Sắp xếp, ổn định dân cư: Đông Giang đối diện thách thức

CÔNG TÚ 13/07/2023 04:37

Việc sắp xếp ổn định dân cư miền núi, đặc biệt đối với hộ gia đình có nguy cơ cao về sạt lở, lũ quét, ngập lụt đang đặt ra nhiều thách thức cho huyện Đông Giang.

Nhiều căn nhà thuộc diện nguy cơ cao bị ảnh hưởng sạt lở tại xã A Rooi. Ảnh: C.T
Nhiều căn nhà thuộc diện nguy cơ cao bị ảnh hưởng sạt lở tại xã A Rooi. Ảnh: C.T

Nhìn từ A Rooi

Suốt nhiều năm, ông Bhướch Đoóc vẫn sinh sống bên cạnh 3 người con đã lập gia đình ở thôn Tu Ngung - A Bung (xã A Rooi). Điều đáng nói, cả bốn căn nhà của cha mẹ cùng 3 con chen chúc nhau trên mảnh đất nhỏ, nằm ở độ cao cách con đường chạy qua trung tâm xã chừng 30m. Phía sau 4 căn nhà này, đồi núi cao hàng trăm mét có nguy cơ cao bị sạt lở đang hiện diện.

Chưa hết, Chủ tịch UBND xã A Rooi - ông Hôih Đức dẫn đường đưa chúng tôi tiếp tục vượt dốc, chứng kiến hàng chục hộ dân đang sống chênh vênh sườn đồi, nằm ở độ cao hơn 50m so với nhà ông Bhướch Đoóc. “Toàn xã có tới 139 hộ dân đều thuộc diện nguy cơ cao bị ảnh hưởng do sạt lở khi mùa mưa bão về” - ông Hôih Đức nói.

Khi được hỏi vì sao không di dời đi nơi khác cho an toàn, ông Alăng Ta Lăng - người có uy tín thôn Tu Ngung - A Bung nói, bà con nơi đây ước mong có một cuộc sống bình yên để làm ăn. Tuy nhiên, muốn định cư nơi khác thì nơi đó phải an toàn hơn chỗ cũ, song không thể tìm ra chỗ khi mà quỹ đất ở của xã khá hạn hẹp.

Đến thôn A Điêu, chúng tôi dừng chân tại một điểm tái định cư đã hình thành từ khá lâu với khoảng 10 hộ dân. Song nhìn ra phía sau, thân của đồi núi xuất hiện vệt đất dài bị xói mòn bởi nước mưa. Lãnh đạo xã cho biết, qua khảo sát, địa phương nhận thấy dấu hiệu bất ổn, sạt lở đất có thể xảy ra bất kỳ lúc nào trong mùa mưa bão.

Bí thư Đảng ủy xã A Rooi - ông Hôih Bảy kể, mùa mưa bão năm 2009, một trận lở đất kinh hoàng từng nhấn chìm 15 căn nhà của người dân thôn A Điêu. Rất may bà con đã kịp thời sơ tán trước đó nên không bị thiệt hại về người.

Hiện dân cư trên địa bàn xã phân bổ chủ yếu hai bên sườn núi, dọc suối A Đhur. Thiên tai diễn biến ngày càng cực đoan, nhiều hộ có nguy cơ cao ảnh hưởng bởi sạt lở, lũ quét, ngập lụt.

“Trung ương, tỉnh có nhiều chương trình hỗ trợ liên quan đến nhà ở đối với hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, điều đó là rất quý. Tuy nhiên, địa phương không có quỹ đất để bố trí xen ghép cho hộ thuộc diện này, còn hỗ trợ làm nhà lại tại chỗ sẽ dẫn tới lãng phí nếu thiên tai xảy ra.

Người dân muốn tự đi ở nơi khác thì không có tiền mua đất, giá vật liệu lại cao. Vì vậy, nguyện vọng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã là được cấp trên khảo sát, xây dựng khu tái định cư để sớm “an cư lạc nghiệp” - ông Bảy cho hay.

Cần hỗ trợ kịp thời

UBND huyện Đông Giang cho biết, triển khai thực hiện Nghị quyết số 23 ngày 22/7/2021 của HĐND tỉnh quy định về cơ chế, chính sách hỗ trợ sắp xếp, ổn định dân cư miền núi giai đoạn 2021 - 2025, năm 2022 huyện hỗ trợ 30 hộ đến nơi ở tập trung và 23 hộ diện xen ghép. Năm 2023, qua rà soát, các xã, thị trấn đăng ký thực hiện sắp xếp, di dời nhà ở đến 71 hộ.

Theo ông Đinh Văn Bảo - Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang, qua quá trình thực hiện, huyện nhận thấy có một số vấn đề nổi lên. Đơn cử, giá trị đất ở hiện quá cao, người nghèo không đủ điều kiện mua nên việc chia sẻ đất ở, chuyển nhượng trong gia đình, dòng tộc là không khả thi.

Các địa phương đều kiến nghị làm các khu tái định cư tập trung để bố trí cho hộ trẻ mới lập gia đình, hộ yếu thế, hộ nghèo thuộc diện nguy cơ sạt lở cao... Vậy nhưng, ngân sách huyện vốn hạn hẹp, trong lúc ngân sách tỉnh, Trung ương thì bố trí theo lộ trình, dẫn đến bức xúc về chỗ ở còn nhiều.

Các khu tái định cư được đầu tư trước đây còn bộc lộ nhiều khuyết điểm. Tiến độ thực hiện sắp xếp ổn định dân cư trên địa bàn chậm, người dân đăng ký nhu cầu nhiều nhưng triển khai thực hiện rất ít.

Bởi lẽ, điều kiện kinh tế của hộ không bảo đảm, đất ở khan hiếm, giá cao, gia đình dòng tộc hỗ trợ không nhiều và một số nguyên nhân khác sẽ ảnh hưởng đến việc hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch giao.

Trước thực tế nêu trên, Đông Giang đã kiến nghị với ngành chức năng tham mưu UBND tỉnh cho chủ trương mở rộng đối tượng hưởng lợi cơ chế của Nghị quyết số 23 đối với hộ mới tách, hộ yếu thế, hộ nghèo, cận nghèo chưa có đất ở, đang ở chung với bố mẹ hoặc ở nhà tạm bợ, dột nát, sống quần cư trong cộng đồng, để giãn dân, sắp xếp chỉnh trang khu dân cư theo chương trình nông thôn mới.

Huyện cũng kiến nghị tỉnh bổ sung danh mục khu tái định cư tập trung thôn A Dung (xã A Rooi) vào đề án rà soát quy hoạch các điểm tái định cư phòng chống thiên tai khu vực miền núi tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2022 - 2025 và định hướng đến năm 2030. Đặc biệt, quan tâm đầu tư xây dựng khu tái định cư Tu Ngung - A Bung (xã A Rooi) để bố trí chỗ ở cho hộ dân nằm trong vùng có nguy cơ cao bị sạt lở nhằm ổn định cuộc sống, đảm bảo an sinh.

CÔNG TÚ