Cuốn sách cũ
Tình cờ tôi tìm thấy cuốn sách cũ này trên kệ sách ở nhà. Cuốn sách in năm 1990, tính đến nay đã hiện hữu trên đời này được 33 năm. 33 năm là khoảng thời gian đủ để một em bé lớn lên, trưởng thành.
Cuốn sách vẫn nằm đó, trên kệ sách của gia đình tôi, bị lãng quên, giấy dần xỉn màu đi. Lâu lâu, sẽ có một người, có thể là tôi, là mẹ, hay em trai, nhìn thấy nó. Có thể giở ra đọc lại, có thể không. Nó vẫn nằm đó, đâu biết làm gì khác hơn ngoài chờ đợi. Với lớp bụi bám ngày càng dày hơn.
Tôi nhớ, tôi đã mua nó không lâu sau ngày nó ra đời. Ở một hiệu sách nhỏ trong khuôn viên Hội Văn nghệ TP.Hồ Chí Minh trên đường Trần Quốc Thảo. Lúc đó, tôi vừa học xong ra trường, chập chững những bước đầu tiên trên con đường lập nghiệp.
Trong sáng, mơ mộng, đầy lòng tin yêu con người. Cuốn sách này có lẽ là cuốn sách đầu tiên của nhà văn Nguyễn Thị Hoàng được in lại, kể từ tháng 4/1975. Tôi đã mua nó ngay, không hề do dự dù giá bìa của nó không hề rẻ đối với lương của một đứa mới ra trường như tôi lúc đó.
Bởi tôi đã rất mê “Vòng tay học trò” của bà từ trước, mê những tác phẩm của bà và những nhà văn của Sài Gòn cũ cùng thời với bà. Nhưng lúc đó tôi đã không đọc được nó, khi mang nó về nhà. Tôi nghĩ có thể do mình chưa đủ lớn để đọc nó, nên đã xếp nó trong cái rương đựng đồ đạc ít ỏi của mình lúc đó.
Tôi phải di chuyển nhiều nơi, dọn nhà nhiều lần. Sài Gòn. Nhơn Trạch. Biên Hòa. Đà Nẵng. Hội An. Bằng một cách nào đó, cuốn sách đã đi theo tôi. Tôi quên bẵng đi là mình đã từng có nó, nhưng nó vẫn bên cạnh tôi. Im lặng. Bền bỉ. Nhẫn nhịn. Vậy mà cũng được mấy chục năm trời. Tôi không biết rõ có bao nhiêu cuốn sách, bao nhiêu món đồ đã theo tôi, im lặng, bền bỉ, nhẫn nhịn như thế.
Trong lúc, tôi dường như đã lãng quên, mải mê chạy theo những cuốn sách mới, những món đồ mới, những phù phiếm mới. Cho đến hôm nay, tình cờ gặp lại nó, tôi bỗng thấy mình vô tình quá, đáng trách quá. Vì sự im lặng, bền bỉ, nhẫn nhịn của nó, tôi nghĩ nó cần có một chỗ trang trọng hơn, xứng đáng hơn trong cái tủ sách mới ở nhà tôi. Nhưng hình như nó chả màng chi, chả cần chi.
Trong cuộc đời của mỗi con người, có bao nhiêu thứ, bao nhiêu người như thế, cứ lặng lẽ cho đi, chẳng màng chi, chẳng cần chi cả. Họ cứ im lặng, bền bỉ và nhẫn nhịn cho đi. Trong khi ta vẫn cứ vô tình, cứ lãng quên, cứ mải miết chạy theo những điểu mới mẻ. Mà chẳng hề biết tới.