Nhà thờ tộc Nguyễn Tường Hội An: Điểm đến của những câu chuyện lịch sử, văn chương
Nhà thờ tộc Nguyễn Tường (kiệt 8/2 đường Nguyễn Thị Minh Khai, Hội An) vừa kỷ niệm 10 năm mở cửa đón khách tham quan (2013 - 2023). Đây là di tích khá độc đáo không chỉ thể hiện nét đặc trưng của một kiến trúc cổ Hội An mà còn là điểm đến của những câu chuyện lịch sử, văn chương.
Tộc Nguyễn Tường là một dòng tộc nổi danh ở Quảng Nam về truyền thống khoa bảng với những tên tuổi đỗ đạt cao, làm quan lớn dưới triều Nguyễn. Vào những năm đầu thế kỷ 20, hậu duệ tộc Nguyễn Tường gây chú ý với những tên tuổi trên văn đàn Việt Nam như Nguyễn Tường Tam (nhà văn Nhất Linh), Nguyễn Tường Lân (Thạch Lam), Nguyễn Tường Long (Hoàng Đạo). Đây là những nhân vật sáng lập, chủ chốt của nhóm Tự lực văn đoàn, góp phần đặt nền móng cho văn học hiện đại Việt Nam.
Di tích lịch sử
Ngoài nhà thờ cổ trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, hiện còn có nhà thờ tộc Nguyễn Tường nằm ở khu phố Tu Lễ, phường Cẩm Phô, đây là nơi thờ tự Tiến sĩ Nguyễn Tường Phổ cùng hậu duệ, trong đó có các nhà văn Nhất Linh, Thạch Lam, Hoàng Đạo.
Con trai của cụ Nguyễn Tường Phổ là Nguyễn Tường Tiếp (1831 - 1890), thi đỗ Tú tài, năm 1874 theo làm quan văn cho Phạm Phú Thứ.
Nguyễn Tường Tiếp có 4 con trai, trong đó có con trai út là Nguyễn Tường Chiếu (1880 - 1918, ở Hải Dương không về quê), cụ Chiếu chính là thân phụ của các nhà văn Nhất Linh, Hoàng Đạo, Thạch Lam.
Nhà thờ tộc Nguyễn Tường ở khu phố Tu Lễ hiện còn lưu giữ khá nhiều thư tịch, di cảo quý giá, gắn liền với Tiến sĩ Nguyễn Tường Phổ như các sáng tác, sao chép, sưu tầm thơ, chúc thư, câu đối, thư mời lo việc tế xuân, văn tế, bài dự thảo văn bia, hành thuật.
Ngoài ra còn rất nhiều hiện vật, tư liệu của các hậu duệ là 3 nhà văn Nhất Linh, Hoàng Đạo, Thạch Lam trong nhóm Tự Lực văn đoàn.
Nhà thờ tộc Nguyễn Tường được xây dựng năm 1806, vốn là tư dinh của Binh bộ Thượng thư Nguyễn Tường Vân (1774 - 1822), khai quốc công thần triều Nguyễn.
Ông Nguyễn Tường Vân có ba người con, con trưởng là Nguyễn Tường Vĩnh, đỗ Phó bảng thứ nhất tại kỳ thi Hội khoa Mậu Tuất (1838) và được bổ nhiều chức quan triều đình. Con thứ Nguyễn Tường Khuôn là rể của danh tướng Lê Chất. Con trai thứ 3 là Nguyễn Tường Phổ, đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ năm Nhâm Dần (1842).
Ba nhà văn chủ chốt của nhóm Tự lực văn đoàn là Nguyễn Tường Tam, Nguyễn Tường Long, Nguyễn Tường Lân là cháu cố của Tiến sĩ Nguyễn Tường Phổ.
Tại nhà thờ tộc Nguyễn Tường hiện còn lưu giữ khá nhiều tư liệu Hán Nôm có niên đại từ thế kỷ 18 - 20 miêu tả đầy đủ về con đường làm quan của Binh bộ Thượng thư Nguyễn Tường Vân cũng như sử liệu về học hành đỗ đạt của những người con như Phó bảng Nguyễn Tường Vĩnh, Tiến sĩ Nguyễn Tường Phổ… hay chiếu chỉ, sắc phong của các đời vua Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, Thành Thái thăng chứng cho những người trong dòng họ này.
Theo Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An, những tài liệu, văn bản Hán Nôm tại nhà thờ tộc Nguyễn Tường không chỉ được lưu giữ, bảo tồn như một giá trị di sản của dòng họ khoa bảng nổi danh mà còn là minh chứng phản ánh chân thật về lịch sử, văn hóa, xã hội của một giai đoạn, từ đó truyền tải những giá trị giao thoa giữa quá khứ, hiện tại cho thế hệ sau.
Năm 2008, Nhà thờ tộc Nguyễn Tường được xếp hạng Di tích văn hóa và kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh. Năm 2020, mộ Binh bộ Thượng thư Nguyễn Tường Vân được UBND tỉnh công nhận là Di tích lịch sử cấp tỉnh.
Điểm đến văn chương
Ngày 12/7/2013, nhà thờ cổ Nguyễn Tường chính thức mở cửa đón khách du lịch, trở thành 1 trong 6 ngôi nhà cổ, nhà thờ nằm trong ô vé tham quan khu phố cổ Hội An được nhiều du khách lựa chọn.
Qua 10 năm (2013 - 2023), trung bình mỗi tháng nhà thờ tộc Nguyễn Tường đón 15 nghìn lượt khách, riêng giai đoạn 2016 - 2019, bình quân mỗi tháng nơi đây đón 23 nghìn lượt khách tham quan. Phó Thủ tướng Thái Lan, Đại sứ Ba Lan, đoàn Bộ Giáo dục Lào… đã từng đến thăm di tích này.
Ông Võ Phùng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam, nguyên Giám đốc Trung tâm VH-TT&TT-TH TP.Hội An (trước đây là Trung tâm VH-TT) người có công lớn đưa nhà thờ tộc Nguyễn Tường vào điểm tham quan khẳng định, di tích nhà thờ Nguyễn Tường không đơn thuần chỉ là một công trình kiến trúc nhà cổ đặc trưng Hội An (cấu trúc 3 gian 2 chái, chiều sâu 5 nhịp, kết cấu khung gỗ, xây bao gạch, mái lợp ngói âm dương…) mà còn là điểm đến mang giá trị văn chương khác biệt, gắn với những tác giả văn học Việt Nam tiêu biểu trong một thời điểm lịch sử của dân tộc. Còn với nhiều người dân Hội An, nhà thờ cổ Nguyễn Tường cũng là một trong những nơi phát tích của nhóm Tự lực văn đoàn.
Khách tham quan di tích có thể bắt gặp những tủ sách nhỏ với nhiều tác phẩm đã làm nên tên tuổi 3 nhà văn Nguyễn Tường như Đoạn tuyệt (Nhất Linh), Gió đầu mùa (Thạch Lam), Trước vành móng ngựa (Hoàng Đạo)...
Du khách cũng có thể bắt gặp một số tác phẩm của nhóm Tự lực văn đoàn như Thế Lữ, Xuân Diệu, Khái Hưng… được các thế hệ con cháu tộc Nguyễn Tường dày công sưu tầm, trưng bày. Bình quân mỗi năm, nơi đây bán được khoảng 800 cuốn sách cho khách tham quan.
Đặc biệt, bên cạnh những tác phẩm văn chương, nhiều di vật dòng tộc Nguyễn Tường như tranh vẽ bằng mực tàu, giấy dó của Thạch Lam, Nhất Linh hay các bút tích của Tự lực văn đoàn, di bút cụ Phạm Phú Thứ bình thơ Nguyễn Tường Phổ, hay thơ gửi Nguyễn Tường Phổ về việc làm Văn chỉ… cũng được trưng bày nơi đây, qua đó lột tả rõ nét hơn những câu chuyện văn học, những giá trị lịch sử, góp phần làm sâu sắc thêm truyền thống văn hóa của vùng đất Hội An.