Ưu tiên gỡ khó trước cho nhóm doanh nghiệp sản xuất công nghiệp
(QNO) - Chiều 13/7, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh - Tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt của UBND tỉnh về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp (DN), nhà đầu tư, dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh chủ trì cuộc họp với các ngành, đơn vị liên quan để tìm giải pháp hỗ trợ, tạo điều kiện cho DN phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.
Tại cuộc họp, Sở KH-ĐT thông tin, 6 tháng đầu năm, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của Quảng Nam giảm 9,2% so với cùng kỳ; trong đó chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp giảm gần 30% và chỉ số tiêu thụ giảm 27 so với cùng kỳ. DN của tỉnh gặp khó khăn về tài chính, sức mua của thị trường giảm, sức ép lạm phát...
DN hoạt động trong ngành công nghiệp, đặc biệt nhóm dệt may, da giày thiếu hụt các đơn hàng xuất khẩu, dẫn đến số lượng cắt giảm lao động ngày càng nhiều. Nhiều DN gặp khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn vay hoặc phải bán bớt tài sản trả nợ ngân hàng để không bị xếp vào nhóm nợ xấu.
Trong khi đó, thị trường bất động sản giao dịch chậm đẩy hàng loạt DN kinh doanh bất động sản hoạt động cầm chừng. Vì vậy, DN ở lĩnh vực này kiến nghị tỉnh, trung ương sớm nới lỏng chính sách siết chặt tín dụng, như nâng hạn mức vay vốn; hạ lãi suất vay và tái cơ cấu nợ; xem xét cơ chế cho vay theo khối lượng đã được nghiệm thu đối với công trình có vốn đầu tư công; cho vay bằng hình thức thế chấp dự án đối với dự án làm nhà ở thu nhập thấp, nhà ở xã hội...
Tại cuộc họp, lãnh đạo Cục Thuế tỉnh, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam, Sở LĐ-TB&XH cũng thông tin thêm về "sức khỏe" kinh tế của các DN còn hoạt động, DN tạm dừng hoạt động; thực trạng và nhu cầu sử dụng lao động của các DN...
Kết luận cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh - Tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt của UBND tỉnh về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các DN, nhà đầu tư, dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh yêu cầu Sở KH-ĐT làm đầu mối cần rà soát, phân loại cụ thể các khó khăn, vướng mắc, tình trạng hoạt động của từng DN thông qua các số liệu của ngành thuế, ngân hàng, LĐ-TB&XH...
Các ngành, đơn vị liên quan phải rà soát, đánh giá sát đáng tình hình khó khăn, vướng mắc của DN trong phạm vi quản lý theo tinh thần Công văn số 4281 ngày 4/7/2023 của UBND tỉnh. Mỗi ngành theo chức năng nhiệm vụ được giao phải nắm chắc công việc, trong trường hợp cấp phó đi dự họp thì được giao ủy quyền quyết định ngay tại cuộc họp Tổ công tác chứ không phải xin ý kiến cấp trưởng.
Tổ công tác đặc biệt đi sâu giải quyết những vấn đề nóng, phát sinh, vướng mắc chồng chéo giữa các quy định của pháp luật, bởi dù đã có kết luận của UBND tỉnh rồi nhưng trong quá trình thực hiện gặp ách tắc thì vẫn tiếp tục gỡ.
"Trong các nhóm DN hoạt động các lĩnh vực công nghiệp, bất động sản, đầu tư xây dựng, nhóm cơ sở hạ tầng (giao thông, hạ tầng khu, cụm công nghiệp), du lịch - thương mại - dịch vụ, nông nghiệp, trước tiên tập trung vào gỡ khó trước cho nhóm các DN thuộc lĩnh vực sản xuất công nghiệp. Thống nhất Tổ công tác đặc biệt định kỳ 2 tuần họp một lần, trường hợp cần thiết có thể họp đột xuất" - Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nhấn mạnh.