Người Cơ Tu cúng đất lập làng
Khi cuộc sống bị đe dọa bởi thiên tai, dịch bệnh, tai ương ập đến… không thể ở lại đất cũ, những già làng Cơ Tu sẽ bàn chuyện dời làng. Họ tìm kiếm một vùng đất mới để an cư, theo sự “sắp đặt” của Giàng.
Ông Đỗ Hữu Tùng - Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang nói: “Ngày trước, khi một ngôi làng nào đó gặp phải sự cố, vì nhiều lý do không thể ở lại vùng đất cũ, người Cơ Tu sẽ tìm đất lập làng mới.
Trải qua hàng trăm năm sinh tồn, người Cơ Tu vẫn giữ được các nghi thức tìm đất lập làng, làm thành nét văn hóa độc đáo, thể hiện lòng biết ơn đối với thần linh, đất trời. Dù phong tục cũ nhưng nghi thức cúng đất lập làng vẫn luôn có giá trị cộng đồng rất cao, nhất là trong điều kiện các địa phương triển khai chương trình, dự án bố trí, sắp xếp dân cư miền núi.
Mang ý nghĩa riêng biệt, nghi thức cúng đất lập làng biểu thị sự cầu mong, gửi gắm, lòng biết ơn đối với thiên nhiên, vạn vật và thần linh đã giúp đỡ, che chở để người Cơ Tu có thể vượt qua khó khăn trong lao động sản xuất, mang lại cuộc sống ấm no, bình an” - ông Tùng chia sẻ.
Tìm đất mới
Mới đây Đông Giang tổ chức hội làng mừng 20 năm tái lập, nhiều du khách bày tỏ thích thú khi chứng kiến các già làng vùng cao tái hiện nghi thức cúng đất lập làng. Ở địa phương có hơn 70% dân số là người Cơ Tu, nhiều di sản văn hóa, nghi thức truyền thống của đồng bào bản địa đang trở thành sản phẩm du lịch độc đáo, thu hút du khách.
Định hướng hình thành sản phẩm du lịch độc đáo
Ông Avô Tô Phương - Chủ tịch UBND huyện Đông Giang cho hay, từ ý nghĩa và giá trị độc đáo trong nghi thức cúng đất lập làng của người Cơ Tu, địa phương hướng đến việc hình thành một sản phẩm du lịch trải nghiệm thú vị, giúp du khách có cơ hội tìm hiểu văn hóa đặc trưng của cộng đồng miền núi. Các hoạt động này vừa góp phần phát huy hiệu quả công tác bảo tồn bản sắc truyền thống, vừa giúp địa phương lựa chọn giá trị văn hóa đặc sắc nhất để hình thành sản phẩm du lịch đặc trưng, giúp thúc đẩy phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn huyện, tạo thu nhập cho chính người dân địa phương miền núi.
Trước khi lễ tục cúng đất bắt đầu, các già làng Cơ Tu tổ chức cuộc họp tại gươl. Một người có uy tín nhất thay mặt hội đồng già làng đứng ra thông báo về quyết định rời làng cũ, tìm vùng đất mới để sinh sống.
Sau những bàn bạc của cộng đồng, cuối cùng họ tìm ra vị trí đất mới khá phù hợp, vừa bằng phẳng lại gần khe suối, vừa có khu đất canh tác thuận lợi và ít rủi ro thiên tai.
Sáng sớm hôm sau, già Ating Đhân (ở thôn Prao, thị trấn Prao, Đông Giang) dẫn theo một nhóm người đến vị trí đất được dân làng chọn trước đó. Họ mang theo lễ vật cần thiết để tiến hành nghi thức cúng đất lập làng. Tất cả xong xuôi, già Ating Đhân lấy ra từ tà-léc (chiếc gùi 3 ngăn của đàn ông Cơ Tu) một quả trứng gà và con ốc đá đặt trong ống tre đã bổ đôi.
Quả trứng được bóc phần đầu, dùng than ký hiệu một bên là dân làng, một bên là thần linh, sau đó đặt cố định vào thanh hình chữ V, trước khi tiến hành đốt lửa nướng trứng.
Già Đhân mang quả trứng này đặt gần vị trí đất được chọn, rồi khấn: “Xin phép các thần linh ở nơi này. Hôm nay, tôi đại diện cho dân làng đến để xin thần linh cho chúng tôi làm nhà, lập làng mới tại vùng đất này. Nếu các thần linh đồng ý cho chúng tôi được ở tại nơi này, quả trứng gà sôi tràn về phía các thần linh”.
Bài khấn vừa kết thúc, ngay lập tức trứng gà sôi tràn về phía thần linh. Việc xin phép thần linh được thực hiện tương tự với con ốc và hai nửa thanh nứa. Các già làng vui mừng reo hò, chắp tay tạ ơn các thần linh đã phù hộ, tạo điều kiện để lập làng mới.
Đêm đó, dân làng về nghỉ ngơi, ai cũng cố gắng nhớ thật rõ giấc mơ của mình để sáng hôm sau báo lại già làng. Tục chiêm nghiệm giấc mơ cũng là phần quan trọng không thể thiếu trong nghi thức dựng đất lập làng, bởi khi có giấc mơ tốt, về sau việc dựng nhà cửa, làm ăn sinh sống sẽ được thuận lợi, cuộc sống ngày thêm no ấm…
“Xin phép” thần dựng nhà
Già Ating Đhân nói, nghi thức cúng đất lập làng lần này được tái hiện dựa trên câu chuyện thực tế trước đây khi dân làng Prao tìm đến nơi ở mới. Những năm sau giải phóng, từ các núi cao, dân làng Prao tìm về mặt bằng bên dòng A Vương để sinh sống, tạo nên thị trấn như bây giờ.
Lúc này, vùng đất mới thuộc địa phận của xã Tà Lu. Vì thế, ngoài việc “ngoại giao” xin đất lập làng từ cộng đồng bản địa, những cư dân mới phải cúng đất để… thăm dò ý kiến của thần linh.
Nhưng, chỉ cúng đất thôi chưa đủ. Để an cư lập nghiệp, các già làng phải bước qua một nghi thức nữa, quan trọng không kém, là cúng đất làm nhà. Sau khi xin được đất làng, sáng sớm hôm sau, các già làng tiếp tục mang lễ vật gồm gà trống luộc nguyên con, kèm ít máu tươi của gà, rượu, thịt heo, chén nước trong, gạo và các vật dụng khác để làm lễ cúng. Họ bày ra lễ vật và cắm cây giáo xuống đất để bắt đầu thực hiện nghi lễ. Lúc này, già làng đứng ra cúng vái thần linh xin đất dựng nhà.
Bài cúng có đoạn: “Lạy các thần linh cai quản rừng núi, sông, suối vùng đất này. Hôm nay, chúng tôi đến đây dâng các thần linh mâm cúng để các thần linh cho chúng tôi được khai hoang và làm nhà cửa tại vùng đất này. Các thần đừng lấy làm lạ mà không phù hộ cho chúng tôi.
Hiện nay chỗ ở cũ của chúng tôi gặp nhiều bất tiện khó khăn. Do vậy, mong các thần cho chúng tôi ở đây được mạnh khỏe, ấm no, làm ăn phát đạt, không ai gặp nạn, không gặp phải những điều không hay xảy ra”.
Sau đó, già làng phát hoang một vuông đất, hành động này được xem như quá trình nhận ơn ban phát của thần linh, chuẩn bị vận chuyển vật liệu để dựng nhà cửa, ổn định cuộc sống mới.
Gươl - nhà chung của cộng đồng được chọn ở vị trí trung tâm của làng, xung quanh là nhà tộc họ, sau nữa mới đến nhà dân cư thường được dựng sau cùng. Khi mọi thứ đã hoàn tất, dân làng tổ chức một cuộc ăn mừng để tại ơn thần linh. Đêm đó, cả làng vui say, ngồi bên nhau hát lý, đánh trống chiêng cầu mong cuộc sống ngày sau luôn được bình an, no ấm.
Bảo lưu giá trị cộng đồng
Nguyên Bí thư Huyện ủy Đông Giang - ông Nguyễn Bằng cho rằng, dù quá trình giao thoa bởi nhịp sống hiện đại nhưng ở nhiều vùng, người Cơ Tu vẫn giữ được giá trị truyền thống của mình, từ việc phục dựng gươl cho đến các lễ tục cúng thần.
Người Cơ Tu dù ở vùng nào cũng đều có chung tâm thế là góp sức bảo lưu các giá trị văn hóa trong cộng đồng, nhất là văn hóa ứng xử với thần linh - tự nhiên còn mang ý nghĩa phù hợp với cuộc sống hiện tại.
Ông Bằng đưa ra ví dụ, ở miền núi bây giờ, chương trình mục tiêu được triển khai, nhất là quy hoạch, sắp xếp, bố trí dân cư gắn với đất sản xuất. Đó là chủ trương đúng đắn và được chính quyền, người dân miền núi đồng tình, ủng hộ.
Nhưng, với người miền núi đặc biệt là người Cơ Tu, văn hóa lập làng còn phải trải qua một bước tin ngưỡng dân gian nữa. Đó là nghi thức cúng đất lập làng. Bởi người Cơ Tu tin vào thần linh, cũng là tôn sùng thế giới tự nhiên.
“Ngày xưa việc tìm đất lập làng vì lý do xa nơi canh tác, xa nguồn nước, đất đang ở không thuận lợi, dân làng thường hay đau ốm, bệnh tật và những điều không hay xảy ra. Còn hiện nay, việc tìm đất lập làng thực hiện theo chủ trương giãn dân, do vị trí hiện tại có nguy cơ sạt lở cao nên phải bố trí dân cư nơi ở mới.
Nghi lễ tìm đất lập làng là tín ngưỡng dân gian của người Cơ Tu từ bao đời nay, tạo nên sự yên tâm, cầu mong thần linh phù hộ cho dân làng ở nơi đất mới được bình an, cuộc sống ấm no hạnh phúc, không có những điều không hay xảy ra. Điều đó, hoàn toàn phù hợp trong tiến trình sắp xếp, ổn định dân cư miền núi bây giờ” - ông Bằng nhấn mạnh.