Vượt lên nghịch cảnh
Nỗ lược vượt qua nghịch cảnh mù lòa, ông Lê Đình Hùng ở thôn Bình Khương, xã Bình Giang (Thăng Bình) đã tạo dựng sinh kế ổn định, gia đình yên ấm.
Ông Lê Đình Hùng kể, sau 2 lần bị thương ở cùng một con mắt, thị lực ông suy giảm nghiêm trọng. Năm ông lên lớp 6, gia đình quyết định đưa đi phẫu thuật. Lần mổ mắt này đã để lại biến chứng, chẳng những khiến con mắt thương tật của ông bị mù mà ngay cả con mắt đang lành lặn cũng bị nhiễm trùng dẫn đến mù lòa vĩnh viễn. Năm 16 tuổi, ông được chuyển ra học tại Trường Nguyễn Đình Chiểu (Đà Nẵng). Tại đây, ông được dạy kỹ năng, học chữ nổi, học nghề.
Ngoài 20 tuổi, rời Trường Nguyễn Đình Chiểu về lại quê, ông bắt đầu tập tành làm hương, làm tăm tre, chổi đót để bán dạo trong làng, trong xã và các vùng lân cận, có khi lên tận Hà Lam.
Sản phẩm bán ra thị trường ngày càng nhiều, ông được bạn bè, người thân giúp vận chuyển hàng, rồi có người sớm trưa đưa đi khắp nơi bán hàng, tiếp thị sản phẩm. Nhờ sự cần cù, chăm chỉ làm ăn, giao tiếp có thiện cảm, ông hòa nhập tốt với cộng đồng, gặt hái được quả ngọt.
Ngoài 30 tuổi, ông lập gia đình với một phụ nữ ở Hà Lam. Vợ chồng ông mạnh dạn mua sắm máy móc, thiết bị sản xuất tăm tre để gia tăng sản phẩm. Về sau, vợ chồng ông chuyển toàn bộ nguyên liệu cho bạn bè và một trung tâm ở Đà Nẵng gia công, còn ông dành thời gian đem hàng đi bỏ sỉ khắp nơi, với sự hỗ trợ của một người bạn.
Không chỉ có thu nhập ổn định trang trải cuộc sống, chăm lo cho gia đình, ông Hùng còn giải quyết công ăn việc làm, hỗ trợ nhiều người dân địa phương có cùng hoàn cảnh. Mỗi năm, gia đình ông cung ứng cho thị trường khoảng 30.000 hộp tăm, 25.000 cây chổi; ông còn nhận phân phối bút bi Thiên Long với sản lượng mỗi năm hàng chục nghìn cây.
Từ khi Hội Người mù huyện Thăng Bình giải thể, ông Hùng tham gia sinh hoạt tại Hội Người khuyết tật xã Bình Giang. Ông luôn nỗ lực giúp đỡ hội viên, người có hoàn cảnh không may như mình; trở thành đầu mối tiêu thụ sản phẩm chổi đót, tăm tre, hương do hội viên làm ra.
Con đầu lòng của vợ chồng ông Hùng học đại học chuyên ngành công nghệ ô tô; con thứ hai đang học lớp 12 và đứa thứ 3 bước vào lớp 1. Ngoài căn nhà cấp 4 xây dựng trước đó, vợ chồng ông Hùng còn xây mới căn nhà bên cạnh với tổng chi phí lên tới 600 triệu đồng.
Ngoài thời gian đi thị trường, ông Hùng tranh thủ phụ vợ công việc chăn nuôi, trồng trọt. Đàn bò lai của gia đình ông có thời điểm lên tới 6 con nái, đàn heo nái 4 - 5 con. Ông còn đầu tư trồng cỏ nuôi bò, trồng khoai lang bán củ và các loại hoa màu khác... Nghị lực và tinh thần vượt khó vươn lên từ nghịch cảnh của ông Lê Đình Hùng được nhiều người nể phục, là tấm gương sáng trên vùng đất cát Thăng Bình.