Hiểu thấu nghĩa "đồng hành"

THỤY BẤT NHI 16/07/2023 08:11

Bước qua tháng Bảy, sơ kết lại sáu tháng đầu năm 2023, nhiều cơ quan quản lý, sở ngành chuyên môn lại nói về tinh thần hợp tác quan trọng: đồng hành với các doanh nghiệp. 

Tuy nhiên, có không ít đơn vị kinh doanh, đầu tư sản xuất và dịch vụ cho rằng, tinh thần “đồng hành doanh nghiệp” ở nhiều nơi, nhiều cấp, vẫn chỉ mang tính hình thức, chưa thực sự đi sâu vào bản chất vấn đề, chưa thực sự làm cho doanh nghiệp tin tưởng và nhờ cậy.

Hai chữ “đồng hành”, trong tiếng Việt, thật ra đơn giản nhưng những nội hàm ở trong lại khá sâu sắc. Đây là từ Hán Việt, sử dụng nguyên nghĩa chữ Hán để thể hiện nội dung. Trong đó, chữ “đồng” viết hội ý từ bộ quynh (bao quanh) diễn tả như một vòm hang động, một bộ nhất (số một) và bộ khẩu (miệng); nghĩa là ở chung trong một hang động (thời nguyên thủy), thì tiếng nói mọi người vang lên như nhau.

Chữ “đồng” có nghĩa là giống nhau, như nhau, cùng dạng. Chữ “hành”, thì vẽ tượng hình một ngã tư giao nhau, nghĩa là bước đi, cùng động. Từ “đồng hành” vì thế có nghĩa là cùng nhau hành động, làm việc như nhau.

Sở dĩ phải nhấn mạnh hai nghĩa chữ Hán, bởi hàm ý của người xưa, “đồng” không thể thực hiện được nếu không chung một môi trường, hoàn cảnh, ở chung một vị trí và “hành” cũng không thể thực hiện được, nếu không tương trợ nương tựa nhau, như lúc cùng đi qua một ngã tư, một lối rẽ, nếu không nhượng bộ có người đi trước kẻ đi sau, sẽ va chạm, giẫm vào nhau. Nghĩa “đồng hành” vì thế đòi hỏi sự gắn bó phối hợp chặt chẽ, nhất quán, đồng tâm đồng ý thực thi.

Bởi nghĩa này, khi diễn tả khái niệm hợp tác “đồng hành doanh nghiệp”, các cơ quan đoàn thể, tổ chức quản lý phải thực sự đặt mình vào vị trí chung hòa với doanh nghiệp, với các tổ chức dân sự xã hội, để thấu hiểu, san sẻ và tôn trọng nhau.

Sự đồng hành không thể chỉ thông qua lời nói, mà phải thực tiễn với hành động, theo đó có hỗ trợ, tương tác qua lại với nhau, định hướng cho nhau khi cần thiết mà cũng nhượng bộ nhau khi có thể. Cùng ở trong một bối cảnh để thấu hiểu, và chia nhau thứ bậc trách nhiệm, cơ hội để hành động, ấy mới đúng là nghĩa “đồng hành”.

Không ít doanh nghiệp nhìn nhận, lâu nay, tinh thần “đồng hành” luôn được đề cập, nhưng không phải cơ quan ban ngành nào cũng thực hiện đúng tinh thần, thậm chí có thể chỉ “nói suông mà không làm”.

Điều đó không tạo được tinh thần đoàn kết nhất trí trong cộng đồng xã hội, giữa doanh nghiệp và chính quyền, dễ dẫn đến những tiêu cực và bất cập, thiếu đồng thuận hướng tới các mục tiêu bền vững.

Bởi vậy, trong sáu tháng còn lại của năm 2023, hy vọng khái niệm “đồng hành” sẽ được đề cao và thực hiện nghiêm chỉnh, thực sự tạo nên sức mạnh mới cho kinh tế địa phương, sự hợp lực thành công của các nguồn lực kinh tế xã hội từ các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế tư nhân, với các cấp chính quyền và cơ quan quản lý ban ngành.

Hai chữ “đồng hành” vì thế thật sự đáng được hiểu thấu và làm đúng.

THỤY BẤT NHI