Liên hiệp quốc lần đầu bàn về trí tuệ nhân tạo
(QNO) - Ngày 19/7/2023, Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc tổ chức cuộc họp đầu tiên về trí tuệ nhân tạo (AI) nhằm thảo luận tiện ích và rủi ro từ công nghệ này.
Tiện ích và rủi ro từ AI
Ông James Cleverly - Ngoại trưởng Anh, Chủ tịch luân phiên của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc và là người chủ trì cuộc họp nhận định, AI sẽ thay đổi cơ bản mọi khía cạnh của cuộc sống con người. AI có thể giúp giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu và thúc đẩy các nền kinh tế.
"Chúng ta cần khẩn trương định hình việc quản trị toàn cầu đối với các công nghệ biến đổi vì AI không có biên giới" - ông James Cleverly phát biểu.
Tuy nhiên, Ngoại trưởng Anh James Cleverly cũng cảnh báo, công nghệ AI đang thúc đẩy thông tin sai lệch...
Tổng Thư ký Liên hiệp quốc Antonio Guterres cho rằng: "Các ứng dụng AI trong quân sự và phi quân sự đều có thể gây ra những hậu quả rất nghiêm trọng đối với hòa bình và an ninh toàn cầu".
Do đó, nhà lãnh đạo Liên hiệp quốc ủng hộ lời kêu gọi của một số quốc gia về việc thành lập một cơ quan mới thuộc Liên hiệp quốc để hỗ trợ các nỗ lực tập thể nhằm quản lý công nghệ AI.
Cảnh báo từ OECD
Mới đây, Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) lên tiếng rằng thị trường việc làm thế giới bên bờ vực của cuộc cách mạng AI.
Trong đó, các quốc gia giàu có nhất thế giới cũng phải khẩn trương chuẩn bị cho tác động của AI sắp xảy ra liên quan đến thay đổi việc làm.
AI có thể tạo ra những công việc mới, cải thiện mức độ an toàn tại nơi làm việc, mang lại mức lương cao hơn cho người lao động có kỹ năng về công nghệ, thay đổi nhu cầu về kỹ năng việc làm nhưng AI có thể khiến một số công việc biến mất.
OECD lưu ý các công việc có nguy cơ bị tự động hóa cao nhất chiếm trung bình 27% lực lượng lao động ở các quốc gia thành viên.
Theo OECD, sự phát triển nhanh chóng của AI bao gồm các công cụ có thể viết luận, tạo hình ảnh và thậm chí vượt qua các kỳ kiểm tra y tế làm dấy lên lo ngại rằng AI có thể thay thế toàn bộ lĩnh vực của lực lượng lao động thông qua tự động hóa.
Trong báo cáo triển vọng việc làm năm 2023, OECD viết: "Mặc dù việc áp dụng AI vẫn còn tương đối thấp, nhưng tiến độ nhanh chóng, chi phí giảm và nguồn lao động có kỹ năng AI ngày càng tăng cho thấy các nền kinh tế OECD có thể đang trên bờ vực của một cuộc cách mạng AI. Dù có nhiều lợi ích tiềm năng từ AI, cũng có những rủi ro đáng kể cần được giải quyết khẩn cấp".
Ông Stefano Scarpetta - Giám đốc phụ trách Việc làm, lao động và xã hội của OECD nói: "Cần phải tạo điều kiện cho người lao động và người sử dụng lao động gặt hái lợi ích của AI trong khi thích nghi với công nghệ này, đặc biệt là thông qua đào tạo và đối thoại xã hội".