Tăng cường phòng chống tai nạn đuối nước cho trẻ em
(QNO) - Trước các vụ tai nạn đuối nước thương tâm xảy ra trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua, ngày 18/7, UBND tỉnh có Công văn 4669 bản yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ phòng chống tai nạn, thương tích, đuối nước trẻ em.
Để phòng tránh, hạn chế tối đa hậu quả do tai nạn đuối nước, UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức chiến dịch truyền thông cụ thể, chi tiết, sâu rộng về phòng chống tai nạn đuối nước trẻ em thông qua hình thức trực quan, phương tiện thông tin đại chúng, tuyên truyền trên mạng xã hội và thông qua nhà trường, cơ quan, lớp học, các tổ chức chính trị - xã hội.
Tăng cường tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng phòng chống đuối nước trẻ em cho đội ngũ cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em ở các cấp, cha mẹ, người chăm sóc trẻ và cho trẻ em. Tận dụng tối đa các cơ sở vật chất có thể phục vụ tập huấn, dạy bơi. Cùng với đó, tăng cường kiểm tra, giám sát công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, phòng chống đuối nước trẻ em tại địa phương.
Ngành giáo dục tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, phụ huynh và học sinh trong phòng chống đuối nước. Nghiên cứu, ban hành tài liệu tuyên truyền, giáo dục kỹ năng phòng chống đuối nước cho trẻ em để sử dụng thống nhất trong hệ thống trường học.
Cùng với đó, tăng cường giáo dục thể chất, 100% các trường học triển khai hoạt động ngoại khóa về kỹ năng sống, hướng dẫn học sinh các kỹ năng an toàn trong môi trường nước, kỹ năng cứu đuối tại trường học. 100% các trường cho học sinh ký cam kết “Không tự ý đi bơi, lội nước khi không có người lớn đi cùng”.
Phối hợp chặt chẽ với gia đình trong quản lý, giáo dục học sinh phòng chống đuối nước, nhất là dịp hè. Quản lý, sử dụng và khai thác hiệu quả các bể bơi đã được đầu tư tại một số trường học để dạy bơi cho học sinh. Đồng thời triển khai tốt mô hình “trường học an toàn”, “mùa hè an toàn”, phòng chống đuối nước trẻ em.
UBND tỉnh yêu cầu Sở VH-TT&DL nghiên cứu đề xuất UBND tỉnh tăng cường đầu tư xây dựng các khu vui chơi, nhà văn hóa, sân thể thao, bể bơi… Tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, vui chơi giải trí, thể dục thể thao cho nhân dân trong tỉnh, trong đó có trẻ em.
Bên cạnh đó, tăng cường thanh tra, kiểm tra và quản lý chặt chẽ việc chấp hành quy định an toàn tại các bể bơi; không cấp phép hoạt động đối với những bể bơi không đủ điều kiện đảm bảo an toàn bơi. Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên dạy bơi, dạy kỹ năng an toàn trong môi trường nước cho trẻ em tại cộng đồng, trường học, cơ sở thể dục, thể thao.
Các sở, ngành liên quan chú trọng thực hiện các tiêu chuẩn, tiêu tiêu chí an toàn cho trẻ em tại các công trình xây dựng, làm rào chắn, cắm biển cảnh báo các khu vực có nguy cơ đuối nước đối với trẻ em. Phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng chống tai nạn giao thông đường thủy nội địa, chú ý đảm bảo an toàn cho trẻ khi tham gia giao thông đường thủy. Kiểm tra điều kiện hoạt động các bến thủy nội địa, bến khách ngang sông, việc chấp hành quy định pháp luật về trang bị và sử dụng áo phao, dụng cụ nổi cứu sinh cá nhân trên phương tiện vận tải hành khách, đặc biệt chú trọng tại khu vực bến có đông người dân, trẻ em, học sinh qua lại hằng ngày…
UBND tỉnh yêu cầu các địa phương triển khai ngay giải pháp khắc phục tồn tại, hạn chế trong phòng chống tai nạn đuối nước trẻ em. Truyền thông sâu rộng và tăng cường các chương trình giáo dục kỹ năng sống, phòng chống tai nạn đuối nước, kỹ năng an toàn trong môi trường nước, kỹ năng bơi lội... cho trẻ em trên địa bàn.
Đồng thời rà soát, kiểm tra, phát hiện kịp thời các hố sâu, ao, hồ, sông ngòi, vùng nước, bãi tắm, các khu vực có nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước để có biện pháp phòng ngừa. Cụ thể như làm nắp đậy giếng, bể nước, dụng cụ chứa nước sinh hoạt, làm rào chắn, biển cảnh báo tại các khu vực nguy cơ xảy ra đuối nước.
Phát hiện kịp thời, loại bỏ nguy cơ gây tai nạn, thương tích và các nguy cơ mất an toàn khác cho trẻ em tại địa bàn và hộ gia đình, trường học, lớp học. Có biện pháp chủ động khắc phục, phòng ngừa, cảnh giới, nhắc nhở để bảo đảm môi trường sống an toàn cho trẻ em.