm vụ. Huyện ủy Thăng Bình cử đồng chí Nguyễn Đồng (cán bộ huyện đứng địa bàn xã Bình Nam) trực tiếp chỉ đạo.

Bất ngờ sáng ngày 2/8/1965, địch tổ chức đợt càn quy mô với lực lượng 1 tiểu đoàn lính cộng hòa cùng hàng chục trực thăng tổ chức càn quét vào thôn Phương Tân. Sau khi lùng sục, càn quét thôn Phương Tân, chúng kéo về thôn Vịnh Giang. Tại đây, do có kẻ đầu hàng nên địch đã phát hiện được các cán bộ của huyện Thăng Bình và xã Bình Nam đang ở dưới hầm nhà ông Nguyễn Bật.

Tại hầm nhà ông Nguyễn Bật lúc này còn có các đồng chí Trương Thanh Trương - Xã đội trưởng, Võ Thi Sỹ - Trưởng ban Kinh tài, Nguyễn Ngọc Hồng - Trưởng thôn Vịnh Giang, Nguyễn Bật và Trương Tống - cán bộ kinh tài.

Phát hiện được lực lượng ta đang trú dưới hầm, địch đã tiến hành bao vây, gọi hàng, thậm chí dụ dỗ, mua chuộc. Nắm rõ âm mưu và thủ đoạn của kẻ thù, mặc dù đang ở trong thế bị bao vây bởi kẻ địch đông gấp nhiều lần, các đồng chí kiên quyết không đầu hàng địch, thà hy sinh chứ không để lọt vào tay địch.

Hai đồng chí Trương Tống và Nguyễn Bật được cử lên khỏi miệng hầm đánh lạc hướng địch là dưới hầm không còn người nào. Tuy nhiên, do chỉ điểm của một cán bộ xã, địch đã biết rõ lực lượng ta ở dưới hầm nên chúng ra lệnh thi nhau nã đạn xuống hầm. Cuộc chiến đấu không cân sức diễn ra. Cả 6 đồng chí cán bộ ta còn lại dưới hầm đều hy sinh. Chúng bắt các đồng chí Nguyễn Bật và Trương Tống nhằm khai thác nhưng thất bại nên thủ tiêu 2 đồng chí tại Gò Tre, sát với xã Bình An.

Sau khi các đồng chí cán bộ chủ chốt của Bình Nam hy sinh, Huyện ủy Thăng Bình cử cán bộ về củng cố bộ máy lãnh đạo của xã, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân trên địa bàn vững tin vào thắng lợi cuối cùng của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, tích cực ủng hộ cách mạng.

Ngay sau sự kiện ngày 2/8/1965, nhiều thanh niên trong xã đã xung phong lên đường, tham gia các đơn vị bộ đội hoặc lực lượng du kích của xã. Nhân dân tích cực tăng gia sản xuất, đóng góp cho cách mạng. 

Ngay tại thôn Vịnh Giang, một địa đạo dài khoảng 50m cùng nhiều hầm bí mật được đào để tiếp tục nuôi giấu cán bộ, bộ đội cũng như để tổ chức đánh địch. Từ tháng 9/1965, lực lượng du kích và nhân dân xã Bình Nam liên tiếp đánh bại nhiều cuộc càn quét của địch, đóng góp lớn cho cách mạng lúc bấy giờ cũng như góp sức cho ngày thắng lợi hoàn toàn vào năm 1975.

VIỆT NGUYỄN