Hoằng Hóa - Điện Bàn: Mối lương duyên nghĩa nặng tình sâu
Sáu mươi năm trôi qua, với lời thề son sắc, thủy chung và đầy tình nghĩa giữa Hoằng Hóa - Điện Bàn vẫn luôn được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân hai địa phương vun đắp, giữ gìn và phát triển.
Ngày 20/7/1963, tại huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa) đã diễn ra lễ kết nghĩa Hoằng Hóa - Điện Bàn. Đây là sự kiện chính trị quan trọng, là bước ngoặt trong phong trào đấu tranh cách mạng của hai địa phương; đồng thời là sợi dây xuyên suốt nối liền tình đồng chí, nghĩa anh em giữa Đảng bộ, chính quyền, quân và dân hai địa phương.
Thủy chung trong chiến đấu
Trên mảnh đất Điện Bàn hôm nay đã và đang xây dựng những công trình đầy ý nghĩa để ghi dấu ấn thiết thực cho sự gắn kết thủy chung son sắc giữa Hoằng Hóa và Điện Bàn; trong đó nổi bật là Tượng đài Anh hùng Lão dân quân Hoằng Trường được đặt trang trọng tại khu công viên phường Điện Minh, ngay bên tuyến quốc lộ 1, cũng là con đường trung tâm đô thị của Điện Bàn mang địa danh quê hương kết nghĩa Hoằng Hóa.
Nhân dịp kỷ niệm 60 năm kết nghĩa của hai địa phương, thị xã Điện Bàn còn xây dựng và khai trương phòng trưng bày chuyên đề “Hoằng Hóa - Điện Bàn - Nghĩa nặng tình sâu” tại Bảo tàng Điện Bàn. Đây là nơi lưu giữ, trưng bày, giới thiệu nhiều tư liệu, hình ảnh, hiện vật quý về vùng đất và con người Hoằng Hóa - Điện Bàn.
Nhằm tăng cường tình đoàn kết của quân dân trên cả nước, từ đầu những năm 1960, Bộ Chính trị và Ban thống nhất Trung ương đã có chủ trương tổ chức kết nghĩa giữa các địa phương ở hậu phương miền Bắc với tiền tuyến miền Nam.
Thực hiện chủ trương ấy, đại diện MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa và Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam tỉnh Quảng Nam tổ chức lễ kết nghĩa giữa nhân dân tỉnh Thanh Hóa và Quảng Nam vào ngày 12/3/1960.
Đến ngày 20/7/1963, tại huyện Hoằng Hóa đã diễn ra lễ kết nghĩa Hoằng Hóa - Điện Bàn. Kể từ đây, khẩu hiệu hành động “Miền Nam gọi, miền Bắc trả lời”; “Hoằng Hóa khó khăn, Điện Bàn có mặt” - “Điện Bàn khó khăn, Hoằng Hóa chung vai” càng thúc đẩy nhân dân xứ Thanh dành tình cảm sâu đậm nghĩa tình cho địa phương kết nghĩa.
Chỉ tính từ năm 1969 - 1975, hàng trăm chiến sĩ của Tiểu đoàn đặc công Lam Sơn và Trung đoàn bộ binh Lam Sơn là những người con quê hương Hoằng Hóa - Thanh Hóa cùng kề vai sát cánh với quân và dân Điện Bàn trong các trận đánh anh dũng như trận Ngũ Giáp, Bình Long, Gò Mùn, Trảng Nhật...
Nhiều người con của Hoằng Hóa đã anh dũng hy sinh, có người để lại một phần thân thể trên mảnh đất Điện Bàn. Nguyên Bí thư Huyện ủy Hoằng Hóa - Lê Đức Ky cho rằng: “Trước năm 1963, con em Hoằng Hóa đã tình nguyện vào Nam chiến đấu, nên khi Hoằng Hóa - Điện Bàn kết nghĩa thì mối tình thủy chung của hai địa phương được nhân lên gấp bội”.
Cùng với tuyền tuyến, quân và dân Hoằng Hóa ở hậu phương đã phát động nhiều phong trào thi đua trong lao động, học tập và chiến đấu, tạo nên sức mạnh cho hai miền Nam - Bắc. Đồng thời động viên dân và quân Hoằng Hóa thi đua sản xuất, chi viện miền Nam đánh giặc Mỹ theo tinh thần “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”.
Nhân dân Hoằng Hóa đã chắc tay súng, vững tay cày, chắc chiu từng hạt gạo, hạt muối đóng góp cho cách mạng miền Nam, ủng hộ nhân dân Điện Bàn kết nghĩa. Theo đó, từ phong trào diệt ác phá kèm năm 1964 đến phong trào “Tìm Mỹ mà đánh, tìm ngụy mà diệt”, thành lập “Vành đai du kích diệt Mỹ”, các “Đội quyết tử”, các “Tay súng thần kỳ”..., quân và dân Điện Bàn đã lập nên nhiều chiến công vang dội.
Đặc biệt, Xuân Mậu Thân năm 1968 và đỉnh cao là cuộc tổng tiến công và nổi dậy giải phóng hoàn toàn huyện Điện Bàn vào ngày 29/3/1975, góp phần làm rạng ngời truyền thống “Quảng Nam trung dũng kiên cường đi đầu diệt Mỹ”.
Trong mỗi thắng lợi của quân và dân Điện Bàn luôn có sức cỗ vũ, động viên, chi viện vô cùng to lớn của đồng bào, chiến sĩ miền Bắc anh hùng và Hoằng Hóa - Thanh Hóa kết nghĩa keo sơn.
Nghĩa tình trong xây dựng quê hương
Đất nước thống nhất, Bắc - Nam sum họp một nhà. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, Điện Bàn tập trung hàn gắn vết thương chiến tranh, từng bước xây dựng cuộc sống mới.
Giữa muôn vàn khó khăn sau cuộc chiến tranh, mối tình kết nghĩa sắt son, thủy chung trong chiến đấu lại tiếp tục được phát huy khi huyện Hoằng Hóa đã tăng cường một số cán bộ cùng với quân dân Điện Bàn tiếp quản vùng giải phóng, nhiều cán bộ tự nguyện vào giúp đỡ Điện Bàn trên các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Bước vào thời kỳ đổi mới và phát triển, lãnh đạo hai địa phương lại thường xuyên trao đổi, học tập kinh nghiệm; hỗ trợ, động viên, thăm hỏi lẫn nhau mỗi khi gặp thiên tai, dịch bệnh. Đặc biệt, vào các dịp lễ, tết hay lễ kỷ niệm ngày Thương binh - liệt sĩ, hai địa phương đều tổ chức thăm hỏi, tặng quà tri ân các gia đình chính sách, gia đình có công với cách mạng.
Nguyên Bí thư Thị ủy Điện Bàn - ông Lê Thân khẳng định: “Trong những ngày đầu sau giải phóng, mối tình kết nghĩa sắt son chung thủy trong chiến đấu lại càng gắn bó từ việc huyện Hoằng Hóa cử cán bộ vào giúp đỡ Điện Bàn, đến việc thăm hỏi động viên tương trợ nhau trong lúc khó khăn. Đơn cử, các trận lụt lớn năm 1990, năm 1999, khi nước vừa rút, lãnh đạo Hoằng Hóa có mặt kịp thời để tặng quà, giúp đỡ, động viên”.
Suốt 60 năm ấy, nhiều công trình đầy tình nghĩa, thủy chung của Điện Bàn được xây dựng trên quê hương Hoằng Hóa; trong đó có ngôi trường THCS mang tên Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Điện Bàn xây tặng vào năm 2010. Ngôi trường có hai tầng, gồm 10 phòng học kiên cố, trị giá 3,4 tỷ đồng.
Cô giáo Nhữ Thị Tư Hằng - Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi chia sẻ: “Gần 13 năm học qua, các thầy cô giáo cùng nhiều thế hệ học sinh nơi đây luôn tự hào vì được dạy và học dưới mái trường mang tên người con ưu tú của quê hương Điện Bàn - Anh hùng Nguyễn Văn Trỗi, mái trường nghĩa tình của Điện Bàn đã trao tặng”.
Và cũng trên mảnh đất Hoằng Hóa, chỉ tính từ năm 2017 đến nay, Điện Bàn đã trao tặng hơn 1 tỷ đồng để xây tặng hơn 20 ngôi nhà tình nghĩa cho các gia đình chính sách, gia đình có công cách mạng đang khó khăn về nhà ở.
Đón chúng tôi trong căn nhà ấm áp nghĩa tình vừa được thị xã Điện Bàn trao tặng, ông Phùng Hữu Quyết ở xã Hoằng Xuyên (Hoằng Hóa) xúc động: “Tôi tham gia bộ đội ở chiến trường Campuchia từ năm 1977 đến năm 1982 thì ra quân rồi làm cán bộ ở xã Hoằng Xuyên, đến năm 2015 nghỉ hưu, cuộc sống gia đình gặp nhiều khó khăn. Nhờ Điện Bàn quan tâm hỗ trợ 50 triệu đồng xây dựng được ngôi nhà kiên cố như hôm nay tôi rất mừng”.