Chi trả chính sách không dùng tiền mặt cho người có công và đối tượng bảo trợ xã hội: Triển khai “chậm mà chắc”

ANH ĐÔNG 14/07/2023 09:14

Sau thời gian thực hiện thí điểm, ngành LĐ-TB&XH Quảng Nam cho biết sẽ cân nhắc phương án phù hợp trong triển khai thực hiện chi trả chính sách an sinh xã hội không dùng tiền mặt đến người có công với cách mạng và trường hợp bảo trợ xã hội trên địa bàn tỉnh.

Phường Tân Thạnh họp dân triển khai chủ trương chi trả chế độ chính sách không dùng tiền mặt cho người có công và bảo trợ xã hội. Ảnh: CTV
Phường Tân Thạnh họp dân triển khai chủ trương chi trả chế độ chính sách không dùng tiền mặt cho người có công và bảo trợ xã hội. Ảnh: CTV

Từ địa phương thí điểm

Phường Tân Thạnh là địa phương duy nhất của TP.Tam Kỳ thực hiện thí điểm chi trả chính sách an sinh xã hội không dùng tiền mặt đến người có công (NCC) cách mạng và trường hợp thuộc diện bảo trợ xã hội (BTXH).

Hiệp Đức kiến nghị đầu tư thêm máy ATM

UBND huyện Hiệp Đức có báo cáo đề nghị Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Quảng Nam, UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo các ngân hàng thương mại rà soát đầu tư thêm máy ATM tại địa phương, nhất là khu vực xã Bình Lâm để đáp ứng nhu cầu của người dân.

Hiện trên địa bàn huyện có 3 máy ATM đang hoạt động (1 máy của Ngân hàng Quân đội tại xã Quế Thọ, 2 máy của Ngân hàng NN&PTNT tại thị trấn Tân Bình). Tuy nhiên, vào nhiều lúc cao điểm như lễ, tết, ngày nghỉ..., các điểm giao dịch ATM này quá tải, dẫn đến ách tắc cục bộ, chưa đảm bảo phục vụ nhu cầu của người dân.

Đặc biệt, tại khu vực xã Bình Lâm (địa phương giáp ranh các huyện Quế Sơn, Tiên Phước) có đông dân cư, nhiều doanh nghiệp đang hoạt động, nhu cầu sử dụng máy ATM rất lớn.

Theo báo cáo của Phòng LĐ-TB&XH TP.Tam Kỳ, phường Tân Thạnh áp dụng chính sách chi trả không dùng tiền mặt cho NCC, BTXH (qua Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam - BIDV), từ ngày 1/4/2023 đến nay. Trong quá trình triển khai, Phòng LĐ-TB&XH đã phối hợp với UBND phường Tân Thạnh và BIDV tuyên truyền chủ trương này và hướng dẫn, giải thích cho người dân cách thức thực hiện.

Ban đầu có một số trường hợp NCC không đồng tình việc mở tài khoản và nhận thẻ ATM của BIDV, nhưng đến nay tất cả trường hợp NCC và BTXH của phường Tân Thạnh đã được mở tài khoản và nhận tiền qua ngân hàng.

Theo đánh giá của Phòng LĐ-TB&XH TP.Tam Kỳ, với chính sách miễn phí dịch vụ năm đầu tiên của ngân hàng, việc thực hiện chi trả sẽ tiết kiệm được một khoản chi phí cho ngân sách. Tuy nhiên, Phòng LĐ-TB&XH cho rằng, việc thực hiện đồng bộ ở 12 địa phương còn lại trên địa bàn TP.Tam Kỳ còn nhiều vấn đề đặt ra.

Chẳng hạn, khi triển khai đại trà phải hướng dẫn thực hiện cụ thể với từng địa bàn đô thị, nông thôn, kỹ năng tiếp cận dịch vụ chi trả và thực hiện các thủ tục mở tài khoản…; vấn đề xử lý phần lãi suất khi chuyển kinh phí trợ cấp hàng tháng qua ngân hàng (trung ương và tỉnh chưa có hướng dẫn cụ thể); việc cắt giảm chế độ khi người được hưởng chính sách qua đời hoặc vì lý do khác không kịp thời dẫn đến đã chi thì khó khăn trong thu hồi kinh phí…

TP.Tam Kỳ đề nghị Sở LĐ-TB&XH sớm có văn bản hướng dẫn để địa phương thực hiện chi trả không dùng tiền mặt đến người hưởng chính sách an sinh xã hội và NCC cách mạng.

Thận trọng trong triển khai

Tính đến tháng 6/2023, phường Tân Thạnh có 289 NCC nhận chế độ trợ cấp ưu đãi hàng tháng và 432 trường hợp BTXH. Tổng số tiền chi trả với NCC hơn 545 triệu đồng/tháng và trợ cấp BTXH hơn 243 triệu đồng/tháng. Số tiền tiết kiệm khi chi trả qua ngân hàng so với trả qua bưu điện đối với phường Tân Thạnh từ tháng 4 - 6/2023 hơn 47 triệu đồng (năm đầu ngân hàng miễn thu phí dịch vụ).

Tại Quảng Nam, ngày 5/4/2023, UBND tỉnh ban hành Công văn số 1997 để triển khai thực hiện Chỉ thị số 21 ngày 25/11/2022 của Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy chuyển đổi số trong chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt.

Trong đó, UBND tỉnh chỉ đạo Sở LĐ-TB&XH chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương thúc đẩy triển khai chi trả qua tài khoản (bao gồm tài khoản ngân hàng, ví điện tử, tài khoản mobile money và các hình thức hợp pháp khác) cho người hưởng chính sách an sinh xã hội và tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản quy định, quy trình, hướng dẫn về tổ chức chi trả trợ cấp không dùng tiền mặt cho từng nhóm trường hợp cụ thể đảm bảo phù hợp, hiệu quả.

Bà Trương Thị Lộc - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết, UBND tỉnh đã giao sở tham mưu dự thảo kế hoạch triển khai thực hiện chi trả không dùng tiền mặt đối với NCC và BTXH. Việc triển khai chủ trương này vẫn còn thực hiện thí điểm để rút kinh nghiệm chứ chưa làm đại trà. Dự thảo kế hoạch đang được sở tổ chức lấy ý kiến góp ý để hoàn thiện trình UBND tỉnh.

Bà Lộc nói, Sở LĐ-TB&XH chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh vì sự chậm trễ, tuy nhiên với các nhóm trường hợp đặc thù, nhạy cảm, việc triển khai phải “chậm mà chắc” và cân đo đong đếm cẩn thận. Sở đã cử cán bộ đi học tập một số nơi, thấy các tỉnh vẫn rất thận trọng.

Do đó, chủ trương này cần tính toán kỹ. Mở thẻ ATM cho NCC, BTXH có điều kiện đi lại thì dễ nhưng với người nằm một chỗ, không có người nuôi dưỡng… là vấn đề rất khó. Thêm nữa, việc này phù hợp với đô thị, thành phố, còn các vùng nông thôn, miền núi sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Theo bà Lộc, với hạ tầng, cơ sở vật chất ở nhiều khu vực chưa đảm bảo, việc triển khai chủ trương này sẽ gây khó khăn cho người dân. Chẳng hạn, người hưởng chính sách được nhận 480 nghìn đồng/tháng nhưng khi muốn nhận/rút tiền phải đi xa để lên ngân hàng, khu vực có máy ATM…, vừa mất thời gian, công sức vừa tốn kém chi phí không nhỏ.

ANH ĐÔNG