Mở rộng giao thông nội thị tại Tam Kỳ: Khi Mặt trận vận động sự đồng thuận

BÍCH LIÊN - ANH ĐÔNG 25/07/2023 06:02

Thời gian qua, nhiều người dân TP.Tam Kỳ đã tự nguyện hiến từ vài chục đến vài trăm mét vuông đất để cùng với chính quyền địa phương mở rộng kiệt hẻm, giao thông nội thị. Có được sự đồng thuận này phải kể đến vai trò của Mặt trận và các tổ chức thành viên từ thành phố đến xã, phường đã thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động nhân dân.

Chính quyền, Mặt trận phường Trường Xuân vận động hộ dân đồng thuận mở rộng tuyến đường Xuân Hòa - Xuân Đông. Ảnh: PV
Chính quyền, Mặt trận phường Trường Xuân vận động hộ dân đồng thuận mở rộng tuyến đường Xuân Hòa - Xuân Đông. Ảnh: PV

Khi người dân đồng thuận

Tuyến đường ĐX3 chạy qua 3 địa phương An Phú, Tam Phú và Tam Thăng là cung đường liên xã đóng vai trò quan trọng giúp nhân dân đi lại thuận tiện. Đây cũng là cung đường giao thông quy mô nhất vùng Đông Tam Kỳ được thực hiện xã hội hóa với chiều dài 6km, nhân dân đóng góp gần 10 tỷ đồng.

Ngay khi triển khai dự án, năm 2020, các địa phương bắt đầu đẩy mạnh công tác tuyên truyền. Các tổ dân vận tại từng địa phương, trong đó Mặt trận và các tổ chức thành viên đóng vai trò nòng cốt đã tuyên truyền vận động nhân dân đồng thuận chủ trương bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư và tự nguyện hiến đất đai, ngày công để thi công dự án.

Tổ dân vận đã vào cuộc nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và vận động cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân đồng hành cùng chính quyền địa phương thực hiện dự án.

Ông Đỗ Hải Hưng - đảng viên thôn Ngọc Mỹ (xã Tam Phú, TP.Tam Kỳ), cho biết: “Qua quá trình vận động của chính quyền địa phương, ban ngành đoàn thể, tôi và người dân thôn Ngọc Mỹ tán thành chủ trương mở đường. Gia đình tôi hiến trên 100m2 đất để thực hiện đường ĐX3”.

Hơn 4 năm trở lại đây, phường Trường Xuân (TP.Tam Kỳ) là địa phương tiêu biểu của thành phố trong thực hiện xã hội hóa xây dựng các tuyến đường giao thông đô thị. Đầu tiên là xã hội hóa thành công tuyến đường Xuân Hòa - Ấp Bắc và sau đó là tuyến Xuân Hòa - Xuân Đông (khối phố Xuân Bắc).

Ông Ngô Đức Thanh - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Trường Xuân cho biết, quyết định hiến đất để mở đường là một điều không dễ dàng với nhiều hộ dân ở phường Trường Xuân, bởi giá đất ở đây chuyển nhượng theo giá thị trường tương đối cao. Nhưng với sự quyết tâm của Mặt trận, đoàn thể và chính quyền tuyên truyền vận động nên người dân đã đồng lòng hưởng ứng, hiến đất đai, cây cối, vật kiến trúc để mở rộng tuyến đường.

Phương châm thành công là đảng viên tiên phong đi trước, noi gương cho quần chúng nhân dân làm theo. Kết quả, 138/138 hộ dân tuyến Xuân Hòa - Xuân Đông đã đồng thuận hiến 3.328m2 đất, tương đương hơn 30 tỷ đồng (theo giá thị trường). Đường được mở rộng từ 3m lên 8,5m và thảm nhựa với chiều dài 1.080m.

Phát huy tinh thần “Đi trước, về sau”

Những điển hình trên cho thấy công tác tuyên truyền vận động đóng vai trò then chốt tạo sự đồng thuận trong dân để thực hiện các dự án xã hội hóa “Nhà nước và nhân dân cùng làm”.

Mặt trận và các tổ chức thành viên luôn “đi trước, về sau”. Trong đó tuyên truyền phát huy vai trò tiên phong gương mẫu của đảng viên và tinh thần tự giác của người dân. Thực tế từ tuyến đường DX3 hay tại phường Trường Xuân, TP.Tam Kỳ là minh chứng rõ ràng nhất. Một khi lòng dân đã thuận thì dù ảnh hưởng đến đất vườn, tường rào, cây cối, công trình phụ, bà con vẫn sẵn sàng tháo dỡ để hiến đất, cùng Nhà nước làm đường.

Ông Ngô Đức Thanh chia sẻ: “Người dân thực sự làm chủ và cũng chính người dân quyết định vận mệnh của địa phương, quê hương mình khi hy sinh lợi ích trước mắt để đạt được mục tiêu chung và lợi ích lâu dài của cả cộng đồng. Thực tế từ sự đồng thuận thực hiện phong trào hiến đất làm đường giao thông nông thôn, kiệt hẻm tại phường Trường Xuân đã cho thấy điều đó” - ông Thanh chia sẻ.

Ông Nguyễn Văn Lương - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.Tam Kỳ cho biết, do nguồn lực của thành phố có hạn nên nhiều công trình phải thực hiện chủ trương xã hội hóa đầu tư, trong đó có xã hội hóa các dự án đường giao thông trên địa bàn thành phố mà cụ thể các tuyến liên xã, liên thôn.

“Thời gian qua, Mặt trận cùng với UBND thành phố, Ban Dận vận Thành ủy đã đến các địa phương để họp, triển khai chủ trương và sau đó có sự phối hợp với Mặt trận cơ sở thành lập các tổ vận động. Đây là cơ sở đẩy mạnh tuyên truyền về quyền lợi, nghĩa vụ của người dân trong việc mở rộng giao thông nông thôn để phục vụ phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội địa phương, góp phần hoàn thiện cơ sở hạ tầng, cùng thành phố xây dựng đô thị loại I” - ông Lương nói.

BÍCH LIÊN - ANH ĐÔNG