Du lịch biển Quảng Nam: Chật vật khai thông tiềm năng

QUỐC TUẤN 21/07/2023 04:34

Du lịch biển Quảng Nam quá đơn điệu và mờ nhạt so với các trung tâm du lịch biển là thực trạng tồn tại lâu nay. Một khi chưa có chiến lược dài hạn rất khó để nâng cao sức hút, năng lực cạnh tranh của du lịch biển Quảng Nam trên bản đồ du lịch biển quốc gia.

Quảng Nam sở hữu dải bờ biển hoang sơ, thơ mộng nhưng chưa khai thác đúng tiềm năng. TRONG ẢNH: Biển Tam Thanh, Tam Kỳ. Ảnh: Q.T
Quảng Nam sở hữu dải bờ biển hoang sơ, thơ mộng nhưng chưa khai thác đúng tiềm năng. TRONG ẢNH: Biển Tam Thanh, Tam Kỳ. Ảnh: Q.T

Chưa tạo dấu ấn

Thành quả lớn nhất từ phát triển du lịch biển Quảng Nam trong giai đoạn vừa qua có lẽ đến từ việc địa phương đã thu hút được nhiều “sếu” lớn đến dải ven biển Nam Hội An để đầu tư. Các tổ hợp nghỉ dưỡng, giải trí Hoiana, Vin Wonders Nam Hội An, TUI Blue Nam Hội An… đã thay đổi diện mạo bờ biển nam Hội An trước đó vốn heo hút nhưng là chưa đủ để tạo ra dấu ấn lớn về du lịch biển Quảng Nam vốn được đánh giá là có khả năng hình thành trung tâm du lịch biển đẳng cấp Đông Nam Á.

Ông Văn Anh Tuấn - Giám đốc Sở GT-VT nói, chúng ta cứ ví biển Quảng Nam như “nàng tiên đang ngủ yên” nhưng qua thời gian bờ biển của chúng ta đã thay đổi rất khác theo chiều hướng bị tổn thương và cần dự lường cho vài chục năm tới trước khi đưa ra kịch bản phát triển.

Đại diện Công ty TNHH Dịch vụ du lịch thể thao Cầu Vồng Biển (Hội An) đề xuất, không thể vì một sự cố tai nạn giao thông biển vào năm 2022 ở Cửa Đại mà gần như ngưng đọng sự phát triển của các loại hình du lịch trên biển.

Các trò chơi, loại hình giải trí biển du nhập từ nước ngoài mà nghị định, thông tư quy định ở lĩnh vực này thì chưa theo kịp nên cơ quan chức năng cần xem xét có kiến nghị hoặc giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ.

Theo UBND TP.Hội An, không chỉ hoạt động thể thao dưới nước, nhiều doanh nghiệp hoạt động tuyến Hội An - Cù Lao Chàm cũng đang gặp khó khăn với các quy định liên quan đến hoạt động tuyến du lịch, bến bãi khiến kinh doanh gặp trở ngại.

Theo đại diện phòng Quản lý Du lịch Sở VH-TT&DL, các môn thể thao dưới nước nằm trong quy định thì Quảng Nam vẫn cấp phép bình thường (đã cấp 5 hoạt động lặn biển, 6 hoạt động mô tô nước).

Hiện Quảng Nam chưa quy hoạch vùng cho các trò chơi giải trí trên biển. Cơ quan chức năng đã đưa nội dung này vào dự thảo quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 nên một khi được phê duyệt thì vấn đề này sẽ được khai thông.

Không thể phát triển “chắp vá”

Một thực trạng dễ thấy hiện nay là phát triển du lịch biển tại Quảng Nam chủ yếu vẫn ở vùng bờ, dựa vào việc hình thành chuỗi lưu trú - nghỉ dưỡng cao cấp và một vài sản phẩm lặn biển Cù Lao Chàm.

 

Theo lãnh đạo TP.Hội An, phát triển du lịch biển cần phải gắn biển đảo vào bờ, gắn biển với 3 dòng sông lớn Cổ Cò, Trường Giang và Thu Bồn để bổ trợ liên hoàn chuỗi dịch vụ.

Còn ông Lê Ngọc Thuận - chủ nhà hàng Deckhouse & Shore Club An Bàng, Chủ tịch Hội Khởi nghiệp sáng tạo TP.Hội An cho rằng, cơ quan quản lý phải xác định đẩy du lịch Quảng Nam đi lên theo hướng gì để làm chủ đạo chứ không nên làm được chăng hay chớ như hiện nay.

Trên toàn dải ven biển Quảng Nam nên chăng quy hoạch một vài vùng chủ lực để phát triển du lịch biển nhằm huy động sự tham gia xã hội hóa vào phát triển hệ thống sản phẩm thường niên, quy mô từ đó dần hình thành thương hiệu.

Theo ông Phan Xuân Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam, mô hình du lịch cộng đồng làng An Bàng (Cẩm An, Hội An) rất hay và là “mô hình hiếm” ở Việt Nam thậm chí là trong khu vực, nhưng hạ tầng phục vụ du lịch tại điểm đến không tương xứng với nhu cầu thì liệu rằng điểm đến có thể duy trì sự hưng thịnh được bao lâu khi hạ tầng không đủ tải. Mô hình nào tốt thì chúng ta cần đầu tư để giữ, tiếp sức nó phát triển tốt từ đó dần lan tỏa ra Cửa Khe, Tam Thanh…

“Vấn đề lớn hơn là Quảng Nam cần định hình mong muốn về du lịch biển chúng ta trong giai đoạn 5 năm, 10 năm tới là gì? Để từ đó mới ra được chiến lược phát triển du lịch biển bài bản. Chứ không thể “chắp vá” hôm nay phát triển sản phẩm mô tô nước, ngày mai phát triển loại hình dù biển… để rồi cuối cùng du lịch biển không mang lại được dấu ấn chiều sâu để tạo ra giá trị lớn.

Chúng ta có lợi thế là lượng khách đến Quảng Nam rất lớn, cần có khảo sát nhu cầu của họ, khi có cơ sở dữ liệu mới đưa ra được hướng phát triển đúng, thậm chí là phải thuê tư vấn về vấn đề này. Ngoài ra, cần quy hoạch các tuyến đường thủy để chia sẻ sức tải chứ không chỉ toan tính về đường bộ một khi du lịch phục hồi hoàn toàn hậu COVID-19” - ông Phan Xuân Thanh nhận định.

QUỐC TUẤN