Sớm khắc phục tình trạng thiếu thuốc ở cơ sở y tế
(QNO) - Vướng mắc trong công tác đấu thầu khiến nhiều bệnh viện, cơ sở y tế đang gặp phải tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế. Do đó, UBND tỉnh đang đôn đốc các sở, ngành liên quan nhanh chóng tìm giải pháp khắc phục tình trạng này...
Chậm triển khai các gói thầu
Ông Nguyễn Tải - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Khu vực Quảng Nam cho biết, hiện bệnh viện đang gặp phải tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế ở khá nhiều khoa, phòng. Kho thuốc trong danh mục bảo hiểm y tế (BHYT) của bệnh viện cũng đã hết.
Với một số bệnh thông thường, các loại thuốc điều trị phải xoay sở từ nhiều nguồn. Trong khi đối với vật tư y tế, từ đầu năm đến nay, bệnh viện chỉ mua bổ sung được 1 gói vật tư. Nhiều loại bệnh, bệnh viện phải kê đơn để bệnh nhân ra ngoài mua thuốc.
Theo ông Tải, việc thiếu thuốc, vật tư y tế diễn ra từ đầu năm đến nay và tình trạng này xảy ra ở hầu hết các cơ sở y tế. Riêng Bệnh viện Đa khoa khu vực Quảng Nam, nhiều loại thuốc, vật tư bệnh viện đang phải mượn và mua từ các đơn vị khác trong toàn tuyến.
"Bệnh nhân nào thiếu thuốc chúng tôi sẽ xoay sở các thuốc tương đương, hoặc mượn các bệnh viện lân cận. Những bệnh nhân nặng do không có hoặc thiếu thuốc điều trị sẽ được chuyển lên tuyến trên" - ông Nguyễn Tải nói.
Trước đó, năm 2022, Bệnh viện Đa khoa khu vực Quảng Nam là một trong 3 đơn vị được UBND tỉnh chỉ định đấu thầu gói thuốc đông dược. Tại Quyết định số 1702 ngày 24/6/2022, UBND tỉnh đã phê duyệt phương án tổ chức đấu thầu mua sắm tập trung cấp địa phương thuốc, hóa chất, vật tư y tế tiêu hao năm 2023 - 2024.
Theo đó Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Nam mua sắm tập trung hóa chất, vật tư y tế tiêu hao (năm 2023); Bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam mua sắm tập trung thuốc Generic (năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024); Bệnh viện Đa khoa khu vực Quảng Nam mua sắm tập trung thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền và vị thuốc cổ truyền (năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024).
Lý giải nguyên nhân đến thời điểm này, gói thầu do Bệnh viện Đa khoa khu vực Quảng Nam vẫn chưa triển khai được, ông Nguyễn Tải cho rằng, ngày 27/4, Bộ Y tế có thông tư sửa đổi quy định về đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế công lập, thay đổi nhóm loại thuốc (từ 3 nhóm sang 4 nhóm) nên bệnh viện phải thay đổi thời gian kiểm tra lại thầu. Chính việc thay đổi này dẫn tới giá các loại thuốc cũng sẽ thay đổi theo, kéo dài thời gian đấu thầu.
Phấn đấu có thuốc trước ngày 10/8
Ông Mai Văn Mười - Giám đốc Sở Y tế cho biết, việc thiếu thuốc và vật tư y tế diễn ra ở hầu hết các địa phương, không chỉ riêng ở tỉnh Quảng Nam. Lý do chính là các gói thầu bị chậm, việc dự trù thầu cũ, dự trữ thuốc của các bệnh viện, trung tâm y tế chưa chuẩn dẫn đến hết thuốc trước thời hạn. Sở Y tế đang nỗ lực để hoàn thành các thủ tục để triển khai sớm công tác đấu thầu.
Mới đây, ngày 10/7, UBND tỉnh đã có văn bản thống nhất cho phép Sở Y tế thực hiện phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu đối với các gói thầu được mua sắm từ nguồn ngân sách nhà nước; nguồn quỹ bảo hiểm y tế; nguồn thu từ dịch vụ khám, chữa bệnh và nguồn thu hợp pháp khác của các cơ sở y tế công lập có giá trị gói thầu dưới 1 tỷ đồng. Đây chính là giải pháp tháo gỡ việc thiếu thuốc cục bộ ở các cơ sở khám chữa bệnh.
"Hiện tại danh mục mời thầu gói Generic gồm 1.980 mặt hàng đã chấm xong phần kỹ thuật và năng lực tài chính. Dự kiến ngày 20/7 sẽ mở tài chính và phấn đấu có kết quả trước ngày 10/8 cho bệnh nhân sử dụng" - ông Mười nói thêm.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Nguyễn Hồng Quang cho biết, tỉnh đã giao Sở Y tế chủ trì đấu thầu thuốc và vật tư y tế, phân ra 3 nhóm dành cho 3 bệnh viện trực thuộc.
"Chúng tôi đang tổ chức đấu thầu và thừa nhận công tác triển khai đấu thầu thuốc chậm sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến người dân. Do đó, UBND tỉnh đang đôn đốc các sở, ban ngành liên quan thực hiện đúng thời gian, đầy đủ để cơ bản giải quyết tình trạng thiếu thuốc hiện nay" - Phó Chủ tịch Nguyễn Hồng Quang khẳng định.